Khi đàn ông "buôn dưa lê"
Đang bàn chuyện làm ăn, một người bỗng dưng hỏi: “À mà này, các cậu có nhớ Thúy, phó giám đốc chi nhánh Đà Nẵng không, cô ấy trông được đấy chứ?”; nhóm bốn người đàn ông sôi nổi hẳn.
Đang rôm rả tình hình công việc ở chi nhánh Đà Nẵng, bỗng dưng các ông tập trung vào cô hoa khôi của công ty, chuyện "lần đầu tiên gặp Thúy trong buổi họp khu vực miền Trung, tôi đã thấy thích”; “sao cô ấy xinh xắn thế kia, gương mặt và thân hình nhìn một lần đã ngất ngây mà 33 tuổi vẫn còn độc thân”...
“Bảo đảm với các ông cô ấy kén chọn quá, hoặc phải có chuyện trục trặc thầm kín gì đó, chứ vừa đẹp vừa giỏi như thế, sao đến giờ này vẫn chưa có mảnh tình nào”, Sơn, một người trong nhóm quả quyết.
Phán đoán của Sơn lập tức không được những người khác đồng ý bởi “biết đâu cô ấy còn phải chăm sóc cha mẹ”. Không thỏa mãn các giả thuyết, một người trong nhóm quyết định gọi điện thoại cho đồng nghiệp ở Đà Nẵng để “truy cho bằng được lý do”.
Cuối cùng, sau hơn 30 phút "sùi bọt mép" vẫn không kết quả, nhóm đàn ông hẹn sẽ tiếp cận để tìm hiểu nàng bằng nick yahoo hoặc nhắn tin qua điện thoại. Chuyện Thúy chỉ tạm khép lại khi một người mở rộng chủ đề “con gái đẹp mà giỏi quá, làm nhiều tiền quá cũng khó kiếm người yêu”.
Gặp nhau ở quán nhậu, quán cà phê hoặc thậm chí chỉ cần 2 người chat với nhau, trừ những người thuộc tuýp chỉ thích nói chuyện công việc, hầu hết đàn ông đều có thể trở thành những ông "tám" với đủ loại đề tài trên trời dưới đất, từ chuyện thời sự, thể dục thể thao, con cái và "con gái"...
Mỗi độ tuổi, mỗi công việc có một chủ đề riêng, và với
những chàng chưa lập gia đình thì chủ đề thường thấy nhất là bạn gái.
Bữa tụm năm tụm ba sẽ không thể sôi nổi nếu không ai trong nhóm khơi
chuyện "con nhỏ đó trông kiêu kiêu nhưng quyến rũ; Hoa thân hình bốc lửa
nhưng lại nói nhiều; em Huyền có đôi mắt tuyệt đẹp nhưng tính tình
nghiêm quá lại gầy nhom; lấy cô này thì cả đời yên tâm, lấy cô kia cày
cả đời cũng chẳng giàu nổi bởi suốt ngày mua sắm".
Khác với thanh niên chưa gia đình, đàn ông có vợ thích "ngồi lê" lại có vấn đề riêng. Ngoài chuyện mà cả nhóm đều biết như trận bóng đá tối qua, phong độ của một cầu thủ nào đấy không ổn định, các ông thường quan tâm đến giá vàng tăng, cổ phiếu giảm và... bà vợ. Thường thì không trực tiếp nói về vợ mình, các ông luôn có bình luận chéo hoặc nói về những người không có mặt. Cụ thể, khi thấy một người trong nhóm nghe điện thoại rồi xin phép về sớm vì "bận việc", đề tài sợ vợ, nể vợ, trốn thanh toán tiền lập tức xuất hiện.
"Biết ngay mà, lần nào cũng vậy, thằng đó sợ vợ lắm. Lần nào nhậu nó cũng bị vợ gọi về. Có gia đình mà như thế thì chết còn sướng hơn. Vợ mà, có phải mẹ đâu", một người trong nhóm lên tiếng. Có khi ý kiến này được số đông đồng tình, cũng có lúc bị phản bác bởi theo một người khác trong nhóm, lý do của việc rút quân sớm không phải vì vợ là vì sợ tính tiền. Rồi từ trường hợp cụ thể, nhóm đàn ông lại bàn luận rộng ra đến nạn keo kiệt của một số anh em, hoặc vấn nạn sợ vợ. Đôi khi họ nói về người khác, có khi lại tố khổ nhau.
Thông thường đàn ông ít dám than phiền về vợ vì sợ ngại với bạn. Vấn đề chính là ca tụng vợ hoặc luận về những cơn ghen của bà xã. Cũng từ đây, họ truyền nhau những kinh nghiệm hoặc có khi cũng khuyên nhau "thôi, chung thủy với bà xã cho nó lành".
Câu chuyện buôn dưa lê của đàn ông thường kết thúc bằng cái kết huề cả làng theo kiểu nói cho vui, nhưng cũng có khi từ buôn dưa lê rồi bất đồng quan điểm mà giận nhau. Chuyện thành to tiếng cãi nhau, rồi từ đó trở về sau "thề hễ nói chuyện âm nhạc thì thằng đó đừng hòng có mặt", hoặc khi nói chuyện "gái gú, lén vợ đi massage thì đừng gọi tôi đến".
Theo các chuyên gia tâm lý, cũng như phụ nữ, đàn ông cũng cần "tám" bởi đấng mày râu vẫn cần có nhu cầu để luận bàn, xả stress về những gì xảy ra quanh họ.
"Điều quan trọng là đừng để việc tán gẫu trở thành "chém gió, chém bão" một cách thái quá. Nhất là lúc trò chuyện, do cao hứng lại thêu dệt câu chuyện vượt quá sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự hoặc hạnh phúc của người khác", một chuyên gia tâm lý nói.