Khi đại gia coi tiền... là "rác rưởi"

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Không còn biết tiêu vào đâu cho hết khối tài sản “kếch xù”, nhiều đại gia chẳng ngại biến những đồng tiền giấy quý giá thành thứ bỏ đi.

Dùng tiền làm thảm lót chân

Tại Trung Quốc, phô trương sự giàu có đã bắt đầu trở thành xu hướng. Thường thì những thứ đại diện cho sự giàu có là xe hạng sang và các ngôi nhà tráng lệ, nhưng ngoài ra thì tiền cũng được lựa chọn để chưng ra cho người ta biết mình là đại gia.

Mới đây, đám cưới cậu con trai của chủ tịch ủy ban xã ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc gây choáng váng dân chúng vì dùng tới 1,5 triệu nhân dân tệ (tương đương 230.000 USD) để làm thảm lót chân cho cô dâu và chú rể bước lên lễ đài.

Hãng tin địa phương Sanjin City News cho đăng tải đoạn video với tên "the fiercest carpet" ghi lại hình ảnh thảm lót bằng tiền trị giá gần 1/4 triệu USD. 


Tấm thảm bằng những đồng tiền giấy gây phản ứng tiêu cực trong dư luận.

Ngay sau khi đoạn video này được đăng lên mạng, nó tạo ra một làn sóng bình luận khốc liệt. Nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi, làm thế nào mà một quan xã lại có nhiều tiền đến thế.

Do phản ứng dữ dội từ dư luận buộc đôi uyên ương phải giải thích về sự việc trên. Cặp đôi này cho biết đó chỉ là chiếc thảm sàn bằng tiền giả, tuy nhiên câu trả lời của họ đã không thuyết phục được dân chúng vì rõ ràng các nét của những đồng trên thật sự giống với những tờ bạc thật. Thậm chí, dù đó có là tiền giả đi chăng nữa thì tinh thần khoe của như vậy vẫn đáng bị lên án.

Ném tiền qua cửa sổ

“Ngông cuồng” không kém đại gia Trung Quốc nói trên, một triệu phú trẻ tuổi người Nga tuần qua cũng dấy lên làn sóng bức xúc trong dư luận khi ném những chiếc máy bay giấy gấp bằng tiền từ cửa sổ văn phòng cho đám đông bên dưới thỏa sức lượm nhặt.

Đại gia chơi trội này có tên Pavel Durov, là nhà sáng lập mạng xã hội phổ biến nhất nước Nga VKontakte, được mệnh danh là Mark Zuckerberg của nước Nga với tài sản 7,9 tỷ ruble, tương đương 240 triệu USD ở tuổi 28.

Anh chàng này gấp những tờ tiền mệnh giá 5.000 ruble (tương đương 160 USD) thành những chiếc máy bay rồi ném chúng qua cửa sổ. Khi thấy đám đông phía dưới xúm xít và tranh nhau những tờ tiền mà mình ném xuống, Durov cười thích thú.

Tuy nhiên, mọi việc chuyển biến xấu đi khi có quá nhiều người tập trung và tình trạng hỗn loạn vì tranh giành tiền xảy ra. Sau đó, Pavel Durov mới chấm dứt hành động điên rồ của mình. Tổng cộng, Durov đã ném khoảng 2.000 USD xuống đường.

Trên trang cá nhân của mình, sau đó Durov giải thích anh này ném tiền qua cửa sổ với mục đích tạo không khí vui vẻ cho tất cả mọi người nhân dịp cuối tuần. "Chúng tôi phải dừng trò chơi sớm vì mọi người bắt đầu trở nên điên cuồng", Durov viết trên Twitter.

Hành động của Durov đã khuấy động một làn sóng giận dữ trên các trang mạng xã hội Nga. Hầu hết các blogger đều chỉ trích đây là hành vi điên rồ và ngông cuồng.

“5.000 ruble là một số tiền lớn với nhiều người. Thật điên rồ khi ném đống tiền đó qua cửa sổ rồi xem hành động của người khác”, một cư dân mạng bức xúc.

Đốt tiền để sưởi ấm

Thông thường các hóa đơn rách nát, giấy tờ cũ sẽ được xử lý tái chế ở khắp các quốc gia trên thế giới làm nhiên liệu sưởi trong giá rét mùa đông. Tuy nhiên, Hungary lại đưa ra ý tưởng độc nhất vô nhị là dùng tiền giấy thay than giữ nhiệt.

