Khách Tây nhận xét chung một điểm về cà phê sữa đá Việt Nam: Hương vị rất gây 'nghiện'

THU PHƯƠNG,
Chia sẻ

Cà phê sữa đá trở thành thức uống không thể không thử khi tới Việt Nam đối với các du khách nước ngoài.

Nếu nhắc về món ăn Việt Nam nổi tiếng hay phổ biến nhất trong mắt các khách du lịch nước ngoài và bạn bè quốc tế, chắc chắn đó chính là phở. Ở phương diện thức uống, chắc chắn chính là cà phê sữa đá. 

Cà phê sữa đá Việt Nam đã từng nhiều lần được vinh danh trên các bảng xếp hạng danh tiếng trên thế giới, về các loại đồ uống ngon. Mới đây nhất, theo Taste Atlas, website được mệnh danh là bản đồ ẩm thực thế giới, cà phê sữa đá Việt Nam đồng hạng với ristretto của Italy, nhận số điểm 4,6/5 điểm và đứng đầu danh sách 10 loại cà phê ngon nhất thế giới. 

CnTraveler - tạp chí du lịch sang trọng và phong cách sống của Mỹ cũng từng bình chọn cà phê sữa đá Việt Nam có thể sánh ngang với Espresso hay Flat White để trở thành những cốc cà phê ngon nhất thế giới. 

Khách Tây nhận xét chung một điểm về cà phê sữa đá Việt Nam, khiến không phải ai cũng uống được nó - Ảnh 1.

Cà phê sữa đá Việt Nam từng nhiều lần được vinh danh trong danh sách những món đồ uống hay cà phê ngon nhất thế giới.

Chính vì vậy, đối với những du khách nước ngoài, đặc biệt là những du khách lần đầu tiên đến Việt Nam, thức uống nhất định phải thử với họ chính là cà phê sữa đá. 

Khách Tây nhận xét một điểm chung về cà phê sữa đá Việt 

Đa phần những du khách nước ngoài sau khi thử cà phê sữa đá Việt Nam đều đưa ra một nhận định chung, đó là nó ngọt nhưng lại đậm đặc và mạnh, từ đó rất dễ gây mất ngủ cho những ai không quen uống. 

Brandon Hurley là một blogger, một nhà sáng tạo nội dung người Mỹ sở hữu gần hơn 1 triệu người theo dõi trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau. Hiện anh đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam được 8 năm, và thậm chí còn lấy tên tiếng Việt là Phúc, biệt danh Phúc Mập và đặt cho toàn bộ các tài khoản mạng xã hội của mình. 

Để tả về cà phê sữa đá Việt Nam, chàng blogger dùng từ "Super strong", tức là nó rất mạnh. "Cà phê ở Việt Nam pha với sữa đặc thay vì sữa tươi như cà phê ở những quốc gia khác nên sẽ ngọt hơn. Tuy nhiên, hương vị này rất gây 'nghiện'", Phúc Mập chia sẻ thêm trong video của mình. 

Khách Tây nhận xét chung một điểm về cà phê sữa đá Việt Nam, khiến không phải ai cũng uống được nó - Ảnh 2.

Blogger Phúc Mập đã có thời gian sinh sống và làm việc 8 năm ở Việt Nam. (Ảnh Fb Phúc Mập Vlog)

Khách Tây nhận xét chung một điểm về cà phê sữa đá Việt Nam, khiến không phải ai cũng uống được nó - Ảnh 3.

Blogger Phúc Mập tham gia chương trình truyền hình "2 ngày 1 đêm" cùng các nghệ sỹ Việt. (Ảnh 2 ngày 1 đêm)

Blogger người Mỹ nói về cà phê sữa đá ở Việt Nam rằng nó rất mạnh. (Ảnh Phúc Mập Vlog)

Fully Fledged, một du khách đến từ Australia cũng có nhận xét tương tự khi thưởng thức cà phê sữa đá Việt Nam. "Vị của nó thật thú vị, nó mạnh nhưng ngọt." - du khách cho biết. Ngoài ra, anh còn nhận xét thêm rằng một cốc cà phê sữa đá ở Việt Nam rất rẻ, chỉ có giá 20.000 đồng, tương đương với khoảng 85 xu tiền Mỹ. 

