Kết hôn rồi vẫn... độc thân

,
Chia sẻ

Mười chiều đủ chục, cứ tới giờ ăn là Hà, quận Tân Phú – TPHCM, lại mang tô cơm sang phòng trọ kế bên, vừa ăn vừa xem tivi, có khi ngồi nói dóc cả buổi.

Nhà cũng có tivi, cũng có thể vừa ăn vừa xem, nhưng cô nói ở nhà một mình buồn lắm.

Cô vẫn nhớ bữa cơm gia đình của mình ngày chưa lấy chồng: đầm ấm, vui vẻ, tràn đầy tình yêu thương của mỗi người dành cho nhau. Mẹ cô vẫn thường dạy con gái là phải biết giữ bếp lửa nhà mình cho ấm, biết nấu cơm ngon và giỏi việc nhà thì may ra mới giữ được hạnh phúc gia đình.

Nhưng, cô lấy chồng đã hơn một năm, nhiều chuyện đã trải với những khía cạnh tốt xấu. Riêng mỗi việc giữ chồng ăn cơm nhà là “vô kế khả thi”. Nhớ hồi còn sinh viên, học khác trường nhưng họ đi đâu cũng có nhau, thế mà cưới nhau được ít lâu thì “đường ai nấy đi” vì vợ làm một nơi chồng làm một nẻo, xe máy mỗi người một chiếc, đến giờ mạnh ai nấy đi làm.

Họ chưa có con, cũng còn chịu cảnh ở nhà thuê nên tranh thủ “cày” được thêm lúc nào hay lúc ấy. Thường thường buổi chiều Hà về nhà trước, lo cơm nước xong rồi ngồi chờ chồng. Mà chồng cô thì với vị trí trưởng bộ phậnmarketing của một công ty, thường về nhà sau 22 giờ. Thế là, hai vợ chồng đành phá bỏ quy tắc cơm chung mà mạnh ai nấy ăn.
 

Ảnh: PNO

 
T. Quý, đang công tác tại một công ty truyền thông, cũng không khá gì hơn. Thông thường cô về tới nhà cũng đã 20 -21 giờ, nếu bữa nào hẹn tiếp khách nữa thì về nhà còn khuya hơn. Anh chồng không những không làm khó dễ mà còn động viên vợ... đi nhiều để mình cũng có thời gian vắng nhà như vậy.
 
Đôi khi, anh về sớm, nhìn cái tủ lạnh đầy ắp thức ăn, cũng hứng chí xắn tay áo lên làm vài món chờ vợ về cùng thưởng thức, gây bất ngờ, nhưng khi vợ về nhà với vẻ mệt mỏi, anh tự nhủ, thôi đừng mất công mất sức “chế biến” làm gì, hoặc ra phố ăn nhẹ hoặc ngủ lấy sức ngày mai đi “cày”.
 
Hầu hết các bà mẹ trẻ sau thời gian nghỉ hộ sản đều gửi thiên thần bé nhỏ vào nhà trẻ hay giao lại cho người giúp việc để trở lại đi làm. Vợ chồng Khoa, người làm cho một công ty thời trang, người làm cho một công ty du lịch – may mắn hơn nhờ có bà ngoại ở quê nhận lời chăm sóc cháu.
 
Toàn là “chân chạy” nên ngay khi mới có bầu, Khoa đã về nhờ ông bà ngoại ở quê lo giúp chuyện trông cháu. Cũng may, bà nhận lời vì mới nghỉ hưu. Thế là, đẻ con xong, hai vợ chồng gửi ngay con về quê. Không vướng bận chuyện con cái, họ vẫn sống với nhau như khi còn độc thân, ai thích đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Cuối tuần, họ lại rủ nhau về quê thăm con, như đi... đổi gió. Tuy thấy là “khỏe” trăm bề, nhưng mẹ Khoa cũng cảnh báo: “Liệu mà coi lại mình. Hai đứa đi nhiều quá, mái nhà còn lạnh lẽo hơn nơi ở trọ”.
 
Để bếp nhà đỏ lửa

Thật ra, ngoài những người bận rộn thực sự do điều kiện nghiệt ngã của công việc, còn không ít chủ gia đình trẻ vẫn còn quen lối sống thời độc thân nên sau giờ làm việc tiếp tục la cà quán xá. Là kỹ sư xây dựng, công việc không quá nhiều song Trần vẫn lấy cớ công việc để tụ tập bạn bè.

Ngày nào cũng vậy, cứ tầm mười một, mười hai giờ khuya mới về. Còn Vân, nhân viên tiếp thị một công ty lớn lại mất từ 2 – 3 giờ mỗi ngày cho việc lựa trang phục, kiểu tóc, săn sóc sắc đẹp...  Hỏi tới, Vân phân bua: “Trời ơi, công việc của mình là “bộ mặt” cho công ty.

Không lo làm đẹp cho mình để đứa khác nó tranh mất chỗ thì đói à!”. Do vậy, vợ chồng họ hầu như rất ít khi dành thời gian cho nhau, mỗi người lo chạy theo công việc, sở thích của mình như hồi chưa cưới nên nếu có sự ràng buộc nào đó về mặt thời gian, trách nhiệm họ cảm thấy rất khó chịu.

Đó là chưa kể, có nhiều cô ỷ lại nhà mình đã có bà nội, bà ngoại ở nhà lo cho con cái nên đi chơi “thả dàn” còn hơn thời con gái. Trong một tỉ lý do để các cô về nhà muộn, ít nhất sẽ có lý do nghe ra rất hợp lý “đi làm vì con”! Phải đi làm thêm chỗ này, phải đi nhận hàng chỗ khác... và cứ thế, họ xa dần tổ ấm của mình, biến nhà mình thành “tổ lạnh” và con cái họ lớn lên chắc chắn cũng không thể có khái niệm “mái nhà chung”.

Có nhiều giải pháp để xốc dậy một gia đình lạnh lẽo, trong đó, người phụ nữ hơi... thiệt một chút vì luôn phải làm việc bằng hai: việc nhà, việc công sở. Xong việc cơ quan, nhiều chị em đã phải ra chợ để kịp về có nồi cơm dẻo, bát canh ngon đợi chồng. Nếu anh chồng cũng kịp ý thức “gia đình là của chung”, để bớt việc ở ngoài xã hội mà lo chung tay với vợ lo việc nhà thì lửa trong bếp và trong lòng nhau sẽ còn cháy mãi.
 
Theo PhunuOnline
Chia sẻ