Khánh Vy từng nhắc đến "tích cực độc hại": Đó là hiện tượng tâm lý gì?

Mây,
Chia sẻ

Đây cũng là cụm từ được giới trẻ sử dụng rất nhiều trong thời gian qua.

Khánh Vy (SN 1999) là cái tên quen thuộc với giới trẻ. Cô nàng thường xuyên chia sẻ những câu chuyện cá nhân, cách vượt qua khó khăn trên mạng xã hội.

Một điểm đặc biệt là Khánh Vy không ngại thừa nhận những vấn đề của bản thân. Khánh Vy từng tâm sự bản thân có chút "tích cực độc hại". Cô nàng nhận ra điều đó và cũng muốn sửa chữa tâm lý này. Khánh Vy từng chia sẻ trong một bài đăng lên MXH như sau: "Mình đã và đang trong một khía cạnh nào đó là người tích cực độc hại, với bản thân và với người xung quanh. Nhưng chưa bao giờ là quá muộn để học rõ thêm về nó và sửa đổi".

Khánh Vy từng nhắc đến
Khánh Vy từng nhắc đến

MC Khánh Vy.

Khi sự tích cực trở nên độc hại

"Hãy tích cực lên!", "Không sao vẫn còn ABC mà...", "Sao buồn hoài vậy, vui lên"... - là những câu mà có thể khiến cho bạn bị gắn mác "toxic positivity", hay là sự tích cực độc hại.

Tích cực độc hại là trạng thái ép buộc hạnh phúc quá mức. Tâm lý này xảy ra khi một người bị áp lực phải duy trì thái độ lạc quan bất kể hoàn cảnh ra sao, thậm chí phủ nhận hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, tức giận hay lo lắng.

Đây không phải sự lạc quan chân thành mà là một lớp mặt nạ che đậy cảm xúc thật. Dù thường xuất phát từ ý tốt, nhưng tâm lý này lại dễ dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Vậy tích cực độc hại có biểu hiện thế nào trong cuộc sống?

Chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng tích cực độc hại có thể lộ diện qua nhiều cách. Điển hình như khi khi ai đó chia sẻ nỗi buồn như mất việc hay mất người thân, họ có thể nhận được câu an ủi kiểu "Hãy nhìn vào mặt tích cực đi", "Ít nhất bạn vẫn còn XYZ"... - Những lời này thoạt nghe có vẻ động viên, nhưng thực chất lại chối bỏ đi nỗi đau ở thực tại.

Trên mạng xã hội, hashtag như #GoodVibesOnly hay những bài đăng chỉ toàn khoe niềm vui cũng tạo ra kỳ vọng rằng mọi người phải luôn hạnh phúc, bất kể thực tế ra sao. Thậm chí, nhiều người tự dằn vặt bản thân khi không thể "giữ tinh thần lên" trong lúc khó khăn, dẫn đến cảm giác tội lỗi vì sao mình không được hạnh phúc, không được tích cực như người khác.

Theo The Washington Post, tích cực độc hại bắt nguồn từ xu hướng đánh giá thấp cảm xúc tiêu cực và đề cao cảm xúc tích cực một cách thái quá. Tâm lý này không chỉ xuất hiện trong giao tiếp cá nhân mà còn ở văn hóa công sở. Đó là khi nhân viên bị yêu cầu "giữ thái độ tích cực" ngay cả khi đối mặt với áp lực công việc ngập đầu.

Thực tế, "tích cực độc hại" được nhắc khá nhiều trên mạng thời gian qua. Không chỉ Khánh Vy mà rất nhiều người trong chúng ta cũng có thể vô tình trở nên "tích cực độc hại" mà không hề hay biết. Đây là thái độ sống thế nào mà nhận về nhiều tranh cãi đến vậy?

Khánh Vy từng nhắc đến "tích cực độc hại": Đó là hiện tượng tâm lý gì?- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ.

Vì sao tích cực độc hại lại gây tiêu cực?

Dù nghe có vẻ vô hại, tích cực độc hại thực chất lại gây tổn thương cả về tâm lý lẫn thể chất.

Một nghiên cứu từ Đại học Toronto phát hiện rằng những người thường xuyên tránh né cảm xúc tiêu cực, thay vì chấp nhận chúng, sẽ có sức khỏe tinh thần kém hơn theo thời gian. Việc đè nén cảm xúc không khiến chúng biến mất. Chúng chỉ tích tụ lại theo thời gian và những vấn đề khó khăn không được giải quyết. Đến một lúc nào đó "giọt nước tràn ly", và cảm giác tiêu cực chỉ chờ bật lên mạnh mẽ trở lại.

