Khai giảng năm học mới, hàng xóm nhờ tôi đưa con đi học giúp, tôi làm một hành động khiến chị sững người
Hàng xóm không thể ngờ được rằng tôi lại làm như vậy.
* Dưới đây là tâm sự của một người đàn ông tên Lý Ngọc đến từ Trung Quốc trên trang 163.com.
Ánh nắng đầu tiên của buổi sáng sớm chưa thể xua tan hết sương mù mỏng manh của vùng quê, nhưng dưới gốc cây bồ kết già ở đầu làng, mọi thứ đã bắt đầu trở nên nhộn nhịp.
Hôm nay là ngày khai giảng của trường tiểu học trong làng, các em học sinh vai đeo cặp sách, sánh vai nhau đi hàng đôi hàng ba đi bộ tới trường, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ và tràn đầy háo hức trước một năm học mới.
Còn tôi - một trong số ít những người có ô tô trong làng, suốt bao năm qua, cứ mỗi dịp khai giảng hay thời tiết xấu là không thể nào tránh khỏi việc được hàng xóm nài nỉ nhờ chở vài đứa nhóc nhà họ đi học. Đây vốn là hành động giúp đỡ lẫn nhau giữa hàng xóm láng giềng nhưng hôm nay, "thiện chí" này lại trở thành nguyên nhân gây bất hòa giữa tôi và hàng xóm.
"Lý Ngọc này, hôm nay khai giảng, cậu chở Tiểu Hổ nhà chị đến trường một đoạn được không? Bố nó đi làm từ sớm, chân chị lại đang gặp vấn đề", hàng xóm Trương Hân đứng trước cửa nhà tôi, tay cầm sẵn cặp của nhóc Tiểu Hổ, nhìn tôi bằng ánh mắt đầy mong đợi.
Tôi bối rối chẳng biết làm sao, không phải vì tôi không muốn giúp mà vì hôm nay tôi đúng lúc có việc gấp phải vào thị trấn sớm. Thời gian eo hẹp đến mức cả bữa sáng tôi cũng chỉ vơ vội được vài miếng vào miệng.
"Chị Hân ơi, xui quá, nay em phải lên thị trấn sớm, sợ là không kịp…", tôi cố gắng làm cho giọng nói của mình chân thành nhất có thể.
"Ôi, Lý Ngọc em ơi, chỉ một đoạn thôi mà, đáng bao nhiêu thời gian đâu", Trương Hân dường như không nghe ra sự từ chối của tôi, vẫn kiên trì nói tiếp.
Tôi đứng ở cửa, trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, trong đầu tính toán thời gian, nhưng cuối cùng vẫn quyết định hành động "tàn nhẫn", giả vờ như không nghe thấy lời Trương Hân nói, mở cửa xe, ngồi vào và khởi động xe.
Trong gương chiếu hậu, khuôn mặt của Trương Hân lập tức trở nên khó coi. Dường như chị ấy còn đang lẩm bẩm gì đó, chỉ là tôi thực sự không có thời gian để mà quan tâm, chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi cảnh tượng khó xử này.
Chiếc xe chầm chậm rời khỏi làng, hình ảnh ngôi làng trong gương chiếu hậu dần trở nên mờ nhạt, nhưng trong lòng tôi lại nặng trĩu một cách khó hiểu.
Tôi biết, hành động này có thể sẽ khiến cả làng phải xôn xao.
Vào buổi tối, khi tôi giải quyết xong công việc trong thị trấn và về làng, chưa kịp vào nhà, tôi đã nghe thấy giọng nói quen thuộc nhưng có phần gay gắt của Trương Hân vang lên từ trong sân.
Khi tôi mở cổng ra, tôi lập tức nhìn thấy Trương Hân đang đứng trong sân nhà tôi, hai tay chống nạnh, vẻ mặt tức giận, rõ ràng là cô ấy đến đây để buộc tội tôi.
"Lý Ngọc, hôm nay cậu nói thế là có ý gì? Chúng ta là hàng xóm bao năm nay, chỉ có mỗi việc nhỏ như thế mà cậu cũng không chịu giúp nghĩa là làm sao?", giọng Trương Hân đầy trách móc.
Tôi thở dài, đặt thứ đang cầm xuống và bước về phía trước. Tôi hít một hơi thật sâu, cố làm cho giọng điệu của mình nghe bình tĩnh hơn: "Chị Hân này, chị đừng nóng, chị cứ từ từ nghe em giải thích đã".
Tôi kéo ghế ra hiệu cho chị ấy ngồi rồi tôi ngồi xuống ngay bên cạnh, cố gắng tỏ ra chân thành.
"Em biết hành động của em hôm nay là không đúng, đã khiến chị khó chịu. Nhưng chị biết mà, hôm nay em thực sự có việc gấp phải lên thị trấn sớm, thời gian gấp gáp, em sợ chở Tiểu Hổ đi thì không chỉ Tiểu Hổ đến trường trễ mà công việc của em cũng bị trễ luôn", tôi chậm rãi kể lại toàn bộ câu chuyện, ánh mắt tràn đầy bất lực.
Vẻ mặt của Trương Hân dễ chịu hơn một chút, nhưng vẫn lộ ra một chút bất mãn. "Nhưng cậu cũng không thể không nói một lời đã lên xe bỏ đi, cậu làm thế thì Tiểu Hổ biết làm thế nào? Sáng sớm ngày ra, một mình nó cũng đâu dám đi một mình xa đến thế".
Tôi gật đầu tỏ ý hiểu sự lo lắng của chị ấy. "Là em không suy nghĩ kỹ, lẽ ra em nên nói rõ trước cho chị hoặc giúp chị tìm cách khác. Nhưng lúc đó quả thật em đang vội nên không nghĩ được nhiều", tôi vừa nói vừa cúi đầu, lòng đầy hối hận.
