Kết hôn càng sớm, ly dị càng nhanh
Trong tổng số vụ ly hôn hàng năm, chiếm 60% thuộc về các gia đình trẻ-độ tuổi vợ chồng chỉ từ 23-30 tuổi. Trong đó 70% ly hôn khi mới kết hôn chỉ từ 1 đến 7 năm và hầu hết đã có con...
Đó là do quan niệm sống. Chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh tuyệt đẹp trên các tạp chí, những chương trình dạy nấu ăn hấp dẫn, những ngôi nhà hoàn hảo và cuộc sống lý tưởng trên các chương trình TV … Điều đó đã “đánh lừa” những bạn trẻ độ tuổi 20, họ cảm thấy cuộc sống toàn màu hồng và hăm hở đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên cuộc sống gia đình của riêng mình từ khi còn rất trẻ.
Nhưng vấn đề là ở chỗ khi bắt đầu đi làm, có nhiều cơ hội hơn người ta sẽ nhận ra sự thay đổi, và những ưu tiên trong cuộc sống cũng thay đổi. Khi trưởng thành hơn, bạn sẽ ngày càng hiểu những nhu cầu của bản thân và nỗ lực hơn. Bạn sẽ thấy mọi người luôn “phát triển” theo những cách khác nhau.
Những người kết hôn muộn hơn thường ít ly dị, một phần là vì họ biết cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định. Khi còn trẻ, một cô gái thường đặt ra các tiêu chuẩn cho người bạn trai của mình mà ít tìm hiểu xem con người thực sự của nửa kia như thế nào.
Hiện nay, độ tuổi kết hôn (lần đầu) trung bình của nam là 31 và nữ là 29, tức là số cặp vợ chồng "trẻ con" đã có vẻ giảm thế nhưng còn vô số những nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”.
Vợ chồng Khánh – Hòa là một ví dụ. Hẹn hò được 4 năm thì hai người đi đến hôn nhân khi Hòa 28 tuổi, vì Khánh tìm được một công việc tốt hơn tại một ngân hàng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh nên Hòa quyết định từ bỏ việc làm thư ký, rời tỉnh lẻ theo chồng. Nhưng ở nơi phồn hoa này cô chỉ tìm được công việc bán hàng tại siêu thị với thu nhập ít ỏi. Hơn nữa ở đây, không bạn bè và người thân, từ một người độc lập cô phải phụ thuộc vào chồng về mọi mặt.
Và vợ chồng cô không những không gắn bó hơn mà còn dần trở nên xa cách. Cùng với áp lực công việc, Khánh bắt đầu cáu kỉnh với vợ và điên đầu vì phải xoay xở với cảnh túng quẫn. Thậm chí họ đã nhờ đến sự hòa giải của các chuyên gia tâm lý nhưng cuối cùng cũng không cứu vãn được. Kết quả là sau hai năm chung sống, Khánh và Hòa đã ly dị
Sự tự do và những quan niệm sống hiện đại đã cho cả nam giới và phụ nữ có những cái nhìn mới về hôn nhân. Họ không còn bị trói buộc vào nhau và phải chịu đựng sự phụ thuộc suốt cả cuộc đời.
Một vấn đề nữa đặt ra là những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn, chúng lớn lên, lấy chồng lấy vợ và lại … ly hôn. Đó là một thực tế. Dù chúng có tin vào hôn nhân hạnh phúc hay không thì quá khứ từ bố mẹ đã để lại ấn tượng trong đầu con cái rằng: Kết hôn là một sai lầm.
Một khi cuộc sống của bố mẹ, những hình mẫu lớn nhất trong cuộc đời trẻ, rơi vào khủng hoảng rồi đổ vỡ thì sự e ngại hôn nhân tự nhiên sẽ xuất hiện trong tiềm thức của chúng.
Tuy nhiên, khác xa so với trước đây, việc ly dị đã “dễ dàng” hơn. Một cặp vợ chồng muốn chia tay không còn phải chịu quá nhiều áp lực từ trong nội bộ, gia đình hai bên và từ xã hội. Giờ đây, họ có thể bỏ ngoài tai tất cả để tìm cho mình con đường riêng khi thấy cuộc hôn nhân không thể đem lại hạnh phúc.
Dù con cái có thể bị ảnh hưởng bởi cha mẹ ly hôn nhưng không vì thế mà ly dị là điều gì đó xấu xa, tội lỗi và rằng bạn nên cố gắng tránh “đổ vỡ”, vì muốn con có bố có mẹ mà tiếp tục duy trì dù hôn nhân đã trở thành “địa ngục” nặng nề.