Khán giả mệt mỏi vì nữ chính 'Chúng ta của 8 năm sau' láo xược, cố chấp
Trong tập 36 phim "Chúng ta của 8 năm sau", nữ chính Mai Dương đã có những lời chất vấn nặng nề, làm tổn thương cha ruột là ông Quảng. Khán giả khó chịu với sự cố chấp có phần láo xược của Dương.
Tối 24/1, kết thúc của tập 35 phim Chúng ta của 8 năm sau để lại nhiều nỗi bực tức trong lòng khán giả. Nhiều người xem thậm chí còn bày tỏ muốn tát nữ chính Mai Dương (Huyền Lizzie) vì sự cố chấp mù quáng và cách hành xử thiếu cảm thông cô dành cho người cha ruột của mình.
Dương - cô con gái bất hiếu?
Trong tập 35, Dương bức xúc khi phát hiện nhân viên của ông Quảng (NSND Trung Anh) làm giả giấy xét nghiệm ADN, vu khống cho Tuấn không phải con ruột, để chèn ép mẹ Tuấn. Dương cho rằng ông Quảng lấy lý do "vì cô" mà sử dụng mọi thủ đoạn, bất chấp cả đạo đức khi dựng lên một thông tin sai trái như vậy.
Do đó, cô về chất vấn ông Quảng và có những lời lẽ nặng nề: "Bác con định dối trá đến bao giờ. Còn định xấu xa tới mức nào nữa". Những lời định tội của con gái khiến ông Quảng chết lặng.
Khán giả cho rằng Dương thiếu sự cảm thông, thiếu công bằng với chính bố mình. Sau bao nhiêu năm ông cố gắng chuộc lỗi lầm vì đã bỏ rơi con trong quá khứ, Dương dường như không hiểu cho ông và không chịu tha thứ cho ông. Dù đưa ông về sống cùng mình, cô vẫn xưng "bác - cháu". Mỗi khi xảy ra sự việc, người đầu tiên cô đổ lỗi, trách móc lại là ông Quảng.
"Xem mà ức chế với Dương, dù gì cũng phải tìm hiểu để bảo vệ bố mình trước khi mắng ông ấy như vậy", " Xây dựng nhân vật quá chán, nếu đã chấp nhận cho bố về ở thì phải bỏ qua hết chuyện cũ, thấu hiểu cho bố. Về với bố mà như ban ơn", "Bố từng chối bỏ con và vô trách nhiệm, nhưng con gái mà suốt ngày cháu cháu bác bác, nói bố thế này thì thôi", một số khán giả bức xúc trên mạng xã hội khi xem tập 35 của Chúng ta của 8 năm sau.
"Dù bố có lỗi lầm gì thì cuối cùng đó cũng là bố mình, dù có dở dại vẫn là bố mình. Ai cũng có sai lầm, nhưng không thể nào suốt ngày nhìn vào cái sai của họ để trách móc này nọ. Dù gì cũng phải có ông ấy mới có mình hiện tại. Nhân vật Dương của phần 2 thật sự rất tệ!", "Chán đứa con gái hỗn hào này", "Một đứa con không hiểu chuyện cố chấp chấp ngang bướng đến phát chán, tốt với người ngoài hơn cả ruột thịt", "Buồn quá ông Quảng ơi! Thương ông bị oan ức, bị con gái mà đã bao năm nay ông yêu thương đối xử bất hiếu!", "Xem mà muốn tát cho Dương một cái"...
Dương cảm thấy tức giận vì cho rằng ông Quảng một lần nữa lại làm việc xấu, hỏng chuyện tình cảm của mình. Nhưng thay vì tìm hiểu sự việc, giải oan cho bố như Nam trong Hương vị tình thân , Dương lại dễ dàng hiểu bố theo một cách tồi tệ nhất. Sự thù hằn trong cô quá lớn đến mức che mờ lý trí, trở thành cô con gái hỗn hào.
Thực tế, nhân vật Nguyệt ( Quỳnh Kool ) trong phim cũng khẳng định Dương không thể thông cảm cho bố. Hay như chính VTV cũng để dòng tiêu đề "Đừng để tâm trạng của bản thân đổ lên người thân của mình" cho video về Dương. Thế nhưng, kịch bản của phim đang dần đi theo hướng bi kịch hóa, sa đà vào những chuyện hiểu lầm, trách móc lẫn nhau khiến câu chuyện trở nên nặng nề.
Với diễn biến ông Quảng sắp xếp quần áo và chuẩn bị rời đi. Khán giả dự đoán có lẽ Dương lại cảm thấy ân hận. Thậm chí, ông Quảng có thể bị bệnh nặng, đột quỵ, đến lúc đó khúc mắc của hai cha con mới được giải quyết.
