Khi hàng xóm cưới nhau
Nhà đối diện, mở cửa ra thấy mặt. Biết nhau từ lúc còn ở truồng tắm mưa, đánh nhau như cơm bữa... Những người hàng xóm “thuộc lòng” nhau có ngày lại đem đến cảm xúc yêu đương cho nhau, rồi nên nghĩa vợ chồng. Chuyện tình, đám cưới, cuộc sống hôn nhân của họ biết bao điều thú vị… Tiền Phong xin kể những câu chuyện tình hàng xóm với quý bạn đọc. Bài 1: Đi lấy chồng xa tới… 10 mét
Một ngày, nhà chàng trai chuyển về con phố nọ ở trung tâm thành phố Đà Nẵng. Phía bên kia đường, cô gái không hay biết hàng xóm có thêm một thanh niên cùng trang lứa. Suốt cả năm trời Trần Thanh Phương và Trần Nhật Thanh (29 tuổi, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chẳng chạm mặt nhau, vậy mà một ngày nên nghĩa trầu cau.
“Lấy chồng hàng xóm có mỗi cái thiệt thòi là khi giận chồng không bỏ về nhà mẹ được, kiểu gì chồng chẳng thấy. Nhưng ở gần là động lực để mình vun vén, phải sống hạnh phúc. Vì cha mẹ nào chẳng muốn thấy con mình sống hạnh phúc ngay trước mắt”. Phương tâm tình
Hàng xóm chưa hề chào nhau và hai lần “đụng độ”
Phương sống trong căn nhà ở trên đường Tăng Bạt Hổ (quận Hải Châu) từ thuở nhỏ. Con phố kinh doanh sầm uất, hầu như chỉ những người buôn bán “buôn có bạn, bán có phường” mới năng giao thiệp với nhau. Cô lớn lên trong gia đình trí thức, chỉ quẩn quanh đi học, đi làm, thành thử ít để ý xung quanh.
Năm 2012, gia đình Trần Nhật Thanh (cùng tuổi Phương) chuyển về con phố này sinh sống. Nhà Phương bên này, nhà Thanh bên kia đường, xéo xéo một chút, cách nhau có hơn 10m. Làm hàng xóm cả năm trời, vậy mà cả hai không đụng mặt nhau. Thời điểm đó Phương là sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, Thanh học ĐH Duy Tân, cũng không “đụng trường”.
Một năm sau, trong một lần nhà Phương đi du lịch Hàn Quốc, khi tới sân bay, bố mẹ ồ lên, tay bắt mặt mừng khi thấy nhà hàng xóm - gia đình Thanh cũng đi chung chuyến này. “Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh Thanh, biết anh ở đối diện nhà mình. Tôi cũng chỉ chào hỏi cho phải phép và coi như tình cờ thôi”, Phương nói. Đi chung tua, hai gia đình đồng hành với nhau trong nhiều ngày, Phương nhớ lại không có ấn tượng gì với Thanh ngoài việc anh có vẻ thích chụp hình.
Sau chuyến du lịch ấy, thỉnh thoảng hai người có gặp nhau khi ra đường, vẫn chẳng có gì hơn ngoài việc biết nhau là hàng xóm. Năm 2014, nhà Phương lại đi du lịch theo truyền thống, một lần nữa “đụng độ” cả nhà hàng xóm trên sân bay khi chuẩn bị sang Nhật.
“Biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu nơi để người ta có thể đi, lại đi cùng ngày, cùng nơi với nhà mình. Có duyên vậy chứ. Khi ấy hai nhà đều bất ngờ và thân nhau hơn một chút, anh Thanh cũng bắt đầu trò chuyện với tôi”, Phương kể và đinh ninh sự trùng hợp này hoàn toàn không thể do người lớn sắp đặt. Vì chính cô là người lên kế hoạch và mua tua đi du lịch cho cả nhà.
Lần tái ngộ này, cô để ý thấy Thanh hay chụp lén hình mình, thỉnh thoảng xách đồ hộ, có vẻ quan tâm. Thanh thì thừa nhận mình nhút nhát nên không dám chủ động tiếp cận nhiều hay bày tỏ gì với Phương cả. Đi Nhật về, Phương và anh hàng xóm thân nhau hơn, bắt đầu đi cà phê, đi chơi chung với nhau. Càng tiếp xúc, cả hai bên càng cảm mến nhau, hiển nhiên lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, hai người nảy sinh tình cảm yêu đương. Bắt đầu chuyện tình hàng xóm mà cả hai chưa bao giờ nghĩ tới.