Ngân hàng Trung ương Hungary đóng vai trò trung gian cung cấp tiền thu hồi từ lưu thông và tái chế thành những viên gạch, sau đó trao tặng các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận trong nước nhằm hỗ trợ nhiên liệu trong mùa đông. Bộ phận truyền thông của ngân hàng công bố, hàng năm nơi đây thu về khoảng 40-50 tấn tiền và một lượng hóa đơn không còn sử dụng với mục đích thanh toán. Thậm chí năm 2009 họ còn thu hồi cả tiền xu vào tập hợp tiền để chuẩn bị đưa đi tái chế.

Những tấm giấy bạc sẽ được tiêu hủy bằng máy, sau đó băm nhỏ và cuối cùng đóng khuôn trông giống hệt viên gạch chắc chắn. Chiếc máy có thể “biến hóa” 15 tờ giấy bạc mỗi giây thành nguyên liệu làm nên “gạch tiền”.


Ngân hàng Hungary sẵn sàng đốt tiền giấy để sưởi ấm.

Những đơn vị muốn nhận món quà trên từ Ngân hàng Trung ương sẽ phải làm hồ sơ đăng ký trước đó một thời gian và cạnh tranh với nhiều tổ chức khác. Đại diện ngân hàng cho biết, chiến dịch này đã thực hiện khoảng ba năm và rất thành công, “gạch tiền” có mức độ nhiệt tốt, giá trị sử dụng ngang bằng với than nâu.

Cũng theo người đại diện này, các tổ chức phi lợi nhuận đăng ký có thể được nhận lô hàng khối lượng 4-6 tấn “gạch tiền” mỗi tuần tùy thuộc vào biến động lượng tiền Ngân hàng thu về theo từng giai đoạn.

Ông Szilveszter Kiss, Giám đốc Quỹ hỗ trợ trẻ em và gia đình tại Nagocs, một thị trấn nhỏ phía Tây Hungary, người đăng ký thành công năm 2010 chia sẻ: “Những viên gạch chúng tôi nhận đủ dùng để sưởi ấm tòa nhà ba tầng với diện tích lên đến 750m2”. Ông cũng cho biết, “gạch tiền” là nguồn tài nguyên quý giá cho mùa đông và đó là lý do vì sao quỹ từ thiện của ông đã phải dùng hết sức dè xẻn.

Nghiền nát tiền để làm gạch

Lấy ý tưởng từ những viên gạch tiền này, Frank Buckley, một nghệ sĩ thất nghiệp người Ireland đã tiến hành xây dựng một căn hộ bằng những viên gạch được làm từ tiền được nghiền nhỏ.

Căn hộ nói trên, nằm trên đường Smithfield thuộc thành phố Dublin, gồm ba phòng và có giá trị lên tới 1,4 tỷ euro (tương đương 38.586 tỷ đồng). Ông Buckley cho biết mỗi viên gạch tương đương 50.000 euro.

Mục đích của Frank rất đơn giản, ông muốn "căn nhà bạc tỷ" của mình sẽ là tượng đài cho sự "điên rồ" tiền tệ mà đồng euro đã mang tới cho đất nước Ireland.

Frank chia sẻ: "Căn nhà bạc tỷ này của tôi sẽ là tượng đài cho sự điên rồ tiền tệ trên đất nước Ireland. Mọi người thi nhau đổ hàng tỷ euro vào những tòa nhà mà giờ đây chúng chẳng có giá trị gì. Tôi muốn tạo ra một cái gì đó từ vật không có giá trị này".

Vì vậy, gần lối cửa ra vào, ông chủ Buckley đặt một một bia đá rất độc đáo với thông báo rằng Ireland đã mất tự do từ năm 2010, khi nước này nhận được gói cứu trợ tín dụng của Liên minh châu Âu (EU).

Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã khiến ông mất tất cả tiền tiết kiệm và trở thành con nợ hàng nghìn euro, trong đó có cả tiền lãi cầm cố ngôi nhà ở ngoại ô Dublin, nơi vợ ông đang sống. Họa sĩ Buckley năm nay 50 tuổi và ông đang sống bằng 180 euro tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Frank mong muốn rằng, các chính trị gia sẽ nhanh giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu mà không làm mất giá trị của đồng euro.
Chia sẻ