Khai quật lăng mộ cháu gái Võ Tắc Thiên, xuất hiện một người đàn ông: Hơn 1.200 năm sau bí mật cái chết mới được sáng tỏ
Các chuyên gia khảo cổ sửng sốt khi phát hiện hài cốt của một người đàn ông trong lăng mộ công chúa nhà Đường, cháu gái của Võ Tắc Thiên. Đặc biệt, nguyên nhân cái chết của nàng sau hơn 1.200 năm mới được làm sáng tỏ. Đó là gì?
Nhà Đường (618 – 907) được coi là một trong những triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Dưới sự trị vì kéo dài gần 300 năm của các vị hoàng đế nhà Đường, cả kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự của triều đại này đều đạt đến trình độ cao, phát triển cực thịnh.
Do đó, những lăng mộ vào thời nhà Đường cũng được đánh giá là rất xa hoa khi không những có quy mô lớn mà còn có nhiều đồ vật tùy táng quý giá. Lăng mộ của một vị công chúa nhà Đường dưới đây chính là một minh chứng.
Càn Lăng là nơi an nghỉ của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên và chồng là Đường Cao Tông Lý Trị. Tọa lạc trên đỉnh núi Lương Sơn, Càn Lăng là công trình kiến trúc nổi tiếng tại huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Lăng mộ nguy nga này phải mất tới hơn 20 năm xây dựng mới hoàn thành.
Càn Lăng có kiến trúc độc đáo và quy mô rất lớn do việc xây lăng được tiến hành khi nhà Đường đang trong giai đoạn thịnh trị, quốc thái dân an.
Ngoài ra, xung quanh Càn Lăng còn có 17 lăng mộ nhỏ hơn. Trong số đó, có một lăng mộ đặc biệt nhất. Đó là nơi an nghỉ của công chúa Vĩnh Thái Lý Tiên Huệ. Nàng là con gái thứ 7 của Đường Trung Tông Lý Hiển, đồng thời là cháu nội của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên.
Các nhà khảo cổ đã rất ngạc nhiên vì quy mô và cách bài trí trong lăng mộ của công chúa Vĩnh Thái vượt xa so với các nàng công chúa khác thời nhà Đường. Đặc biệt, điều khiến hậu thế kinh ngạc hơn nữa chính là hoàng đế nhà Đường đã cho phép ngôi mộ của vị công chúa này được gọi là lăng. Đây thực sự là niềm vinh hạnh mà hiếm có vị công chúa nào trong lịch sử phong kiến có thể nhận được.
Nàng công chúa được chôn cất trong lăng mộ hoành tráng là ai?
Công chúa Vĩnh Thái tên thật là Lý Tiên Huệ, sinh năm 684. Nàng là con gái của Đường Trung Tông Lý Hiển (người từng 2 lần lên ngôi hoàng đế của nhà Đường) và Vi hoàng hậu. Đúng như tên gọi, Lý Tiên Huệ là nàng công chúa có dung mạo cực kỳ xinh đẹp và thông minh.
Theo "Tân Đường thư", công chúa Vĩnh Thái Lý Tiên Huệ được mô tả đẹp đến nỗi khiến cho hoa đào, hoa lê cũng phải ngượng ngùng vì kém sắc. Nàng được coi là một trong những mỹ nhân đẹp nhất thời nhà Đường.
Tuy nhiên, số phận của nàng công chúa tài sắc này thật đúng như câu "hồng nhan bạc phận". Vình Thái công chúa mất vào năm 17 tuổi trong khi bà nội Võ Tắc Thiên vẫn đang là hoàng đế.
Sau khi lên ngôi hoàng đế được gần 2 tháng thì bị mẹ là Võ Thái hậu (tức Võ Tắc Thiên) phế truất, cuộc sống của Đường Trung Tông Lý Hiển bị quản thúc nên có nhiều khó khăn. Đương nhiên, Lý Tiên Huệ là con gái của ông cũng không được hưởng cuộc sống nhung lụa giống như các nàng công chúa bình thường.
Đến tháng 10 năm 698, sau khi Võ Tắc Thiên hạ chiếu lập Lý Hiển trở lại làm hoàng thái tử, cuộc sống của Lý Tiên Huệ cũng có nhiều thay đổi. Sau khi trở về kinh thành không được bao lâu, Lý Tiên Huệ được lệnh gả cho Võ Diên Cơ, cháu của Võ Tắc Thiên. Hai người quen biết nhau từ nhỏ nên cuộc hôn nhân này có thể được xem là hạnh phúc.
