Khẩu trang - Hành trình từ phụ kiện đến món đồ chống dịch COVID-19 không thể thiếu
Những chiếc khẩu trang là điểm nhấn phụ kiện năm 2020 mà chúng ta không thể không nhắc tới.
2020 là một năm khác biệt. Đây là năm mà một phụ kiện như chiếc khẩu trang, vốn trước nay người dân châu Á thường dùng để bảo vệ da mặt trước tác hại của bụi bẩn, ánh nắng. Thế nhưng, giờ thì nó đã ở một tầm cao mới, là thứ giúp người dân toàn thế giới sử dụng bảo vệ sức khỏe trước kẻ thù vô hình COVID-19. Hãy cùng nhìn lại hành trình trở thành phụ kiện được săn đón nhất năm 2020 của chiếc khẩu trang.
Chuyên gia y tế Mỹ giải thích về hiệu quả của khẩu trang trong phòng chống dịch COVID-19
Lợi ích của đeo khẩu trang mùa dịch
Khi dịch COVID-19 bắt đầu lây lan, nhiều chuyên gia y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang, để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Nguyên nhân là vì khẩu trang giúp giảm thiểu việc bạn hít thở trực tiếp các giọt không khí có chứa virus và các tác nhân gây bệnh khác. Khẩu trang y tế thường có 3 lớp có hiệu quả rõ rệt. Lớp ngoài cùng của khẩu trang là lớp nilon sẽ giúp ngăn virus đi thẳng vào mũi. Khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh, việc đeo khẩu trang cũng giúp ngăn ngừa virus xâm nhập trực tiếp qua đường hít thở, nếu người đó hắt hơi, ho hoặc nói chuyện.
Mô phỏng hiệu quả dịch chống dịch COVID-19 của khẩu trang
Từ phản đối cho đến chấp nhận
Mặc dù khẩu trang đã được chứng minh rằng có hiệu quả bảo vệ con người khỏi sự lây lan của dịch COVID-19. Thế nhưng, nhiều người Mỹ vẫn không chịu sử dụng nó trong một thời gian dài. Họ thậm chí còn biểu tình, chống lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Có thể nói, nhà chức trách Mỹ đã phải đau đầu với việc thuyết phục người dân có ý thức và chấp nhận việc đeo khẩu trang là bảo vệ bản thân và cả cộng đồng.
Người dân Mỹ tham gia biểu tình phản đối lệnh bắt buộc đeo khẩu trang
Theo khảo sát của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ hồi tháng 6, có khoảng 17,1% người tham gia trả lời cho biết họ hiếm khi, hoặc không bao giờ đeo khẩu trang nơi công cộng. Với khảo sát của HuffPost/YouGov thì con số nói không với khẩu trang còn cao hơn 23%. Và số liệu trên tạp chí Forbes thì lại lên tới 45% người dân Mỹ từ chối sử dụng khẩu trang.
Điều đáng chú ý nhất, chính là lý do mà những người dân Mỹ đưa ra cho sự ghét bỏ của mình đối với khẩu trang, sản phẩm giúp họ bảo vệ sức khoẻ. Theo kênh truyền hình CNN, nhiều người Mỹ cảm thấy đeo khẩu trang khiến họ cảm thấy mình yếu đuối và không thoải mái. Một số người lại tin rằng mình rất khỏe nên không muốn dùng khẩu trang. Số khác lại cho rằng khẩu trang sẽ che đi biểu cảm của khuôn mặt, ảnh hưởng tới giao tiếp, đặc biệt là đối với những người khiếm thính vốn sử dụng đọc khẩu hình để giao tiếp.
"Vấn đề của tôi là không nghe được mọi người nói. Từ bé tới lớn, tôi chỉ nhìn khẩu hình miệng của mọi người để giao tiếp với họ. Mọi người đeo khẩu trang, khiến tôi không thể biết ai nói gì. Tôi cảm thấy khá lạc lõng", Ông Michael Conley, người khiếm thính tại Mỹ kể lại trải nghiệm của ông với khẩu trang mùa COVID-19.
Ông Michael Conley, người khiếm thính tại Mỹ đang khẩu trang trong suốt để hỗ trợ giao tiếp.
Ngoài ra, trên mạng xã hội tại Mỹ còn có những tin đồn thất thiệt khiến nhiều người hoang mang về tác dụng của khẩu trang. Ví dụ như, có tin sai sự thật nói rằng khẩu trang đầu độc người sử dụng, nó khiến người đeo thiếu oxy và hít nhiều CO2 hơn.
