Khi "cuộc chiến" đăng ký tín chỉ của sinh viên bắt đầu: Chuẩn bị 4 thiết bị, chầu chực cả đêm nhưng có khi kết quả bằng 0!
Đến thời điểm hiện tại, đăng ký tín chỉ vẫn được coi là nỗi "ám ảnh" của biết bao thế hệ sinh viên và liên quan đến nó là vô vàn câu chuyện dở khóc dở cười.
Đào tạo theo tín chỉ là hình thức giáo dục đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới. Với hình thức này, sinh viên có thể chủ động sắp xếp thời gian học theo ý mình, cân bằng được thời gian để vừa học tập tốt, vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa hay đi làm thêm. Thậm chí, sinh viên có thể ra trường sớm hơn nếu tích lũy đủ số tín chỉ và đáp ứng đủ các yêu cầu của môn học.
Dù có nhiều ưu thế hơn so với hình thức đào tạo giáo dục truyền thống, song ở khía cạnh khác, hình thức này cũng có những vấn đề phát sinh như: bị lỗi trang tín do quá nhiều sinh viên truy cập, phần mềm đăng ký tín còn nhiều trục trặc... Điều đó khiến sinh viên rơi vào tình huống dở khóc dở cười mỗi lần có lịch đăng kí các môn học.
Khi "cuộc chiến" bắt đầu
Thu Tuyết là sinh viên năm 2 trường Đại học Ngoại Thương. Dù đã học năm 2, nhưng đây mới là lần đầu tiên cô bạn trải nghiệm việc đăng ký tín chỉ do thời khóa biểu năm nhất được thầy cô xếp sẵn. Được anh chị khóa trước cảnh báo về việc nghẽn mạng, lỗi website... sẽ luôn tiềm ẩn trong giai đoạn cao điểm đăng ký, nên Thu Tuyết đã chuẩn bị kỹ mọi thứ để sẵn sàng cho "cuộc đua" khốc liệt này. Dẫu vậy, cô bạn vẫn không tránh khỏi cảm giác bất ngờ vì chầu chực mãi mà vẫn... không đăng ký được môn nào. Vừa ngồi đăng ký, Thu Tuyết vừa thở dài: "Nhỡ mình không đăng ký học được môn nào thì sao?".
Lo lắng không phải là điều quá khó hiểu với các bạn tân sinh viên bởi đây là lần đầu tiên các bạn được trải nghiệm hình thức này. Nếu như ở cấp 3, học sinh sẽ được thầy cô xếp sẵn thời khóa biểu, nhiệm vụ của các bạn là chỉ cần xem kỹ thời gian và các môn học trong ngày. Nhưng khi chuyển tiếp lên đại học, mọi thứ dường như phải chủ động hơn và việc đăng ký môn học, lựa chọn thời gian học... đều phải tự thân vận động. Vậy nên, chỉ cần chút sơ sảy là hoàn toàn có thể "thất học" như chơi.
Tương tự, Hoàng Nam Khánh (sinh viên năm 2, trường Đại học Sư phạm 2) cũng từng phải nếm trải cảm giác thức trắng đêm trong đường đua đăng ký tín chỉ khốc liệt. Được nhà trường thông báo mở cổng đăng ký tín chỉ trước 3 ngày, Nam Khánh luôn trong trạng thái sẵn sàng.
Trước khi thời gian bắt đầu 10 phút, cậu bạn đã cầm điện thoại, máy tính xách tay ra ngồi trước cục wifi và để phòng trường hợp bất trắc, cậu còn đăng ký thêm cả 4G tốc độ cao. Không chỉ vậy, Nam Khánh còn có thêm cả sự trợ giúp của bạn thân trong "cuộc chiến" này. Tổng có tất cả 4 thiết bị để phục vụ cho một mục tiêu duy nhất: đăng ký được môn học cho học kỳ tới.
Giờ đăng ký vừa bắt đầu, 2 cậu bạn đã ngay lập tức truy cập vào trang tín chỉ. Nhưng điều gì đến cũng sẽ đến, chưa kịp vào thì trang tín của trường đã... "sập". 30 phút đầu tiên, cậu bạn cứ thoát ra vào lại mãi mà cũng không thể nào truy cập được. Sự kiên nhẫn rồi cũng có hạn, cuối cùng cậu cũng đành phải... đổi sang chiến thuật khác.
