Khi dân công sở vô cớ gặp thị phi: Chuyện nắng mưa của trời còn có người thương kẻ ghét, sống không thẹn với lòng thì cần gì giải thích

Old Fashioned,
Chia sẻ

Thị phi trong công ty vốn nhiều vô số kể, chẳng hiếm khi chúng ta vô cớ (bị) dây vào một vài lần trong đời. Nhưng giải thích một hai lần rồi thôi, đừng dốc lòng ôm hận, tìm cách trình bày mối oan ngày này qua năm khác, rõ ràng, mất sức mình mà có mấy ai tin.

Có tích cũ kể lại rằng, nhân một hôm nhàn nhã, vua Đường Thái Tông đã đặt câu hỏi cho vị quan cận thần Hứa Kính Tôn rằng: “Trẫm thấy phẩm cách của khanh cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?”.

Hứa Kính Tôn nghe xong liền thở dài trả lời: “Tâu bệ hạ. Mưa mùa xuân tầm tã, người nông dân mừng cho ruộng đất được tưới nước nhưng người đi đường lại ghét vì đường đi trơn trượt hơn. Tương tự, trăng mùa thu sáng vằng vặc trên bầu trời đêm, thi nhân, thi sĩ vui mừng vì dịp này họ được thưởng nguyệt ngâm thơ, nhưng những kẻ trộm cắp lại ghét vì ánh trăng sáng quá, đâu thể “hành nghề”. 

Khi dân công sở vô cớ gặp thị phi: Chuyện nắng mưa của trời còn có người thương kẻ ghét, sống không thẹn với lòng thì cần gì giải thích - Ảnh 1.

Ông trời vốn vô tư, cao cao tại thượng mà cái chuyện nắng mưa, sáng tối của ông vẫn bị người đời kẻ trách kẻ thương. Còn như hạ thần đây, ‘nhân bất thập toàn’ thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích?

Thế nên thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin, vội nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quần thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian độc còn hơn nọc rắn rết, bén còn hơn gươm đao, giết người không thấy máu. Đáng sợ, đáng sợ!”.

Khi dân công sở vô cớ gặp thị phi: Chuyện nắng mưa của trời còn có người thương kẻ ghét, sống không thẹn với lòng thì cần gì giải thích - Ảnh 2.

Tưởng chừng như không liên quan, ấy thế mà câu chuyện trên đã nhắc nhở dân công sở một bài học rằng: Thị phi trong công ty vốn nhiều vô số kể, cho nên chẳng hiếm khi chúng ta vô cớ (bị) dây vào một vài lần trong đời. Nhưng giải thích một hai lần rồi thôi chứ đừng dốc lòng ôm hận, tìm cách trình bày mối oan ngày này qua năm khác, rõ ràng, mất sức mình mà có mấy ai tin.

Ví dụ như đồng nghiệp xấu đơm đặt chúng ta sân si nhiều chuyện, hay vô tình bị mọi người trong công ty nghĩ rằng chúng ta chảnh chọe chẳng thích giao tiếp với ai (trong khi mình là người trầm tính ít nói),... Những cớ sự hiểu lầm này cứ thế vô cớ rơi vào đầu trong một hôm nào đó chẳng mấy đẹp trời. Đối diện với nó, phản ứng thường thấy của chúng ta hoảng sợ, lo lắng, bất an.

Khi dân công sở vô cớ gặp thị phi: Chuyện nắng mưa của trời còn có người thương kẻ ghét, sống không thẹn với lòng thì cần gì giải thích - Ảnh 3.

Tuy nhiên, các cụ có câu nói “thanh giả tự thanh” hoặc mới đây là câu nói khá sâu sắc của nhân vật Nhất giai Quý phi Phạm Thị Hằng/Hiệu Nguyệt (nghệ sĩ Hồng Đào thủ vai) trong tập 1 của bộ phim Phượng Khấu khi nói về những thị phi mình vô tình gặp phải rằng: “Chuyện giả không bao giờ có thể trở thành thật. Tất cả những người tung tin đồn chỉ muốn làm cho chúng ta bất an thì mình nhất định không bất an”.

Khi dân công sở vô cớ gặp thị phi: Chuyện nắng mưa của trời còn có người thương kẻ ghét, sống không thẹn với lòng thì cần gì giải thích - Ảnh 4.

Tìm cách đi giải thích với hết người này đến người nọ khi bị hiểu lầm, chúng ta hoàn toàn không giải quyết được gì đâu, đồng nghiệp đã xấu ắt hẳn sẽ rất hả hê khi thấy chúng ta xoay xở với những tin đồn, thậm chí người nghe và tin vào những tin ấy sẽ bĩu môi bảo “chắc thật rồi nên mới lo lắng như thế”.

Cho nên nếu một khi bị “hãm hại”, dân công sở thật ra chỉ nên đứng lên giải thích một lần rồi tập trung năng lượng và sức lực để làm việc thay vì cứ mải mê giải quyết những chuyện “ruồi muỗi vo ve”, dăm bữa nửa tháng ắt nó cũng sẽ trôi vào quá khứ, không còn ai nhớ đến nữa. 

Khi dân công sở vô cớ gặp thị phi: Chuyện nắng mưa của trời còn có người thương kẻ ghét, sống không thẹn với lòng thì cần gì giải thích - Ảnh 5.

Ngoài ra, qua đó, rất có thể chúng ta còn phân định được người nào nên giao tiếp gần gũi trong công ty, người nào không. Bởi kẻ chỉ nghe tin đồn xong rồi mặc định cho rằng chúng ta là kẻ xấu, không biết phân định đúng sai thì rõ ràng, những kẻ này nên tránh xa để bớt vài phần nguy hiểm. Còn người nghe tin xấu mà vẫn chọn tin chúng ta, đây mới đúng là kiểu đồng nghiệp tâm giao đáng trân quý. 

Sống tốt, không thẹn với lòng thì sợ gì điều tiếng thị phi vô căn cứ, phải không chị em?

Khi dân công sở vô cớ gặp thị phi: Chuyện nắng mưa của trời còn có người thương kẻ ghét, sống không thẹn với lòng thì cần gì giải thích - Ảnh 6.

 

Chia sẻ