Thấy vậy, giọng điệu của Trương Hân cũng dịu lại: "Thôi, chuyện qua rồi thì không nhắc nữa. Nhưng Lý Ngọc này, chúng ta là hàng xóm, vốn dĩ là phải giúp đỡ lẫn nhau, sau này cậu không được như thế nữa đâu đấy".
Tôi gật đầu liên tục và hứa rằng sau này tôi sẽ chú ý hơn và cố gắng không để chuyện như thế này xảy ra nữa. Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi hiểu rằng sự việc này đã gieo mầm mống bất hòa giữa chúng ta và sẽ cần thời gian, nỗ lực nhiều hơn nữa để loại bỏ hoàn toàn nó.
Tôi tưởng rằng mối bất hòa này sẽ dần lắng xuống theo thời gian, nhưng không ngờ, vài ngày sau, một số tin đồn về tôi bắt đầu lan truyền trong làng. Một số người nói rằng vì tôi có ô tô nên tôi lên mặt, không sẵn lòng giúp đỡ hàng xóm; một số khác thì nói rằng tôi ích kỷ và không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Những lời này như những con dao sắc bén, cứa vào trái tim tôi.
Tôi đã cố gắng giải thích và làm rõ nhưng dường như không hiệu quả. Dân làng bắt đầu nhìn tôi với ánh mắt phức tạp, từ đồng cảm đến bối rối rồi khinh thường. Tôi cảm thấy cô đơn và bất lực hơn bao giờ hết, như thể chỉ sau một đêm, tôi đã trở thành "người lạ" trong làng.
Đúng lúc này, Tiểu Hổ đột nhiên đổ bệnh. Cơn sốt cao kéo dài và cần được đưa đến bệnh viện trong thị trấn. Trương Hân lo lắng, cả người như ngồi trên lửa nhưng không tìm được phương tiện di chuyển thích hợp. Không còn cách nào khác, chị ấy tìm đến tôi, hy vọng tôi có thể giúp đưa Tiểu Hổ đến bệnh viện.
Tôi đứng ở cửa, nhìn đôi mắt lo lắng của Trương Hân, trong lòng có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Tôi biết đây là cơ hội tốt để hàn gắn mối quan hệ của chúng tôi, nhưng tôi cũng lo lắng nếu từ chối lần nữa, tôi sẽ mất hoàn toàn niềm tin của Trương Hân và người dân trong làng.
Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, cuối cùng tôi quyết định, dù thế nào đi nữa, lần này tôi cũng phải giúp đỡ chị ấy. Tôi nhanh chóng khởi động xe, chở Trương Hân và Tiểu Hổ, vội vã lao đến bệnh viện thị trấn. Trên đường đi, tôi thầm cầu nguyện rằng Tiểu Hổ sẽ được bình an vô sự, và trải nghiệm này sẽ là bước ngoặt trong mối quan hệ giữa tôi và hàng xóm.
Sau một đêm điều trị tích cực, tình trạng của Tiểu Hổ cuối cùng đã ổn định. Khi tia nắng đầu tiên lọt qua cửa sổ phòng bệnh và chiếu lên gương mặt non nớt của Tiểu Hổ, tôi thấy mắt Trương Hân lấp lánh sự cảm kích. Khoảnh khắc đó, tôi biết, rào cản giữa chúng tôi đã lặng lẽ biến mất.
Từ đó về sau, tôi càng trân trọng mối quan hệ với hàng xóm lân cận, dù là việc lớn hay nhỏ, chỉ cần tôi có thể giúp được, tôi đều sẽ nỗ lực hết sức. Trương Hân và người dân trong làng cũng nhìn tôi bằng ánh mắt thấu hiểu hơn.
Trải nghiệm lần này khiến tôi thấu hiểu sâu sắc rằng, mối quan hệ giữa con người với nhau giống như một mạng lưới phức tạp, đôi khi chỉ một hiểu lầm hay sơ suất nhỏ cũng có thể khiến mạng lưới này nhanh chóng xuất hiện những vết nứt. Nhưng chỉ cần chúng ta sửa chữa bằng trái tim và giao tiếp bằng sự chân thành thì không có gì là không thể.
Bên cạnh đó, tôi cũng đã nói chuyện thêm với Trương Hân về lần chị ấy nhờ tôi chở Tiểu Hổ tới trường hôm khai giảng. Dưới góc độ của mình, tôi cho rằng ngày khai giảng không chỉ là dịp quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới của con trẻ trong hành trình học vấn mà còn là khoảnh khắc để cha mẹ thể hiện sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ cho con.
Việc dành thời gian để cùng con đến trường, dù chỉ là một hành động nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa to lớn: khẳng định tình thân, tạo dựng niềm tin và sự gắn kết giữa cha mẹ với con cái. Điều này không chỉ giúp con cảm nhận được tình yêu thương và sự ủng hộ mà còn là cơ hội để cha mẹ giao lưu với cộng đồng, thấu hiểu và chia sẻ những giá trị giáo dục cùng nhau. Trong mọi hoàn cảnh, nỗ lực đồng hành cùng con trong ngày đầu tiên của năm học mới luôn là việc làm đáng trân trọng và cần thiết, bởi chính những nỗ lực đó sẽ là nền tảng vững chắc cho tương lai của con trẻ.
Lần đó, vì một vài lý do khách quan nên Trương Hân nhờ tôi đưa con đến trường nhưng tôi hy vọng những dịp quan trọng tương tự hay những lần khai giảng sau của Tiểu Hổ, chị ấy và chồng có thể trực tiếp đưa con đi, đồng hành cùng con, có như vậy thằng bé mới lớn lên hạnh phúc được.