Khách sạn phố cổ Hà Nội mở cửa 'cho có hơi người', giá rẻ hơn nhà nghỉ
Sau thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19, hiện một số khách sạn ở khu vực phố cổ Hà Nội đã mở cửa trở lại nhưng chủ yếu chỉ để 'cho có hơi người' bởi công suất thuê hiện chưa đến 10%, giá phòng giảm sốc từ 50-70%.
Mặc dù các lĩnh vực của nền kinh tế đã thiết lập trạng thái “bình thường mới” khi dịch bệnh Covid-19 đã dần được đẩy lùi, nhưng với ngành khách sạn, dường như mọi hoạt động vẫn tiếp tục đóng băng.
Tại Hà Nội, khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung hàng trăm khách sạn lớn nhỏ trước đây là nơi lưu trú của khách du lịch quốc tế, nay hầu hết vẫn tiếp tục đóng cửa hoặc số ít hoạt động cầm chừng.
Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về số khách sạn phải đóng cửa vĩnh viễn, nhưng đã có những khách sạn được rao bán. Bên cạnh đó, một số khách sạn được chủ nhà mời thuê do người thuê cũ đã không thể gượng dậy nỗi sau cơn "bão" Covid-19.
Do đặc thù của lĩnh vực khách sạn phố cổ, hầu hết các khách sạn được thuê lại từ nhà riêng, sau đó đầu tư cơ sở vật chất trị giá hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng để kinh doanh dịch vụ lưu trú. Những ông chủ khách sạn này không thể ngờ có ngày rơi vào cảnh trắng tay.
Mô hình kinh doanh này diễn ra phổ biến trên thị trường. Nhiều trường hợp đầu tư số vốn rất lớn về cơ sở vật chất, tiền thuê nhà, tiền đặt cọc với số tiền đầu tư từ 20-30 tỷ đồng, nhưng mới chỉ khai thác được vài tháng thì gặp dịch bệnh Covid-19. Một số người may mắn được chủ nhà thông cảm hỗ trợ 50% tiền thuê mặt bằng, nhưng cũng có không ít trường hợp không đạt được thỏa thuận từ chủ nhà nên đành bỏ cuộc, đồng nghĩa với bỏ luôn số tiền đặt cọc trước đó.
“Hàng chục năm phấn đấu mới tích cóp được 10 tỷ đồng, giờ đây trắng tay sau khi đã đầu tư toàn bộ vốn liếng vào khách sạn. Đành phải bỏ cuộc để cắt lỗ sau khi cân nhắc thiệt hơn,” một chủ khách sạn mini cay đắng chia sẻ với PV.
Theo khảo sát tại các khách sạn thuộc khu vực phố cổ Hà Nội, chỉ chưa đầy 10% số khách sạn mở cửa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các khách sạn này chủ yếu phục vụ khách trong nước khi ngành du lịch vẫn chưa thể mở cửa đón du khách nước ngoài.
Nói về con số “đau thương” này, ông Nguyễn Văn Tuấn – Quản lý Khách sạn Gia Thịnh, số 19 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm – cho biết đã mấy tháng nay khách sạn này mới được tiếp đón một khách người nước ngoài. Mặc dù mới mở cửa trở lại nhưng mục tiêu trước mắt là chỉ “vợt” khách trong nước đi du lịch hoặc công tác với công suất phòng hiện chỉ đạt 10%.
Thậm chí, để tạo nguồn thu trước mắt, khách sạn đã phải giảm giá cực sốc chưa từng có: chỉ 250.000 đồng/phòng, một mức giá còn thấp hơn nhiều so với giá thuê phòng tại hệ thống các nhà nghỉ trên mức bình dân ở Hà Nội.
“Con số khách sạn phải đóng cửa và chuyển đổi sang kinh doanh ngành nghề khác là có, nhưng hiện giờ chưa cố số lượng chính xác vì hầu hết các khách sạn vẫn đóng cửa” – ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay. “Mức giá phòng hiện tại còn tùy thuộc theo tiêu chuẩn của từng khách sạn, nhưng nhìn chung là giảm trên 50% so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát”.