"Sau 30 phút đầu tiên không vào vào được, bọn mình biết kết quả sẽ không khả quan nên đã tạm ngưng truy cập vào trang tín chỉ. Bọn mình đổi sang chiến thuật khác là tránh những giờ cao điểm, lựa chọn vào lúc mọi người có khả năng ít truy cập nhất, nhưng 'người tính không bằng trời tính', bất cứ khi nào mình vào trang tín cũng đều bị sập. Cứ kiên trì như thế, may sao gần hết ngày thì mình lại đăng ký được. Thế là không bị thất học rồi", Nam Khánh bày tỏ.
Ở một diễn biến khác, Nguyễn Hồng Công (sinh viên năm 2, Học viện Tài chính) lại chưa từng trải qua cảm giác thức trắng đêm đăng ký tín chỉ cả. Bất cứ khi nào vào trang tín chỉ, cô bạn đều có thể "một phát ăn ngay", cũng hiếm khi nào trang tín bị sập hay lỗi.
"Thấy bạn bè của mình kêu ca không đăng ký được tín chỉ mình cũng thấy làm lạ bởi trường mình chưa thấy xảy ra tình trạng đấy. Được biết, trước khi đăng ký thì thầy cô sẽ thông báo từ rất sớm và nhà trường sẽ chia ra từng khoa một chứ không dồn dập tất cả các sinh viên đăng ký chung một ngày. Hơn nữa, thời gian đăng ký tín của chúng mình sẽ kéo dài từ 2-3 ngày nên bạn chỉ thất học khi... bạn quên đăng ký tín thôi", Hồng Công chia sẻ.
Nỗi lo không đăng ký được tín chỉ
Trước khi bắt đầu vào cuộc chiến mang tên "đăng kí tín chỉ", mọi sinh viên đều phải chuẩn bị trước tâm lí và các phương án dự phòng. Dù ít có sự chuẩn bị, nhưng nhiều khi bạn vẫn không thể đăng ký được tín chỉ. Khi đối mặt với tình trạng đấy, nhiều người không khỏi lo lắng.
Vừa đăng kí xong môn học, cô bạn Minh Anh (Sinh viên năm 2, Học viện Ngoại giao) bày tỏ: "Còn 1 môn nữa chưa đăng kí được. Do số lượng sinh viên đông, nên năm nay trường mình đã thay đổi từ việc tự sắp xếp thời khóa biểu cho sinh viên, sang sinh viên tự đăng ký tín. Vì mới nên trang tín của trường gặp rất nhiều trục trặc. Cứ đà này, mình sợ không ra trường được mất".
Nỗi lo không đăng ký được tín chỉ cũng bám riết lấy Huy Hoàng (sinh viên ngành Kế toán tại Hà Nội). Dù trường cậu bạn đã có những giải pháp để giúp sinh viên bớt áp lực hơn mỗi khi đăng ký tín như: giãn thời gian đăng ký, mở lớp đăng ký đợt hai... Song, cậu bạn vẫn phải cố đăng kí cho bằng được trong đợt một, vì đợt hai lớp mở thêm rất hạn chế. Nếu không đăng kí được nữa, những sinh viên như Hoàng chỉ còn cách ngậm ngùi để lại năm sau hoặc kì sau đăng kí tiếp và chấp nhận việc chậm chương trình học.
Huy Hoàng kể lại: "Có lúc đăng kí được thì không lưu, mất môn, phải thức đêm đăng kí lại. Có những hôm ngồi từ sáng tới chiều không được nổi một môn, hoặc vào được nhưng hết lớp".
Việc không đăng ký được môn học là nỗi lo không của riêng ai. Nhưng có lẽ đối với các bạn sinh viên năm 3,4, họ đã quá quen với tình trạng này và đành chấp nhận "sống chung với lũ". Là một minh chứng sống cho việc suýt... thất học do không đăng ký được tín chỉ, Nguyễn Anh Dũng (sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở Hà Nội) cũng từng rất lo lắng vì sợ bản thân sẽ phải ra trường muộn. Nhưng nhờ có sự hỗ trợ của thầy cô, may sao nam sinh vẫn được xếp lớp học.
"Bây giờ, mỗi khi vào trang đăng ký tín chỉ mà không bị sập thì mình mới cảm thấy lạ, chứ truy cập mãi mà không vào thì quá bình thường", Anh Dũng bày tỏ.
Thấy được những khó khăn mà sinh viên gặp phải khi đăng kí tín chỉ. Nhiều trường đại học đã có những giải pháp, song cũng mới chỉ là giải pháp trước mắt. Tình trạng sinh viên căng thẳng trong nhưng đợt đăng kí tín chỉ vẫn còn diễn ra thường xuyên. Sinh viên mong muốn nhà trường sẽ có những biện pháp cụ thể hơn nữa, nâng cấp hệ thống mạng của trường để sinh viên có thể thoải mái hơn trong việc đăng kí môn học.