Thảm đỏ rước dâu
Đứng từ tầng hai nhà Phương có thể nhìn thấu sang sân, trong nhà, phòng ngủ của Thanh. Đó là “view” ngốn thời gian nhất của Phương thời điểm cả hai “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Phương hài hước kể, cứ mỗi sáng thức dậy, vệ sinh cá nhân xong, cô lật đật chạy ra ban công một vòng “thị sát” nhà đối phương.
Sáng nào cũng phải thấy Thanh ra sân, hoặc đi qua đi lại trong phòng thì người mới phấn chấn lên để đi làm. Cô thấy phòng Thanh gọn gàng, giản đơn với chiếc tủ, cây ghi ta, sách báo…
Có lần đang mải “rình mò” thì bất chợt thấy Thanh ôm đàn ghi ta, ngân nga câu hát “…là em đến bên anh cho vơi đi ưu phiền ngày hôm qua, nhẹ nhàng xóa đi bao mây đen vây quanh cuộc đời nơi anh…” (Ánh nắng của anh) làm tim cô xao xuyến. Phương thú thật khoảnh khắc ấy đã bị anh hàng xóm “đốn tim”.
“Thật ra thì ngày nào tôi cũng đợi Phương xuống sân đi làm để nhìn cô ấy. Tầm 7h sáng Phương ra khỏi nhà, tầm 6h tối về, tôi thuộc luôn lịch. Chỉ tiếc là ban công nhà Phương cây cối nhiều quá, không thể nhìn vào bên trong được, phòng ngủ của Phương lại ở phía sau nên cô ấy vào nhà là mất hút. Tôi cũng có hôm cố tình ra đường để giả vờ “va chạm tình cờ” nữa”, Thanh “tự thú”.
Nuôi nấng tình cảm một thời gian, cả hai bày tỏ, chính thức bên nhau. Ba mẹ hai bên ngạc nhiên hết sức khi thấy con tìm thấy một nửa của mình…ngay trước sân. Nhà Thanh quý Phương vì ngoan hiền, nhà Phương cũng không phản đối vì tin vào lựa chọn của con mình. Hôm sang thưa chuyện, Thanh cứ thấy “quê quê” vì nhà cách nhau có mấy bước chân, mà bước vào nhà Phương phải trịnh trọng, nghiêm túc, vừa run vừa xấu hổ.
Năm 2019, đôi tình nhân hàng xóm làm đám hỏi đám cưới. Hai cái cổng hoa cách nhau có chục mét, hai bà thông gia đứng bên này nhìn qua nhà bên kia, thấy bày biện chỗ nào chưa đẹp là chạy sang chỉnh chỗ ấy. Gần quá hoá tự nhiên. Đội bưng lễ thì đứng xếp hàng, dài vừa y khoảng cách từ nhà chú rể sang tận nhà cô dâu.
Hàng xóm đi qua đi về mắt tròn mắt dẹt ồ lên, “ủa, hai đứa nhỏ ni cưới nhau hả?”, “tụi bây ưa nhau hồi mô đó?”, “đi lấy chồng xa vậy chừng nào mới được về thăm nhà?”… Lúc rước dâu, cả xóm ùa ra chụp ảnh vì chưa bao giờ thấy cảnh trải thảm đỏ từ nhà chú rể sang tận nhà cô dâu, để cô đi trên thảm đỏ về nhà chồng.
Một cái đám cưới mà vui lây cả xóm. Bà con hai bên hân hoan, ấm lòng khi con cháu lấy chồng gần, khỏi xót xa nhìn cảnh nhà gái gửi lại con ra về lúc tàn tiệc. “Để em bớt “thiệt thòi”, nhà em cũng chuẩn bị xe hoa cho em ngồi, chạy quanh thành phố. Chớ không sau lại tiếc vì chưa một lần lên xe hoa. Nhưng chạy xong thì về lại xóm, đi bộ qua nhà ảnh”, Phương nhớ lại.
Những ngày đầu đi làm dâu…bên kia đường, biết nhà mình ngay trước mặt, Phương vẫn chạnh lòng. Cũng con đường ấy, thế mà mỗi ngày đi làm về phải rẽ xe vào một nhà khác, tối tối thấy ba mẹ ăn cơm bên kia, không có mình.
Nhưng rồi cô cũng dần quen và cảm thấy mình may mắn khi lấy chồng ngay trong xóm. Nhất là sau khi ba mất, cô vẫn ở gần để an ủi, động viên mẹ mỗi ngày, như ca dao “Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho”. Thấm thoắt đã mấy cái Tết, nhìn những đôi vợ chồng tay xách nách mang, cầm lịch chia ngày về nội, về ngoại, trở lại nơi làm việc… vợ chồng Phương lại càng thấy mình thuận lợi hơn biết bao người. Nội ngoại ngay trước mắt. Tết nào cũng đoàn viên.
(còn nữa)