Thậm chí, theo chia sẻ từ ông Nguyễn Văn Lục – Phó quản lý khách sạn La Siesta, một khách sạn thuộc tập đoàn EHG, số 27 Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – mức giá thuê phòng tại các khách sạn trong khu vực đã giảm từ 50% đến 70% tùy từng khách sạn.
“Chưa rõ số khách sạn phải đóng cửa hẳn, nhưng nhiều chủ thuê kinh doanh khách sạn phải phá sản. Một số khách sạn mở cửa trở lại cốt chỉ để cho có hơi người với công suất chưa đến 10%. Từ 1/6 các chuyến bay nội địa hoạt động trở lại bình thường nên chúng tôi kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn” – ông Nguyễn Văn Lục cho biết.
Trước đó, vào hồi tháng 3/2020, khách sạn La Siesta, nơi ông Lục làm quản lý, từng được biết đến là nơi cách ly hai du khách người Anh, sau khi cặp vợ chồng người Anh này nhập cảnh vào Việt Nam cùng chuyến bay VN-0054 từ London (Anh) với bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 17 ngày 2/3 mà Infonet đã có bài viết "Giúp hai du khách người Anh tự cách ly xong, khách sạn ngậm ngùi đóng cửa" trước đó.
Mặc dù mở cửa trở lại từ giữa tháng 5, nhưng khách sạn La Siesta Hàng Bè vẫn chỉ hoạt động cầm chừng khi hoạt động chủ yếu đến từ Sky Bar (quán bar trên tầng thượng).
“Cuộc chơi” Sky Bar được các khách sạn quanh hồ Hoàn Kiếm đầu tư rầm rộ trong vài năm gần đây, trong đó tập đoàn EHG được cho là người châm ngòi cho cuộc đua còn khá mới mẻ này.
Tuy nhiên, vào thời điểm này các “tay chơi” trong cuộc đua Sky Bar cũng chỉ hy vọng vào nguồn khách từ các tuyến phố đi bộ vào dịp cuối tuần. Thậm chí, như trường hợp của Lighthouse Sky Bar cũng đã phải thay đổi toàn bộ menu và giảm 40% giá bán các thức uống sao cho phù hợp với khách hàng là người Việt.
Theo Nghị quyết 79/NQ-CP của Chính phủ về danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử, danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, có hiệu lực từ ngày 01/07 tới, Chính phủ quyết nghị danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 80 nước.
Tuy nhiên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết nghị quyết 79/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành là để cụ thể hóa Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ 1/7/2020. Điều này có nghĩa việc mở lại các chuyến bay cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam sẽ chỉ được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ trong từng giai đoạn của diễn biến dịch bệnh Covid-19.
Thậm chí việc mở cửa trở lại đối với thị trường khách du lịch quốc tế không đồng nhất với việc khách quốc tế đã sẵn sàng “xách ba lô lên và đi” trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn trên thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 175.000 tỷ đồng, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%).
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, tâm lý người dân đã bớt lo ngại, tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm mạnh do học sinh bắt đầu quay trở lại trường học, nhu cầu du lịch hè của các gia đình vào thời điểm này chưa cao Sụt giảm mạnh nhất vẫn là mảng du lịch lữ hành, khi doanh thu 5 tháng đầu năm ước tính đạt 8.300 tỷ đồng, giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,7%) do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và du lịch nội địa chưa trở lại mạnh mẽ như cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 6, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục khi dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát và các hoạt động giao thương trong nước đã trở lại bình thường gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, sẽ chưa thể kỳ vọng có thể đạt được trở lại như mức trước dịch vì Việt Nam vẫn chưa thể đón thêm các du khách nước ngoài. Du lịch nội địa cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng tới, đặc biệt là nhóm khách hàng không thể du lịch quốc tế sẽ chuyển sang du lịch nội địa.