Thế nhưng, kịch bản đi theo hướng như vậy lại nhàm chán, thiếu tính nhân văn khi dồn ép nhân vật đến mức không có đường lui mới nhận ra sai lầm của mình.
Dương vốn là nhân vật mang nhiều tổn thương, là nạn nhân trong câu chuyện, nhưng cách biên kịch xây dựng nhân vật khiến cho Mai Dương không nhận được sự đồng cảm của người xem.
Hình tượng người phụ nữ trong phim bị bi kịch hóa
Chúng ta của 8 năm sau đang đi vào lối mòn về kịch bản khi cuộc đời các nhân vật Dương - Nguyệt luôn bị đẩy vào bi kịch, mâu thuẫn. Hình ảnh người phụ nữ trong phim hiện lên mềm yếu, thiếu quyết đoán, dễ tổn thương nhưng cũng rất cố chấp.
Sau 8 năm, Mai Dương giờ đã trưởng thành hơn cả về mặt tuổi tác, kinh nghiệm lẫn tính cách. Nhưng kịch bản của phim xây dựng khá bó hẹp khi cô chỉ thể hiện hai cảm xúc chủ đạo là sự thù hằn, thái độ bất mãn với bố và sự chán nản với cuộc đời.
Tuy nhiên, xét theo thực tế, Dương là cô gái xinh đẹp, có nhiều người theo đuổi, có công việc tốt, đồng nghiệp yêu mến, cấp trên giúp đỡ, mọi người thân quen đều nâng niu trân trọng Dương. Nhưng sự tập trung của cô không dành cho công việc, mà cô lúc nào cũng thu mình, suy nghĩ về tình yêu, cũng như nghi ngờ, cự tuyệt sự tấm lòng của bố.
Nhân vật Mai Dương bị xây dựng thiếu tính tích cực, không đem lại những giá trị nhân văn như sự lạc quan, nỗ lực trong sự nghiệp, sự mạnh mẽ và cả tấm lòng tha thứ. Người phụ nữ không nhất định phải quanh quẩn với suy nghĩ chọn người này hay người kia làm chồng, hay chấp nhất với những lỗi lầm trong quá khứ của người thân.
Trong tập 33, Dương thừa nhận không có những rung động mãnh liệt với Tuấn (Đức Hiếu) như với người yêu cũ Lâm ( Mạnh Trường ), vậy tại sao cô vẫn lựa chọn tiến tới với một tình yêu tạm bợ và tình cảm vẫn còn đang phân vân. Hay vì cô đã đến tuổi lập gia đình, nên biên kịch nhất quyết phải cho Dương đi lấy chồng. Sự ngập ngừng của Dương không công bằng với chính Tuấn và cũng khiến khán giả cảm thấy cô không có sự chân thành trong tình cảm mà chỉ không muốn bỏ lỡ một mối hôn sự tốt, phù hợp.
Cũng giống Dương chỉ xoay quanh tình yêu, nhân vật Nguyệt trong tập 35 cũng có dấu hiệu mềm lòng với những "chiêu trò" xin lỗi làm lành của chồng cũ Tùng (B Trần).
Nhiều khán giả bức xúc vì Nguyệt (Quỳnh Kool) thừa nhận với Dương rằng cô không còn cương quyết với Tùng như ban đầu. "Thay vì nghĩ đến những chuyện tồi tệ đã xảy ra, tớ lại nghĩ nếu lỡ những chuyện tốt đẹp từng có sẽ mãi mãi mất đi. Cậu có thấy anh Tùng yêu tớ không?".
Nhiều người cho rằng ngoại tình là việc không thể tha thứ trong hôn nhân. Liệu kịch bản phim Chúng ta của 8 năm sau có đang cổ xúy cho hành vi ngoại tình rồi dùng "khổ nhục kế", mang con cái ra để ép vợ phải tha thứ cho mình.
Có lẽ phim muốn xây dựng hình tượng Nguyệt dịu dàng, nhân văn, suy nghĩ cho con, song điều này cũng thể hiện sự yếu đuối, thiếu quyết đoán của người phụ nữ. Buộc người phụ nữ phải hy sinh tự tôn, tự chủ, quan niệm đạo đức của bản thân vì gia đình.
Hình tượng nữ giới trong phim thiếu tính tích cực, lạc quan, sa đà vào bi kịch tình cảm làm cho không khí của cả bộ phim u sầu, lê thê. Mô-típ phim cũ và cách diễn xuất nặng nề của diễn viên khiến khán giả xem phim Chúng ta của 8 năm sau cảm thấy chán nản, mệt mỏi theo nhân vật.