Kẻ sát hại bố chủ tịch xã có thể bị xử lý thế nào nếu mắc bệnh tâm thần?
Theo quan điểm của luật sư Cường nếu Đào Đức Mạnh mắc bệnh tâm thần thời điểm trước, trong và sau khi sát hại cụ H. thì đối tượng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Sáng 8/9, tại thôn 2, xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã xảy ra vụ án mạng đau lòng khi đối tượng Đào Đức Mạnh (SN 1988, người địa phương) ra tay sát hại cụ Nguyễn Tường H. (SN 1932, hàng xóm gần nhà Mạnh).
Đại tá Đỗ Đình Hào - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, trước khi gây án, Mạnh có nhiều biểu hiện bất thường về thần kinh.
Việc Mạnh gây án nhưng lại có những biểu hiện bất thường về thần kinh có thể phải đối mặt với hình phạt nào của pháp luật là câu hỏi được nhiều người dân đặt ra trong gần 2 ngày qua.
Để giải đáp thắc mắc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Theo Luật sư Cường nếu Đào Đức Mạnh có tiền sử bệnh tâm thần hoặc biểu hiện trầm cảm, thần kinh không ổn định, hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, cơ quan điều tra cần thực hiện các thủ tục để giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Con ngõ dẫn vào khu vực xảy ra vụ án.
Sau đó, Mạnh sẽ được bàn giao cho bệnh viện tâm thần trung ương để kiểm tra sức khỏe, theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định, với sự tham gia của các giám định viên, các bác sĩ tâm thần để xác định mức độ bệnh tật, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của đối tượng.
Kết luận của cơ quan thẩm định sẽ làm căn cứ để giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.
Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy trước, trong và sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội Mạnh đã mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất hoàn toàn khả năng nhận thức điều khiển hành vi thì đối tượng này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Trong trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy Mạnh chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng khi xét xử tòa án sẽ xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt bởi nguyên nhân khách quan tác động đến hành vi của đối tượng.
Còn trường hợp Đào Đức Mạnh thực hiện hành vi do nóng nảy, cục súc hoặc do tự mình sử dụng các chất kích thích như rượu, ma túy dẫn đến ảo giác và thực hiện hành vi phạm tội thì đối tượng vẫn hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi do mình gây ra.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm: Theo quy định của pháp luật thì hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe... của người khác bị xử lý hình sự khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Trong đó có dấu hiệu về mặt chủ thể, chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải có năng lực hành vi dân sự, phải đủ điều kiện về tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình, khi đó mới xác định được lỗi của người vi phạm, làm cơ sở để buộc tội.
Khi một người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì mọi hành vi do người đó thực hiện đều không có lỗi, không thỏa mãn điều kiện dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm.