Kẹt ở Campuchia vì dịch, cô gái trẻ mê luôn "thiên đường secondhand" nước bạn, ngày nào cũng "lê la" 3 khu chợ cho thỏa đam mê
Rất nhiều lô hàng thùng chất lượng của Việt Nam được nhập về từ Campuchia, chả thế mà chị Nguyễn Hằng mới ghé lần đầu đã mê đến thế.
Hàng thùng từ lâu đã là sở thích và đam mê của rất nhiều chị em. Không chỉ tìm kiếm các mặt hàng ở trong nước, nhiều chị em còn lục tìm cả hàng thùng ở nước ngoài bởi nguồn hàng đa dạng mà chất lượng khỏi chê.
Đến Campuchia vì công việc nhưng vô tình kẹt lại do dịch, chị Nguyễn Thị Hằng (33 tuổi, Hà Nội) lại cho đây là một sự may mắn. "Mình cũng mới tìm hiểu về hàng thùng từ trước Tết, chủ yếu qua các group và cách phối đồ của mọi người.
Mình rất thích những món đồ cũ cũ có ý nghĩa thế nên rất háo hức tìm hiểu thêm sâu về hàng thùng. Nhưng ở Việt Nam, mình lại chưa từng mua bất cứ món hàng thùng hay đi chợ secondhand nào cả vì quá bận rộn. Tranh thủ cơ hội này mình đã ghé ngay chợ ở Campuchia vì cũng nghe mọi người rỉ tai từ lâu đây chính là "cha đẻ" của rất nhiều chuyến hàng si về Việt Nam", chị Hằng chia sẻ.
Đi 3 chợ hàng thùng ngay giữa lòng thành phố Phnom Penh
Vì kẹt từ tháng 3, chị Hằng có thời gian tìm hiểu khá kĩ về các chợ hàng thùng nước bạn. Chợ chủ yếu nằm ở thành phố Phnom Penh, cách nơi chị sống tới 4-5 tiếng đi lại. Tới tháng trước rảnh rỗi, chị mới sắp xếp thời gian ghé thủ đô để đi cho biết.
"Mình ghé 3 chợ si ở Phnom Penh là: Orussey, Boeung Keng Lang và Olympic. Tuy nhiên ở Olympic thì tìm mãi hỏi mãi không ai chỉ đúng chỗ khu bán đồ secondhand. Vì chợ rất rộng, không phải cả chợ bán hàng thùng mà chỉ một khu mà thôi. Thế là cuối cùng mình đành mò ra một vài shop hàng thùng nam ở khu ngoài chợ", chị Hằng chia sẻ.
Nhìn chung, chợ đồ hàng thùng ở Phnom Penh các chủ cửa hàng buôn bán khá thân thiện, không chặt chém, hỏi han, mặc cả, nói chuyện thoải mái. Chính người Campuchia và khách Tây cũng thích đi chợ hàng thùng và mua nhiều.
Chủ yếu khách sẽ dùng tiếng Anh nói chuyện, mặc cả khi mua bán. Đại bộ phận người bán hàng đều biết dùng tiếng Anh, buôn bán khá nhiệt tình, hiền lành.
Người bán hàng ở các chợ hàng thùng ở Campuchia đều nhiệt tình, hiền lành và thân thiện.
Điều đặc biệt chợ hàng thùng của Campuchia
Các sạp hàng thùng ở đây người ta sẽ ngồi theo khu, bày biện giống như kios bán đồ thời trang bình thường của Việt Nam vậy. Phân khu hàng đổ đống chủ yếu là các loại áo, váy mỏng. Hàng treo sào sẽ đủ thương hiệu, từ châu Á cho tới châu Âu. Đồ trông khá mới mẻ, ít mùi, vẫn nhăn nheo cũ kỹ nhưng sờ chất thấy rất ưng.
Giá đồ hàng thùng ở bên Campuchia cực rẻ. Hàng đổ đống dưới sạp thì chỉ 1 đô la/chiếc (23.000 đồng). Những món đồ treo sào thì giá sẽ cao hơn, từ 2 - 5 đô la/chiếc (47 - 116.000 đồng/chiếc). Áo khoác, đồ nhung, jean giá tầm 4 - 5 đô la (93 - 116.000 đồng/chiếc).
Khách thường mua sẽ thường mặc cả bằng cách gộp vài chiếc hoặc bớt giá từ 1 - 1,5 đô la/chiếc (23 - 35.000 đồng/chiếc) thì chủ cửa hàng sẽ đồng ý bán ngay.
Giá bán các món đồ khá rẻ.
Theo chị Hằng quan sát, chợ Boeung Keng Kang có nhiều hàng thùng nam khá đẹp, đa dạng. Orussey và Boeung Keng Kang đều có đủ từ quần áo tới giày dép, túi ví. Chị Hằng cũng nghe mọi người mê hàng thùng gợi ý, Central Market cũng có đồ hàng thùng chất lượng và Russian Market thì đồ khá mới, giá cũng ổn. Chủ yếu phụ kiện vòng, thời trang họa tiết hoa văn kiểu Nga.
Nếu bạn ghé chợ Orussey, muốn tìm khu hàng thùng thì nên đi từ cổng sau lên tầng 2 vào là tới. Đi cổng chính (mặt có chữ) thì phải đi ngược lại về phía sau mới gặp đúng khu bán đồ, mà mất thời gian. Hằng thích nhất ở khu chợ Orussey là nơi này có khu thợ sửa đồ tại chợ luôn. Thêm khuy, cúc, rộng, hẹp đều sửa luôn tại đây.
"Lần đầu đi chợ secondhand của Campuchia, mình xách tới 18 món với tổng 38 đô la (khoảng 881.000 đồng) sau hơn 3 tiếng tìm mua. Cảm giác thực sự rất sướng, như bắt được vàng. Sướng hơn cả mua đồ mới ấy", chị Hằng chia sẻ.
Còn chợ Central Market sẽ là đích tới tiếp theo của chị Hằng trong thời gian tới, bởi chị "chính thức" bị mê đồ secondhand của Campuchia mất rồi.
Ảnh: NVCC