Khánh Linh: Sống trong cuộc đời nên là một người thú vị

,
Chia sẻ

"Người chấp nhận tôi là vợ thì phải chấp nhận công việc của tôi, cũng như tôi thấy việc gia đình quan trọng thì phải hy sinh công việc."

Người im lặng nhưng lại chọn nghề ồn ào

Sau khi giành giải Ba cuộc thi Sao Mai, nhiều chuyên gia đánh giá rằng chị rất có khả năng, lại được nhiều người có vị trí trong làng âm nhạc, như: nhạc sĩ Dương Thụ, Ngọc Châu…nâng đỡ; vì thế khán giả nghĩ chị phải đứng ở một vị trí khác hẳn so với hiện tại?

- Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng tính tôi lại hơi buồn cười. Người ta làm nghệ thuật tìm sự nổi tiếng, song với tôi đó không phải là hàng đầu mà trước hết để thỏa mãn niềm yêu thích. Cả gia đình tôi làm nghệ thuật, muốn con cái theo nghiệp; nhưng tôi không thích, không muốn học đàn. Năm 15 – 16 tuổi, tôi mới có ý nghĩ theo nghệ thuật. Tôi đã thích là phải làm bằng được. Tôi cũng thích ngồi một chỗ, ở nhà nghiên cứu nhiều thứ hoặc nói chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ, một số bạn bè nhiều lĩnh vực khác, mong muốn hoàn thiện con người mình. Tôi - một người im lặng nhưng chọn nghề ồn ào, nên lại muốn nghệ thuật đem lại sự tĩnh lặng cho bản thân. Khi âm nhạc vang lên thì mọi thứ lắng lại.

Phải chăng vì sự chông chênh đó mà dù có ngoại hình cũng sáng sân khấu nhưng trước đây chị không khắt khe với mình khiến nhiều người kêu là chị béo, ăn mặc, tạo hình không đẹp.
 
- Có lúc tôi cũng buồn vì mọi người nói già hơn, chững chạc quá. Nhưng bạn bè an ủi, đùa là ít nhất tôi cũng có điểm nhấn. Nay tôi có ý thức để mình gọn gàng, tươm tất hơn. Tôi đang làm được và ngày càng tiến bộ. (Cười).

Làm nghệ thuật không ai hiền cả

Rồi mọi thứ đang có vẻ phát triển mạnh mẽ như vậy thì thì chị lại dừng lại và lập gia đình sớm. Điều này dù ít hay nhiều cũng ảnh hưởng tới sự nghiệp đang lên?
 
- Quan trọng là công việc và gia đình phải sắp xếp hợp lý. Người chấp nhận tôi là vợ thì phải chấp nhận công việc của tôi, cũng như tôi thấy việc gia đình quan trọng thì phải hy sinh công việc. Công việc là cả cuộc đời, còn gia đình cần sự xây dựng hàng ngày, nếu chỉ nghĩ đến bản thân thì không còn gia đình. Ai cũng nghĩ mình có khoảng trời riêng, sẽ không chung sống với nhau được. Ai cũng thích tự do mà không biết rằng sự tự do đã có trong tâm hồn mỗi người.

Nhưng nghệ sĩ lại muốn tự do hơn?

- Đúng thế. Bởi cái tôi lớn, tôi thấy điều đó qua bản thân mình và các bạn nghệ sĩ. Làm nghệ thuật ai cũng cá tính mạnh, không ai hiền đâu, khác nhau là có biết sống hay không mà thôi.

Nhưng vừa qua, hình như gia đình nhỏ của chị có chuyện và chị đã chia sẻ trên một số báo chí?

- Đến giờ tôi không có ý định tiếp tục chia sẻ về cuộc sống cá nhân.
 

Thường thì sau khi chuyện xảy ra, khá nhiều nghệ sĩ lên báo nói qua nói lại. Người ta cũng thường nhìn lại xem ai là người có lỗi như muôn thuở?