Kênh truyền hình CNN có giải thích thêm nguyên nhân sâu xa mà người dân Mỹ không đeo khẩu trang chính là vấn đề chính trị. CNN nhận định: Sự kháng cự của người dân Mỹ với khẩu trang chỉ là một ví dụ mới nhất về sự vật lộn của nước Mỹ đã kéo dài nhiều năm qua. Sự vật lộn đó được CNN chỉ ra là quyền tự do cá nhân và việc đưa ra luật của nhà chức trách.
Không chỉ tại Mỹ, phong trào chống lại đeo khẩu trang còn diễn ra ở nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Slovakia. Thậm chí những cuộc biểu tình chống khẩu trang còn kéo dài tới tận tháng 9 vừa qua.
Người dân London, Anh tham gia biểu tình chống đeo khẩu trang và các lệnh hạn chế COVID-19.
Tuy nhiên, đến giờ trước sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 cũng như những hậu quả chết người được ghi nhận mỗi ngày trên thế giới, nhiều người dân đã dần dần thay đổi quan điểm từ chống khẩu trang sang ủng hộ đeo khẩu trang.
Sự biến hóa của khẩu trang mùa dịch
Trong khi một số người coi khẩu trang là thứ giúp mình tránh được sự lây lan của COVID-19, một số khác đã nâng nó lên tầng cao mới. Nhiều người đã sáng tạo ra những chiếc khẩu trang có vẻ ngoài thời trang hơn, nhí nhố hơn, và thậm chí ngon lành hơn. Ví dụ như tại Mỹ, đã có công ty thêm mùi vị thịt xông khói vào khẩu trang, để cuốn hút người dùng bằng mùi hương.
Chiếc khẩu trang có mùi của thịt xông khói
Các thương hiệu thời trang xa xỉ như Yves Saint Laurent, Balenciaga, Gucci, Chanel vào cuộc đua sản xuất khẩu trang. Ban đầu là để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng đến giờ, các sản phẩm khẩu trang của các hãng đã được định hình là khẩu trang cao cấp. Một công ty trang sức của Israel có tên Yvel, thậm chí còn thiết kế một chiếc khẩu trang phòng COVID-19 được cho là đắt nhất thế giới. Chiếc khẩu trang này trị giá 1,5 triệu USD. Nó được làm từ vàng trắng và có đính 3.600 hạt kim cương trắng và đen. Chiếc khẩu trang này có khối lượng 270 gam sẽ phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn của một chiếc khẩu trang N99.
Chiếc khẩu trang đắt nhất thế giới có giá trị 1,5 triệu USD.
Không chỉ vậy, đến những cửa hàng đồ cưới cũng làm khẩu trang cho các cặp đôi, để ngày cưới của họ trở nên an toàn hơn.
Khẩu trang cho cô dâu tại Croatia.
"Ban đầu nhiều người đặt mua khẩu trang chỗ tôi vì nguồn cung thiếu hụt. Thế rồi, tôi nghĩ tới thiết kế khẩu trang cho các cặp đôi trong ngày cưới, để truyền tải thông điệp ủng hộ đeo khẩu trang, bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh bạn", Chị Vesna Sposa, chủ cửa hàng váy cưới tại Croatia chia sẻ.
Chị Vesna Sposa, chủ cửa hàng váy cưới tại Croatia
Những chiếc khẩu trang ngoài được nâng tầm chất liệu, thiết kế, còn được ứng dụng cả những công nghệ hiện đại. Nhờ thế, những chiếc khẩu trang càng có hiệu quả chống dịch.
"Bạn có thể thêm các thiết bị thông minh như cảm biến hô hấp, kiểm tra độ ẩm của màng lọc trong khẩu trang, từ đó biết được là đã đến lúc thay khẩu trang mới hay chưa", Ông Ashok Sridhar, Chuyên gia nghiên cứu tại Holst Centre cho biết.
Ông Ashok Sridhar, Chuyên gia nghiên cứu tại Holst Centre
Có thể nói, sau gần 1 năm chống dịch, đến giờ, chiếc khẩu trang đã vượt qua vị trí của một phụ kiện, mà trở thành một phần không thể thiếu để cùng con người vượt qua COVID-19.