Bên cạnh đó, tích cực độc hại còn làm tăng nguy cơ căng thẳng và trầm cảm. Nghiên cứu trên Psychiatry Research về cách nhân viên y tế làm việc trong đợt dịch Covid-19 cho thấy những người bị ép buộc "giữ tinh thần tích cực" có mức độ căng thẳng cao hơn, thậm chí xuất hiện ý nghĩ tiêu cực, có thể tự gây tổn thương cho bản thân.

Việc không được thừa nhận cảm xúc thật khiến họ cảm thấy cô lập và bất lực. Khi từ chối đối mặt với nỗi đau, chúng ta cũng đang đánh mất cơ hội học hỏi và trưởng thành từ những trải nghiệm đó.

Ví dụ, một người mất việc có thể cần thời gian để buồn bã và suy ngẫm. Từ sự buồn bã này thì sẽ có động lực thúc ép bản thân phải trở nên tốt hơn, sửa CV kĩ hơn. Điều này sẽ tốt hơn là ép họ phải "nhìn vào mặt sáng" ngay lập tức, hay suy nghĩ tích cực kiểu "bản thân đủ tốt mà, chỉ là công ty không thấy điều đó", hoặc "không có chỗ này thì có chỗ khác".

Không dừng lại ở đó, tích cực độc hại còn tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự so sánh. Theo nghiên cứu, việc tiếp xúc liên tục với những bài đăng "tích cực quá mức" khiến người dùng dễ rơi vào trạng thái so sánh tiêu cực. Họ cảm thấy bản thân "kém cỏi" vì không đạt được trạng thái hạnh phúc lý tưởng mà người khác thể hiện.

Làm thế nào để thực sự tích cực, không rơi vào "bẫy" tích cực độc hại?

Thoát khỏi tích cực độc hại không có nghĩa là từ bỏ sự lạc quan. Thay vào đó, nó là hành trình học cách cân bằng giữa việc chấp nhận thực tế và nuôi dưỡng hy vọng để khiến bản thân trở thành phiên bản tốt hơn.

Trước hết, hãy chấp nhận rằng mọi cảm xúc đều bình thường. Thay vì gắn nhãn cảm xúc là tốt hay xấu, chúng ta chỉ cần đơn giản coi chúng như tín hiệu tự nhiên của cơ thể. Khi buồn, hãy cho phép bản thân cảm nhận và tự nhủ "Mình đang cảm thấy thế này, và điều đó không sao cả" . Đây là bước đầu tiên để hòa giải với chính mình.

Khánh Vy từng nhắc đến "tích cực độc hại": Đó là hiện tượng tâm lý gì?- Ảnh 4.

Khi giao tiếp với người khác, thay vì áp đặt, hãy lắng nghe. Nếu một người bạn chia sẻ khó khăn, đừng vội nói "Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi". Thay vào đó, bạn có thể đáp lại bằng: "Mình biết bạn đang trải qua những khoảng thời gian khó khăn. Bạn muốn chia sẻ thêm hay cần sự giúp đỡ nào không?".

Việc lắng nghe và xác nhận cảm xúc của người khác giúp họ cảm thấy được thấu hiểu, thay vì bị phớt lờ. Trên mạng xã hội, thay vì chỉ đăng những khoảnh khắc hoàn hảo, bạn có thể chia sẻ cả những ngày tồi tệ một cách chân thành. Nghiên cứu cho thấy những người dám thể hiện cảm xúc thật thường nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ lớn hơn từ cộng đồng.

Cuối cùng, nếu cảm thấy bị mắc kẹt trong áp lực phải "tích cực", đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ. Chuyên gia tâm lý khuyên rằng việc chia sẻ với người không phán xét giúp bạn xử lý cảm xúc một cách lành mạnh hơn.

Thay vì chạy theo khẩu hiệu "Good vibes only", chúng ta có thể hướng tới một sự tích cực chân thực - nơi bạn vừa hy vọng vào tương lai, vừa thừa nhận những vết xước của hiện tại. Vậy nên, lần tới khi ai đó hỏi "Bạn ổn chứ?", đừng ngại trả lời "Không hẳn, nhưng mình đang cố gắng". Đó mới là sức mạnh thật sự giúp bạn vượt qua khó khăn.

Chia sẻ