Kéo chồng cùng chăm con từ lúc mang bầu

,
Chia sẻ

Đứa bạn gọi điện thì thầm: “Hoang mang thật. Cái Trâm đang có bầu mà cứ gào lên: Khổ quá! Biết thế chẳng lấy chồng, sau kiếm đứa con cho đỡ cô quạnh tuổi già còn hơn”.

Tôi chẹp miệng, đùa: “Câu này nghe quen quá, rốt cuộc có mấy đứa ở vậy đâu trừ ô mai xấu cuối lọ, hàng tồn kho lại bị lạc chìa khóa”.

Đứa bạn hấp tấp: “Thì thế mới sinh ra cú điện thoại hôm nay gọi cho cậu để học hỏi. Sao lấy chồng, đã có con lớn tướng mà vẫn tươi tỉnh thế, không bí xị như mấy đứa tôi biết? Nghe tin, hồi cậu có chửa, ông xã cậu tâm lý‎ giành làm hết việc nhà à?”.

“Ừ, khi ấy đi làm về, thở còn chẳng ra hơi, làm được gì nữa, nên chỉ ngồi vắt chân chữ ngũ, đọc sách, ăn xong, nằm kê cao chân ngủ cho ngon. Với lại, phụ nữ nên ưu tiên và yêu chiều bản thân mình một tý, cứ để chồng làm thì họ mới hiểu được vất vả từ những việc vặt gia đình”.

“Nhưng cậu cũng phải thế nào thì lão‎ mới thế chứ?”.

“Bí kíp gì đâu, chắc là do tính mỗi ông chồng thôi. À, có chuyện này, chả biết hữu ích không, vì một lần tôi hài hước, lấy giọng vui vẻ, gợi ý với chồng: “Bụng khá vướng rồi, ngồi rửa bát cứ phải cúi, vừa mỏi lưng, tức bụng lại tê chân do máu dồn xuống. Em chỉ có niềm mong ước nhỏ là có cái bồn rửa bát để có thể đứng rửa, hay anh một hông kẹp cái chậu rửa bát, một hông mang cái mâm để em được đứng rửa thì tốt quá. Hoặc, sẵn cái dây chun to, anh cuốn quanh người cái nồi này, để em chất thêm hai cân Su su vào nữa cho bằng trọng lượng cái bụng bầu hiện tại, anh sẽ cảm nhận được hương vị mang bầu mà phải ngồi rửa bát ngay”. 

 

Dùng từ ngữ gợi hình ảnh, các đồng chí ấy sẽ liên tưởng được ngay mà. Đêm ấy nghe nói “xã” mơ thấy ác mộng. Từ đó, điềm nhiên như không, ăn xong tự giác bưng mâm bát đi rửa.

Nếu cần sâu xa hơn thì đại khái thế này, gọi là kinh nghiệm cũng được, xin nêu ra đây để chị em mình lưu ý, tự tìm phương án tối ưu. ‎

Mọi việc thay đổi rất nhiều khi đứa con chào đời, kể cả lúc người vợ mang bầu cũng đã có biến chuyển rồi, nếu vừa mới cưới đã phải tiếp nhận thêm một cái mới nữa sẽ khiến nhiều người hụt hẫng, chưa kịp thích nghi, dễ sinh ra những xung đột.

Nên điều khá quan trọng đó là thời điểm mang thai. Nếu có thể, hãy kiên nhẫn chờ khi nào chồng sốt sắng giục và thực sự muốn có con, thì hãy tiến hành, lời khuyên hết sức nghiêm túc và chân thành đấy!

Quan trọng là chồng thích hay không, còn người ngoài nói, kệ người ta, chỉ mình mới biết thế nào là thuận lợi, hợp lý với hoàn cảnh của mình nhất. Có những ông bố chưa thích trẻ con, họ gần như bị dồn ép vào cái trách nhiệm vô hình, hẳn sẽ khó chịu. Hơn hết, nên khiến cho họ thoái mái để cảm nhận được niềm vui làm bố trước khi được quàng cái ách có thể bị coi là gánh nặng. Tôi từng chứng kiến vài ông cù nhầy, lên giọng tuyên bố: “Sai thì sửa, chửa thì đẻ. Nhưng ai đẻ người đó nuôi đấy!”.
 

Có người không “to còi” vậy nhưng âm thầm chống đối bằng cách chẳng ở bên vỗ về khi vợ cần, chẳng đỡ đần việc nhà khiến bà bầu đã tủi thân lại càng thêm ấm ức, buồn khổ. Vì thế, tội gì mà phải tự mua dây buộc cổ. Nuôi dạy con rất cần sự đồng lòng, chung sức của cả hai vợ chồng.

Tình phụ tử trừu tượng và khó cảm nhận hơn tình mẫu tử. Người phụ nữ mang nặng chín tháng ròng, yêu thương giọt máu của mình từ những ngày trứng nước, thai nghén đầu tiên. Còn người đàn ông, họ vẫn ngơ ngác chưa hiểu gì, phải từ từ, dần dần mới giúp sợi dây liên kết tình cha con bền chặt, điều đó tùy thuộc khá nhiều vào người mẹ có biết lôi kéo, dẫn dụ để chồng thông cảm và chia sẻ được phần nào niềm vui cũng như những nhọc nhằn khi mang bầu, sinh con hay không.
 
Theo Dân trí
Chia sẻ