- Người ta luôn muốn tìm ai là người có lỗi, tìm nguyên nhân. Nhưng tất cả những lựa chọn đều có phần trăm nào đó sai lầm, kể cả khi nó được coi là đúng. Không có gì hoàn hảo. Mà muốn hoàn hảo thật thì đừng có hằn học nhau. Với người sống nội tâm thì sự chia sẻ là... không nói nhiều. Người ta nói rồi: Cùng chia nhau nỗi vui niềm đau. Đó là sự lựa chọn của tôi.

Vừa rồi, có ca sĩ sau chuyện gia đình tan vỡ cũng chia sẻ rằng đôi khi một người đẹp, có khả năng lại thông minh, nhạy cảm thì thường khiến người đàn ông có ý định đến với mình e ngại? Chị thấy sao?

- Nhiều người trong nhóm bạn tôi hay trao đổi về điều này, nhưng như ngày xưa thôi, ai không thích thì "kính nhi viễn chi". (Cười). Đâu có sao. Người làm nghệ thuật vốn đã cô đơn rất lớn. Quan trọng nhất với nghệ sĩ là tự biết chơi với mình. Đôi khi ngồi yên im lặng không nói gì. Nhiều bạn bè của tôi cũng vậy, nhưng chỉ cần nhìn nhau là hiểu. Có nhiều cảm giác không nói được thành lời chứ.

Sao chị không nghĩ rằng nên vo tròn một chút đi?

- Cầu toàn thì ai cũng muốn. Tôi nghĩ, con người đúng nghĩa là vô sản, không có gì tất cả. Người ta nói có thì là có, mà không thì là không. Có người nhiều tiền chắc gì đã hạnh phúc nhưng biết cách hạnh phúc bằng cách chia sẻ, làm điều tốt hơn thì sẽ hay hơn. Hơn nữa, mỗi người có phúc phận người ta. Tôi không bao giờ ganh tỵ người hơn mình mà coi đó là điều để mình vươn tới. Người ta giàu có ở hai khía cạnh: của cải hoặc tinh thần, vốn sống. Mà nó là vô cùng. Giàu thì đi đôi với sang, nhưng nhiều khi giàu chưa đi với sang.

Là đồng nghiệp, nay lại có gia đình riêng, chị có thường chia sẻ với mẹ mỗi khi gặp chuyện không hay?

- Mẹ là người bạn của tôi. Nhưng tôi nói chuyện với mẹ không phải nhằm tìm kiếm một lời khuyên mà là để mình kìm bớt sự nóng giận, dịu đi suy nghĩ không đúng, để mình nhìn lại xem phản ứng như thế đúng chưa, có cần phải làm như thế không?

Vì thế mà Linh thường được gọi là bà cụ non?

- Tôi bị gọi như thế từ lâu rồi. Hồi học phổ thông, tôi cũng rất hợp chơi với bạn trai, ít bạn gái thân. Các bạn nghĩ tôi như đàn ông, vì tôi không để ý điều nhỏ nhặt, nếu không muốn nói là nhỏ nhen. Khi mình nhìn ra điều ấy thì quyết không để nó thâm nhập. Tôi đã thử nói chuyện nhưng cuối cùng thì không muốn nói nữa. Nhưng với bạn lớn tuổi thì khác, tôi thích nói, đó là cách không giấu dốt, nếu mình nói không đúng thì họ sửa và nói kỹ cho mình hiểu hơn. Sự già ấy vẫn tiếp tục. (Cười). Chừng nào còn ham hiểu biết thì còn già. Nói đùa thôi, chứ ham hiểu biết thì như trẻ con ấy, mình tưởng là biết mà lại không biết gì. Mình ngộ ra để đơn giản hóa mọi thứ. Nhiều khi, có trí khôn quá lại suy xét rồi thành suy diễn. Mà đã suy diễn thì lại mang ý tiêu cực rồi.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
 
TheoVTC
Chia sẻ