Khi "cú có gai" bay vào công sở
Hầu như công ty nào cũng có những chàng bị cộp mác "cú có gai". Thử đi "soi" các chàng này và xem nguyên nhân họ bị chụp mũ là "đàn ông mặc váy".
Chân dung các “cú có gai” công sở.
Tựu chung lại, “cú có gai” là những chàng có những tính cách đặc trưng của phụ nữ, hay thường được nói ngắn gọn là “tính đàn bà”. Những tính cách đặc trưng ấy là: điệu, hay dỗi, tỉ mẩn, thích săm soi, thích buôn chuyện, hay so đo, tính toán,… Các “cú có gai” có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, tất nhiên là cả trong môi trường công sở.
Chàng “cú có gai” đầu tiên bị đưa vào tầm ngắm là Hoàng Trung (27 tuổi, Hà Nội). Chàng này bị quy vào diện “cú có gai” vì hai lý do: điệu và nói lắm.
Nếu muốn hỏi về chuyện chăm sóc da dẻ, tóc tai, chị em trong phòng sẽ ngay lập tức tìm đến Hoàng Trung. Chàng ta chăm sóc bản thân còn hơn cả con gái. Đầu tóc lúc nào cũng vuốt keo chỉnh tề, quần áo phối màu đâu ra đấy, còn nhấn nhá thêm phụ kiện. Trung đi đến đâu là mùi nước hoa phảng phất bay theo đến đấy.
Đặc biệt, chàng ta rất cẩn thận trong việc chăm sóc da dẻ. Mọi người trong phòng chẳng còn lạ gì cảnh thi thoảng Trung lôi kem ra bôi vì trong phòng điều hòa lạnh quá, khô da. Một vài người còn phao tin đồn chàng ta … tô son do “Cái môi nó sao cứ đỏ đỏ, hồng hồng bất thường lắm".
Trung còn nổi danh là cái loa phóng thanh của phòng. Rất nhiều chị em kêu ca là chàng ta nói nhiều đến nỗi mọi người phải đinh tai nhức óc, độ hóng chuyện của Trung cũng rất cao khi chuyện của ai chàng cũng tỏ tường, nắm rõ trong lòng bàn tay. Kiểu nói chuyện của Trung cũng khiến các chị em trong phòng phải ý kiến. “Đàn ông gì mà nói chuyện ỏn ẻn, rào trước đón sau phát sốt cả ruột!”
Điệu đà quá cả con gái là lý do Hoàng Trung bị cộp mác "cú có gai" - (Ảnh minh họa).
Minh là phó phòng tín dụng và hầu như ai trong phòng cũng phát điên từ khi anh chàng được lên chức. Công việc của mọi người bị soi từng li từng tí. Có những điều chẳng ai thèm để ý nhưng trong mắt Minh vẫn là một chuyện... cực to. Hợp đồng mọi người ký với khách hàng, Minh luôn xem xét và sửa đến từng câu từng chữ. Nhiều khi, Minh còn ý kiến vì nhân viên viết hợp đồng bị… lặp từ.
Hà My, cô nhân viên dưới quyền chụp mũ Minh “soi quá cả đàn bà” khi bị anh chàng bắt sửa lại hợp đồng chỉ vì một lỗi không gõ dấu cách đằng sau dấu chấm câu. Mỗi khi mọi người mắc lỗi gì đó, dù chỉ bé tí ti đều bị Tuấn Minh mắng té tát và lôi một lô một lốc những lỗi lầm trước kia ra nói, đúng kiểu thù dai, chấp nhặt.
Chàng thứ ba bị cộp mác “cú có gai” là Lê Phong (29 tuổi, Hải Phòng). Lý do: tính toán, keo kiệt.
Chị em trong phòng chụp mũ Phong “đàn bà” vì cái tính “kẹt xỉn lõi…” của anh chàng. Chị Hiền cùng phòng thì thào kể lể sau lưng Phong: “Dồi ôi, hôm trước chị không mang tiền lẻ gửi xe, vay nó 3.000 đồng. Việc này việc kia nhiều quá nên quên béng, vả lại số tiền cũng cỏn con. Thế mà sáng nay nó đòi chị tới tấp, kiểu sợ chị quỵt nợ ấy. Đàn ông gì mà...”
Phong còn làm mọi người mất vui vì mỗi dịp đi chơi, anh chàng luôn hỏi “Đi những đâu? Ăn mất bao nhiêu tiền”. Một lần, cả cơ quan cùng đi ăn, chàng ta làm vỡ cốc, phải đền tiền. Đến lúc thanh toán, Phong đứng cò kè mặc cả bớt tiền cái cốc bị vỡ dù chỉ hơn vài ngàn đồng, khiến anh em xấu hổ lây. Cả phòng từ đó cạch mặt Phong, tẩy chay anh chàng trong tất cả các buổi tiệc tùng, ăn uống. “Mà có rủ nó cũng chẳng đi, nó xót tiền hơn xót mạng sống” – chị Hiền bĩu môi nói.
Phản pháo của các “cú có gai”
“Chẳng lẽ cứ phải “đen, hôi” mới là nam tính” – Hoàng Trung bức xúc nói. “Tính mình vốn sạch sẽ, làn da lại hơi nhạy cảm nên rất để ý chăm sóc vẻ ngoài. Không lẽ cứ để da dẻ nứt toác ra”. Còn chuyện bị gắn mác “loa phóng thanh”, anh chàng kêu trời: “Chuyện gì cũng biết là bởi các chị em cứ tìm đến mình để xả chứ đâu phải tự dưng mình đi hóng hớt, buôn chuyện đâu.”
Chị em cũng liệt những anh chàng thích buôn chuyện vào hàng "cú có gai" - (Ảnh minh họa).
Lê Phong khá ngỡ ngàng khi biết mình bị liệt vào hàng “cú có gai”. Chàng ta nói: “Nhà mình nghèo khó từ bé nên đã quen tiết kiệm, tiền đâu phải vỏ hến mà tiêu xài, chơi bời bạt mạng,…”.
“Cú có gai” – xấu hay tốt?
Người nước ngoài sang Việt Nam thường khen nức lời phụ nữ Việt và nói đàn ông Việt sướng. Cái sướng đó có phần được tạo nên bởi phụ nữ Việt với quan điểm có phần cổ hủ: “Đàn ông phải ra chất đàn ông”. Chẳng thế mà mỗi khi công sở có liên hoan, toàn là chị em làm, anh em hưởng. Chị em phải gọt hoa quả, nấu nướng, rửa bát đũa. Nếu có cô gái trẻ nào ấn việc gì đó cho cánh “mày râu”, kiểu gì cũng bị các chị, các cô lớn tuổi mắng “Nó là đàn ông, sao lại để nó làm”.
Thời đại tri thức, “hữu dũng vô mưu” cũng chẳng làm được gì. Những đặc trưng mà mọi người cho là nam tính có khi bây giờ chỉ là sự thô vụng, chẳng có chút giá trị. Nam tính bây giờ thể hiện ở bản lĩnh, ở lối suy nghĩ linh hoạt, nhanh nhẹn, ở lòng bao dung, biết thương yêu... chứ không phải ở sự mạnh mẽ bề ngoài mà nhiều chị em lầm tưởng.
Thời đại mới, có lẽ quan điểm về "nam tính" cũng nên thay đổi. Đâu phải cứ thô vụng mới là đàn ông - (Ảnh minh họa).
Có lẽ đã đến lúc quan điểm về “nam tính” của cánh mày râu nên được thay đổi chăng?