Kem trắng da "tiếp tay" cho chủ nghĩa phân biệt màu da tại Ấn Độ
Tại Ấn Độ, nỗi ám ảnh về một làn da trắng đã khiến nhiều phụ nữ dùng mỹ phẩm từ khi còn nhỏ. Họ vô tình trở thành nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt màu da.
Dù đã 29 tuổi, chị Seema vẫn luôn ám ảnh về tuổi thơ bị chế giễu và bắt nạt, chỉ vì chị có một làn da tối màu hơn mọi người. Đó là lý do chị đã sử dụng kem làm trắng da từ khi mới 14 tuổi. Dù bận rộn công việc đến đâu, không ngày nào chị Seema quên bôi kem, với một hy vọng to lớn rằng, ngày nào đó, với làn da sáng hơn, chị sẽ có cuộc sống tốt hơn.
"Kem làm trắng da luôn được quảng cáo như là những sản phẩm tốt, sẽ giúp tôi có được làn da sáng hơn, giúp có được việc làm hay nhận được lời cầu hôn. Tại Ấn Độ, kem làm trắng da được bán tràn lan ở các cửa hàng tạp hóa, thậm chí là có cả kem làm trắng da cho nam giới", chị Seema - 29 tuổi, người Ấn Độ - nói.
Trong nhiều thế kỷ, người dân Ấn Độ có làn da sẫm màu phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Nguồn: The New York Times
Unilever là ông hoàng trong thị trường kem làm trắng da tại Ấn Độ với dòng sản phẩm "Fair&Lovely" đã kiếm được 500 triệu USD từ doanh số bán hàng ở Ấn Độ trong năm 2019.
Các quảng cáo của những sản phẩm làm trắng da như Fair&Lovely luôn xoáy sâu vào nỗi bất an và sự tự ti của những phụ nữ Ấn Độ. Họ tạo ra những câu chuyện mà trong đó, làn da sẫm màu là một rắc rối trong cuộc sống.
Các cửa hàng tại Ấn Độ luôn chất đầy những sản phẩm làm trắng da như Fair&Lovely. Nguồn: The New York Times
Bà Kavita Krishnan - nhà hoạt động chống lại chủ nghĩa phân biệt màu da ở Ấn Độ - cho rằng: "Quảng cáo của họ khá trực diện khi nói rằng bạn kém hơn những người khác, bạn không xứng đáng được yêu thương, không xứng đáng được nhận công việc, không xứng đáng được tôn trọng nếu bạn có làn da tối màu hơn những người khác".
Tuy nhiên, mọi chuyện đang dần thay đổi, đặc biệt từ sau sự trỗi dậy của làn sóng chống phân biệt chủng tộc Black Lives Matter gần đây, khởi nguồn từ nước Mỹ. Unilever vào cuối tháng 6 đã tuyên bố quyết định loại bỏ từ Fair - nghĩa là "Trắng da" - ra khỏi thương hiệu Fair&Lovely. Hãng mỹ phẩm L'Oreal cũng có động thái tương tự với các sản phẩm làm đẹp của mình.
Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động cho rằng, chỉ xóa con chữ là chưa đủ. Chừng nào những sản phẩm này vẫn còn được bày bán và quảng cáo, chừng đó định kiến về màu da tại Ấn Độ cũng như nhiều nước châu Á khác còn tồn tại.