Kênh cạn khô, người miền Tây đội nắng trông ngóng từng can nước sạch: “Mọi người từ xa mang nước đến cho, quý lắm!”
Một số địa bàn thuộc tỉnh Bến Tre, Tiền Giang,… đang rơi vào cao điểm hạn mặn, các cống buộc phải đóng ngăn mặn, nước trên kênh rạch cũng trở nên khô cạn. Bà con nơi đây phải gồng mình cả ngày chở từng can nước về nhà sinh hoạt.
Hình ảnh miền Tây từ xưa đến nay luôn gắn liền với những con sông hồ, kênh rạch. Nhưng 10 năm gần đây, trải qua 2 lần hạn mặn kỷ lục vào năm 2016 và 2020 đã khiến cuộc sống người dân lao đao. Vào năm 2024 này, người dân lại một lần nữa rơi vào cảnh "nước sạch còn đắt hơn tiền". Nước trở thành thứ đắt đỏ, xa xỉ nhất đối với bà con miền Tây.
Người dân phải sử dụng nước sạch tiết kiệm từng chút, giặt đồ phải giặt trước bằng nước mặn "chát" sau đó mới giặt lại bằng ít nước sạch. Đến nấu cơm cũng phải vo gạo bằng nước máy mặn. Nước vo cuối cùng họ mới dám dùng gáo nước mưa còn sót lại dưới đáy lu. Đó là tình trạng chung của người dân khu vực Gò Công Đông, Tiền Giang trong mỗi mùa hạn mặn.
Từ xưa đến nay, nước ngọt của bà con ở đây chủ yếu đến từ việc trữ nước mưa, còn nước sinh hoạt là lóng phèn từ nước mặt các kênh rạch quanh nhà. Suốt nhiều tháng không có mưa, lu bồn chứa nước đã cạn kiệt, kênh hồ cũng trở nên khô cạn khiến bà con rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Suốt thời gian đó, dọc các tuyến đường dẫn vào các xã Tân Phước, Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang),…lúc nào cũng có hình ảnh người dân dân chạy xe máy, xe đạp đứng chờ sẵn tại các trạm cho nước miễn phí. Họ chất những can nhựa loại lớn ở 2 bên hông xe, trước xe thì cố níu thêm vài can nước nhỏ.
Người phụ nữ ngoài 60 tuổi lọ mọ tháo hai can nhựa lớn trên chiếc xe đạp điện xuống, cô Quyền (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông) vội đem đến bồn nước lớn của xe từ thiện.
Chờ đến lượt, cô Quyền hứng đầy cả 2 can, cẩn thận kéo lại gần xe của mình. Sau đó, cô lại cố sức chất nước lên xe cột lại. Nhưng vì sức phụ nữ không nổi, cộng thêm lớn tuổi cô Quyền buộc phải cầu cứu những người đàn ông bên cạnh. Cứ thế suốt hơn 2 tuần qua, người phụ nữ này đều đặn mỗi ngày đi đến các nơi có nước miễn phí, hứng nước về nhà sinh hoạt.
"Trước giờ sử dụng nước kênh, nay nó cạn rồi, nhà nào cũng không có nước hết. Nhà tôi có 4 người, mỗi ngày phải sử dụng tiết kiệm 8 can mới đủ. Mấy nay nhờ có các xe nước miễn phí này, chứ không có cũng không biết phải làm thế nào", cô Quyền nói.
Cũng hoàn cảnh trên, hay tin có xe nước miễn phí dừng tại ấp, chú Gấm (xã Tân Phước, huyện Gò Công Tây) lật đật lấy chiếc xe chở loa nhạc sống của mình, chất những can nước lên. Đường từ nhà chú Gấm ra đến nơi có nước cũng không dễ dàng, con đường xi- măng nhỏ, ở xa tít bên trong hẻm.
Vì hiểu được sự khó khăn trong mỗi lần chở, chú Gấm cũng nhận chở giúp những hộ gia đình có người già bên trong hẻm của mình.
"Mọi người ở xa mang nước đến đây giúp, tôi quý lắm. Nhà tôi có chiếc xe chở hàng nhạc sống nay cũng sẵn lấy chở nước cho nhà và bà con hàng xóm cùng sử dụng", chú Gấm nói.
Đứng bên canh chú Gấm chờ đến lượt, Cô Thương cho biết, thường ngày nước sinh hoạt của gia đình đều phụ thuộc vào dòng kênh. Nay kênh cạn nước, gia đình cũng không có nước sinh hoạt.
Cô vốn làm nghề may gia công tại nhà, còn chồng thì đi ghe, con cái cũng đi làm. Ban ngày cô Thương tranh thủ đi chở nước cho cả nhà sinh hoạt, ban đêm thì thức trắng may đồ để kịp giao cho khách.
"Nhà tôi phải sử dụng 6 can nước mới đủ sinh hoạt. Nghe có nước tôi đi chở liền, mừng khỏi ăn cơm luôn", cô Thương vừa nói vừa rồ ga chở hai can nước về nhà.
Trước tình hình này, các Uỷ ban nhân dân xã thuộc huyện Gò Công Đông cũng đã trang bị các trạm nước công cộng cho người dân. Ngoài ra, năm nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện từ TPHCM, TP Mỹ Tho, Long An,… xuống hỗ trợ nước cho bà con bằng các xe bồn lớn.