Khách Tây nhận xét chung một điểm về cà phê sữa đá Việt Nam, khiến không phải ai cũng uống được nó - Ảnh 5.

Fully Fledged - một du khách đến từ Australia. (Ảnh Instagram Fully Fledged)

Cảm nhận của Fully Fledged về cà phê sữa đá Việt là mạnh, ngọt và giá rẻ. (Ảnh Tiktok Fully Fledged)

Sự đậm đặc được tạo nên từ hạt cà phê và cách pha chế khác biệt

Theo các chuyên gia pha chế, loại hạt cà phê được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam nói chung cũng như trong pha chế cà phê sữa đá nói riêng là hạt Robusta. Nó còn thường được gọi là cà phê vối. Trên thế giới, loại cà phê này chiếm 1/3 sản lượng, tuy nhiên được dùng ít hơn hạt cà phê Arabica. 

Chính loại hạt này đã tạo ra sự đậm đặc trong cà phê ở Việt Nam. Hạt Robusta có hàm lượng caffein khoảng 1,8 - 3,5%. Đây là con số vượt gần gấp 2 lần so với ở Arabica, chỉ là 0,9 - 1,7%. Hạt Robusta cũng là loại hạt cà phê có lượng caffein cao thứ 2 trên thế giới, xếp sau hạt Culi Robusta.

Khách Tây nhận xét chung một điểm về cà phê sữa đá Việt Nam, khiến không phải ai cũng uống được nó - Ảnh 7.

Loại hạt cà phê thường được sử dụng ở Việt Nam và dùng trong pha cà phê sữa đá là hạt Robusta, thay vì hạt Arabica như đa phần các quốc gia khác.

Các chuyên gia cũng nói thêm, phong cách pha chế cà phê cũng có thể ảnh hưởng và tác động đến hàm lượng caffein trong tách cà phê mà bạn thưởng thức. Một ly cà phê sữa đá ở Việt Nam sẽ được pha bằng cách cho bột cà phê vào vật dụng tên là phin, sau đó đổ nước nóng vào, rồi đợi cho cà phê từ từ nhỏ giọt xuống bên dưới. Cuối cùng là trộn thêm sữa đặc và đá vào, dùng thìa khuất đều và thưởng thức.

Một số thí nghiệm đã chỉ ra, phương pháp pha chế ngầm dần và nhỏ giọt như các pha phin trên giúp tạo ra hàm lượng caffein cao nhất. Thông thường, một ly cà phê 150ml pha phin có thể chứa từ 100 - 140mg caffein, trong khi đó đối với một shot Espresso chỉ là 80 - 100mg caffein. 

Dù có vị đắng, đậm đặc, song vị ngọt từ sữa đặc đã giúp tổng thể chung của món đồ ăn này được dung hòa. 

Khách Tây nhận xét chung một điểm về cà phê sữa đá Việt Nam, khiến không phải ai cũng uống được nó - Ảnh 8.

Cách pha cà phê bằng phin giúp hương vị của cà phê đậm hơn so với các cách pha khác.

Robynne Trueman, cây bút của tạp chí du lịch của Canada, The Travel nhận định, cà phê ở Việt Nam là thức uống hoàn hảo cho những ngày hè nóng bức. Người Việt uống cà phê sữa đá không chỉ để bắt đầu một ngày mới, mà còn có thể uống vào các thời điểm khác trong ngày như buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, thậm chí là ban đêm.

Bên cạnh cà phê sữa đá, một trải nghiệm cà phê khác cũng rất được du khách nước ngoài yêu thích và mong muốn được thử khi tới Việt Nam, đó chính là cà phê trứng. Thức uống là sự kết hợp của sốt kem trứng, được làm bằng cách trộn lòng đỏ trứng với sữa đặc, tạo thành bọt béo ngậy, bên dưới là cà phê. 

Khách Tây nhận xét chung một điểm về cà phê sữa đá Việt Nam, khiến không phải ai cũng uống được nó - Ảnh 9.

Cà phê trứng cũng là món nhiều du khách nước ngoài muốn thử khi tới Việt Nam.

Chia sẻ