Tuy nhiên, đúng là "hạnh phúc chẳng tày gang" khi Lý Tiên Huệ sớm qua đời ở tuổi 17. Nguyên nhân khiến mỹ nhân này chết trẻ như vậy là vì nàng cùng chồng và anh trai là Lý Trọng Nhuận (tức thái tử Ý Đức) đã dị nghị về chuyện Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông, hai nam sủng của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên.
Sau khi biết sự việc, Trương Dịch Chi đã tấu lên Võ Tắc Thiên. Nữ hoàng đế vô cùng tức giận nên đã hạ lệnh cho vợ chồng Lý Tiên Huệ và anh trai phải tự sát.
Sau khi đăng cơ lên ngôi hoàng đế lần thứ hai vào đầu năm 705, Đường Trung Tông đã truy phong cho con gái Lý Tiên Huệ thành công chúa Vĩnh Thái và an táng nàng trong một lăng mộ bề thế.
Khai quật mộ công chúa nhà Đường, phát hiện sự thật sau hơn 1.200 năm
Vào tháng 9/1960, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một lăng mộ lớn ở ngoại ô Hàm Dương, thuộc tỉnh Thiểm Tây. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia xác định đây là lăng mộ của công chúa Vĩnh Thái, mỹ nhân chết thảm sau khi tham gia gièm pha về nam sủng của Võ Tắc Thiên.
Ngay khi bước vào lăng mộ, các chuyên gia sững sờ khi phát hiện có hài cốt của một người đàn ông. Người đàn ông này chết trong tư thế ngồi, bên cạnh còn có một chiếc rìu sắt. Thi thể của người này đã mục nát và chiếc rìu cũng bị rỉ sét từ lâu. Dựa theo các dấu vết xâm phạm trong lăng mộ, các chuyên gia xác định người đàn ông kỳ lạ này thực chất là một tên trộm và bị chính đồng bọn giết chết.
Các chuyên gia khảo cổ phát hiện lăng mộ của công chúa Vĩnh Thái đã bị trộm mộ xâm phạm. Tuy nhiên, số lượng lớn vàng, bạc, ngọc bích, tượng nhỏ bằng gốm, tranh tường cùng nhiều đồ vật tùy táng quý giá vẫn được tìm thấy trong lăng mộ này.
Ngoài ra, sau khi kiểm tra văn bia, các chuyên gia phát hiện ra rằng nguyên nhân cái chết của công chúa Vĩnh Thái hoàn toàn khác với những gì được ghi chép trong sử sách. Liên quan đến cái chết của vị công chúa này, ghi chép trong "Tân Đường thư" và "Cựu Đường thư" lại khác nhau. Theo Tân Đường thư, Vĩnh Thái công chúa bị xử tử cùng với chồng và anh trai. Tuy nhiên, ghi chép trong Cựu Đường thư lại cho rằng, nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên mặc dù rất tức giận nhưng không trực tiếp xử tử ba người cháu. Thay vào đó, bà giao cho thái tử Lý Hiển xử lý.
Lý Hiển hiểu rằng nếu ông không xử lý việc này thì hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn. Kết quả, công chúa Vĩnh Thái cùng chồng và anh trai buộc phải tự sát. Mấy năm sau, khi Lý Hiển lên ngôi hoàng đế, vì cảm thấy có lỗi với con gái, nên ông đã truy phong cho nàng là công chúa Vĩnh Thái và cải táng nàng trong lăng mộ bề thế.
Tuy nhiên, dòng chữ trên văn bia tiết lộ nguyên nhân cái chết của công chúa Vĩnh Thái. Hóa ra nàng không phải tự sát hay bị Võ Tắc Thiên sát hại. Thay vào đó, nguyên nhân khiến nàng công chúa chỉ mới 17 tuổi này qua đời là vì khó sinh. Dòng chữ "châu thai hủy nguyệt" (chỉ bào thai phá hủy cơ thể của người mẹ) đã tiết lộ nguyên nhân cái chết của công chúa Vĩnh Thái.
Sau khi kiểm tra hài cốt, các chuyên gia đã xác nhận ghi chép này. Quả thực khung xương chậu của công chúa Vĩnh Thái hẹp hơn so với phụ nữ bình thường. Nàng qua đời vì sinh khó, cộng với việc đau buồn quá độ trước cái chết của chồng và anh trai.
Mặc dù tàn nhẫn nhưng Võ Tắc Thiên cũng không nỡ đẩy cô cháu gái đang mang thai đến chỗ chết. Tiếc rằng công chúa Vĩnh Thái không thể chịu được nỗi đau mất đi hai người thân. Nàng cũng qua đời không lâu sau cái chết của chồng và anh trai vào năm 701. Số phận của nàng công chúa xinh đẹp này quả thực bi thảm.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Kknews, QQ, Baidu