Khi dân văn phòng "sính ngoại"

Vịt ngố, nguồn ảnh: aFamily.vn,
Chia sẻ

Để dẫn dắt, làm chủ câu chuyện và thể hiện bản thân, họ tìm cách "dìm hàng" cả dân tộc trước con mắt thế giới.

Trong xu thế hội nhập, các nhân viên công sở có cơ hội được làm việc trong môi trường hiện đại, nơi họ sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện không chỉ phục vụ cho công việc mà còn trong giao tiếp. Họ được tiếp cận với những chuyên gia người nước ngoài trong những dự án của công ty. Nếu mọi sự chỉ dừng đến đó - tức là họ cứ thế mà làm việc và gặt hái thành công - thì cũng chẳng có gì đáng nói, nếu không có chuyện người ta tận dụng cơ hội để được giao tiếp và kết bạn với "người nước ngoài" bằng phương pháp "dẫm đạp" lên đầu thiên hạ. Chúng ta tạm gọi hội chứng này bằng cái tên "sính ngoại", vì biểu hiện cơ bản của nó là luôn "khen Tây, chê Ta" trong mọi tình huống giao tiếp.
 
"Sính ngoại" không chỉ là thích hàng hóa nước ngoài, mà còn là... ngưỡng mộ thái quá người nước ngoài. (Ảnh minh họa)
 
Điển hình là Quân - quản lý phòng vé của một công ty du lịch có tiếng tại Hà Nội, anh có rất nhiều bạn bè là người nước ngoài. Với ưu thế về khả năng giao tiếp bằng cả 3 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Ý, Quân biến rất nhiều đối tượng từ mối liên hệ đại lý - khách hàng, đối tác chuyển sang mối quan hệ bạn bè khá thân thiết. Trong mọi cuộc gặp mặt, bạn bè và đồng nghiệp vẫn thường thấy anh "tải" theo một vài "rờ-moóc" mắt xanh mũi lõ. Nếu chỉ dừng lại đây chắc hẳn đã chẳng có vấn đề gì, nhưng đến cả những lần họp lớp cấp 3, đại học, Quân vẫn cứ thoải mái lôi bạn bè ngoại quốc đến để "dán mác" hạng sang, thành đạt cho bản thân mình. Bằng thái độ ưu tiên "bạn Tây" ra mặt, anh thể hiện cho mọi người thấy sự "không cùng đẳng cấp" của họ so với anh.
 
Còn với Thu và Nhiên, hai cô bạn này có cái may mắn là thân nhau từ bé, lớn lên vẫn học cùng nhau, và cùng xin vào làm ở một công ty. Giữa họ không có sự tị hiềm, tranh chấp như trong các bộ phim Hàn Quốc, mà chỉ có sự tương đồng đến kỳ lạ về thói quen, sở thích, và đặc biệt là về độ "sính ngoại". Bình thường, cứ mỗi lần tình cờ gặp một du khách nước ngoài "bơ vơ" lang thang ở Hồ Gươm, hai cô đều xán vào bắt chuyện bằng vốn tiếng Anh bập bẹ và không chút kiến thức căn bản về ngữ pháp của mình. Nhưng chuyện đó chẳng hề quan trọng, thứ các cô quan tâm không phải là nâng cao trình độ ngoại ngữ, mà là việc các cô được nói chuyện "rôm rả" với người nước ngoài trong khi thiên hạ lác mắt nhìn đầy ghen tị. Chỉ khổ cho một bác người Bồ Đào Nha, bác này sành tiếng Pháp, nhưng lại cũng chỉ bập bõm tiếng Anh, nên sau một lúc toát mồ hôi hột trước sự nhiệt tình quan tâm đến tuổi tác, đời tư của hai cô gái kia đã phải vội vội vàng vàng vẫy tay chào để... tháo chạy.
 
Nhiều người tìm cách tiếp xúc với người nước ngoài không hẳn chỉ để nâng cao trình độ ngoại ngữ. (Ảnh minh họa)
 
Nếu chỉ "hám Tây" thôi, thì chúng ta cũng đành gật gù chấp nhận và im lặng không dám ho he bình luận, bởi có khi họ cũng có cái lý do chính đáng ở xứ dân mình da vàng mũi tẹt thì nhiều, dân họ da trắng mắt xanh thì ít. Của ít có khi là của hiếm, âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng cái đáng nói đến ở đây là sự cố gắng dẫn dắt câu chuyện, thể hiện kiến thức của những người trong cuộc bằng cách miệt thị, mỉa mai, bỉ bai những người đồng hương của mình, và luôn mồm tâng bốc, khen ngợi xứ phương Tây.
 
