"Khát" con trai
Việt Nam đang trở thành bản sao của Trung Quốc, Ấn Độ trong việc mất cân bằng giới tính. Nhưng ít ai tỏ ra lo lắng.
|
Dường như tất cả các cặp vợ chồng trẻ ở nước ta hiện nay đều mong có ít nhất một cậu con trai. Theo số liệu điều tra mới đây, cứ mười ông bố được hỏi, chín ông trả lời thích có con trai. Điều này gây sức ép lên các bà vợ khiến họ cũng "khát nước" nốt.
Nhiều đôi vợ chồng là cán bộ Nhà nước đã sinh hai con gái vẫn liều đẻ đứa thứ ba với hy vọng là thằng cu tí, dù có bị kỷ luật.
Ngày nay, với sự can thiệp khá sâu của y học vào quá trình sinh sản, người ta có thể tìm mọi cách giải "cơn khát" của mình. Có thể nói có bao nhiêu cơ sở tư nhân siêu âm chẩn đoán thai nhi, bấy nhiêu nơi sẵn sàng thông báo cho người mẹ giới tính đứa con. Điều này Nhà nước không kiểm soát được. Từ đó, không ít người đi đến quyết định bỏ con gái để chờ con trai.
Ở một tỉnh không xa Hà Nội, bác sĩ từng là viện trưởng một bệnh viện phụ sản đã về hưu có kỹ thuật canh trứng để sinh con theo ý muốn. Cứ một trăm phụ nữ tìm đến bà, có đến chín mươi người mong sinh con trai.
Cách đây hai năm, ở thị xã Thái Bình còn có một bác sĩ mở phòng khám ngay tại nhà để xác định giới tính thai nhi bằng phương pháp chọc dò nước ối. Đây là cách kiểm tra dị tật thai nhi khi bào thai mới hai tháng tuổi, đồng thời người ta cũng biết được giới tính để xử lý theo ý muốn. Lợi dụng điều đó, bà bác sĩ này mỗi ngày cùng con rể và con gái "chọc dò" cho mấy chục thai phụ đến khám.
Còn ở Hà Nội, nơi tiếp cận nhiều phương pháp khoa học, cũng không ít người can thiệp vào vấn đề này. Chẳng hạn, canh trứng bằng chế độ ăn uống kiêng khem đặc biệt, tính ngày giao hợp và nhiều cách khác nữa để sinh bằng được con trai mới thôi.
Những sự can thiệp thô bạo, lén lút này đã góp phần đưa nước ta vào danh sách những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, làm cho nạn trai thừa gái thiếu trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Tình trạng đáng báo động
Theo kết quả của một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, Nepal và Việt Nam sẽ đối mặt với những vấn đề xã hội nghiêm trọng vì ưa sinh trai hơn gái. Tình trạng này Ấn Độ và Trung Quốc đã gặp phải từ lâu.
Việt Nam hiện gần giống Trung Quốc mười năm trước và dự đoán có thể lâm vào tình trạng mất quân bình về giới tính nghiêm trọng trong vòng một thập niên nữa.
Theo ông Ian Howie, trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) ở Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo "Chia sẻ thông tin về mất cân bằng giới tính", ngày 20-12-2007, tại Hà Nội: Tỷ số giới tính khi sinh ở Trung Quốc và Ấn Độ là 120 nam/100 nữ, Việt Nam là 110/100. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội, cảnh báo hiện ở 16 tỉnh nước ta, tỷ số này là 115-128 nam/100 nữ.
Nhìn ra thế giới, Ấn Độ và Trung Quốc đã có 66 triệu đàn ông bị thừa ra, bằng 80% dân số nước ta hiện nay. Các nhà dân số học lo sợ sự chênh lệch này sẽ gây khủng hoảng cho toàn thế giới.
Một nghiên cứu tội phạm học cho thấy xác suất tội sát nhận ở những người đàn ông có gia đình thấp hơn nhiều so với đàn ông độc thân hay ly dị. Bởi chính trách nhiệm với vợ con đã buộc đàn ông luôn phải cân nhắc trong mọi hành vi.
Nguyên nhân của cơn khát
Một trong những nguyên nhân đưa đến nạn trai thừa gái thiếu là quan niệm lạc hậu do ảnh hưởng văn hóa Nho giáo, Khổng học, khinh thường giá trị và vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Qua tâm sự của những phụ nữ chưa có con trai gọi đến các đường dây tư vấn tâm lý, có thể thấy họ bị sức ép rất lớn từ chồng, gia đình chồng và cả dư luận xã hội. Nhất là những gia đình chỉ có một con trai, lo không có người nối dỗi tông đường, bị xem là tuyệt tự.
Ở một vùng nông thôn cách Hà Nội chưa đến một trăm cây số, đàn ông lấy vợ lẽ "chui" để mong có con trai không phải chuyện lạ, kể cả người đã luống tuổi. Có trường hợp người vợ phải... đem lễ đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Nhiều người không có con trai bị nhà chồng hắt hủi, thậm chí đánh đập.
Ở thành phố, hiện tượng đó ít hơn. Nhưng nếu sinh toàn nữ, họ lo khi về già không có người phụng dưỡng vì theo phong tục, con gái sẽ về nhà chồng làm dâu. Nhiều người còn quan niệm chuyện ở rể rất nặng nề, thậm chí coi như "chó chui gầm chạn". Vì vậy, nam giới ít chịu ở rể. Nhà vợ có chỗ ăn ở đàng hoàng hơn, họ vẫn thích cưới về nhà mình cho dù chật chội.
Tất cả nguyên nhân trên đều xuất phát từ tư tưởng "trọng nam khinh nữ" từ nghìn xưa để lại. Dẫu ngày nay xã hội đã đổi mới nhưng nếp nghĩ thâm căn cố đế đó vẫn ám ảnh mãi không thôi.
Trước hết, chúng ta cần đổi mới về tư tưởng
Luật pháp nước ta đã khẳng định quyền bình đằng về mọi phương diện giữa nam và nữ. Con gái có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ khi sống, thờ cúng khi chết.
Vì thế, sinh trai hay gái về mọi mặt là như nhau. Những cách đối xử bất công với con gái đều trái với pháp luật. Chỉ khi nào các bậc ông bà, cha mẹ nghĩ như vậy mới giải được "cơn khát" sinh con trai. Nếu không, chính chúng ta là thủ phạm gây ra tai nạn thừa trai thiếu gái. Và con cháu chúng ta phải gánh chịu hậu quả do tư tưởng hủ lậu của thế hệ trước để lại.