Một lần tình cờ, bạn cùng lớp của Quân đi ngang qua và "hóng" được đôi phần câu chuyện đang đến cao trào, hứng khởi và sôi nổi. Anh này chỉ muốn thụi luôn cho ông bạn vênh váo một phát vào bụng, khi căng tai ra mà nghe cậu ta mải mê phun châu nhả ngọc "chém gió": "Lớp chúng tao nó học ngu lắm, mỗi tao là nỗ lực nên mới ăn nên làm ra, còn lại dăm ba thằng giám đốc đều là do cơ cấu sất! Ở Việt Nam chúng tao còn lắm điều bất cập lắm, chẳng được như ở đất chúng mày. Đời sống chúng mày tự do, thẳng thắn, cầu tiến... chứ còn ở đây dân trí còn thấp lắm, chả hy vọng được gì đâu..."
 
Để dẫn dắt, làm chủ câu chuyện và thể hiện bản thân, họ tìm cách "dìm hàng" cả dân tộc trước con mắt thế giới. (Ảnh minh họa)
 
Thu và Nhiên, sau bao ngày rình rập "săn Tây", đã được rú rít mừng vui khi ê-kip chuyên gia của dự án do đối tác chuyển đến là hai anh... "Tây Á" mắt một mí đẹp trai từ xứ sở Kim chi. Ngày ngày "đóng đô" ở quán trà chanh gần công ty, hai cô lên kế hoạch tiếp cận và làm thân với cả hai chuyên gia này. Chẳng rõ có phải do "ở hiền gặp lành" hay không mà hai cô nhanh chóng trở thành bạn tốt của họ. Và từ đó, họ hình thành thói quen rủ nhau trà chanh sau giờ làm để... nói xấu thiên hạ cho đã đời. Với những màn xì xà xì xồ tiếng Hàn Quốc, họ thả phanh buôn bán chuyện thiên hạ, rằng người Việt Nam chúng tao thiển cận và xấu tính lắm, đi đường chúng nó không bao giờ chấp hành luật giao thông, lạng lách đánh võng và bon chen thì khỏi kể,... Được mùa đi buôn dưa, hai cậu Kim chi cứ thế hỉ hả cười hềnh hệch.
 
Ngay tại lúc đang thực hiện bài viết này, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện của một cô nhân viên trong bộ áo dài đồng phục màu xanh biển với một bác có vẻ như cũng là du khách. Cô kể: "Hồi cháu đi học cũng thế, bọn sinh viên nó cứ để điện thoại đổ chuông ầm ầm, đến cả giảng viên cũng vậy. Trong giờ học, cứ thỉnh thoảng lại có tiếng chuông báo, hết trò áp máy vào tai thì thào rồi đến thầy thản nhiên nghe điện giữa giờ học, khó chịu kinh khủng. Cháu thì chả bao giờ cháu làm thế, cứ vào lớp là cháu để chế độ rung".
 
Những việc làm này tạo ra một cái nhìn thiếu toàn diện của thế giới đối với con người Việt Nam. (Ảnh minh họa)
 
Thì ra, cái cách dẫn dắt câu chuyện, cách tìm chủ đề để giao tiếp của đa phần người Việt là bằng phương pháp "dìm hàng" kẻ khác. Họ sẵn sàng bôi xấu bạn bè, người thân của mình để nhấn mạnh một điều: người ta toàn những kẻ xấu xa, kém cỏi, còn tôi thì không như thế. Nhờ đó, họ trở nên chói sáng hơn trước mắt những người bạn ngoại quốc chăng?
 
Còn chúng tôi, điều chúng tôi ghi nhận được ở những câu chuyện trên, là nụ cười khi thì nửa miệng, khi thì như vỡ ra được cái đặc trưng của cả một dân tộc của những người khách đến từ phương xa. Nhìn cái cách họ gật gù đầy biểu cảm"thì ra người Việt chúng mày rặt một đám tệ như thế", chúng tôi không khỏi bất giác thấy xấu hổ, không vì những thứ nhược điểm được mô tả, mà vì chính những "con sâu làm rầu nồi canh" đang thỏa thuê thao thao bất tuyệt trước mặt họ.
Chia sẻ