Kẻ nhẫn tâm phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết ở Hà Nội đối diện mức án nào?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Nguyên nhân vụ hoả hoạn đau lòng xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ nhưng lại gây ra hậu quả rất lớn. Hành vi của đối tượng H. thể hiện sự nhỏ mọn, ích kỷ và bất chấp, coi thường pháp luật.

Tối muộn 18/12, xảy ra vụ cháy lớn tại quán cà phê hát số 258 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội khiến 11 người tử vong.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do phóng hoả. Trong đêm, Công an TP Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan đã xác minh, xác định đối tượng gây án là C.V.H. (51 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội).

Kẻ nhẫn tâm phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết ở Hà Nội đối diện mức án nào?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy quán cà phê số 258 Phạm Văn Đồng.

Tại cơ quan công an, đối tượng H. khai nhận do mâu thuẫn với nhân viên tại đây nên đã mua xăng về châm lửa đốt quán. Sau khi gây án, đối tượng tới Công an phường Cổ Nhuế 2 để đầu thú.

Sáng 19/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Giết người”. Được biết, trước đó C.V.H. đã có 02 tiền án về tội “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”.

Với hành vi phóng hoả gây ra hậu quả nghiêm trọng cùng nhân thân xấu như trên, đối tượng có thể bị áp dụng chế tài xử lý ra sao?

Kẻ nhẫn tâm phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết ở Hà Nội đối diện mức án nào?- Ảnh 2.

Đối tượng C.V.H.

Nhiều tội danh

Theo lời khai ban đầu của C.V.H., nguyên nhân của vụ việc đau lòng xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ nhưng lại gây ra hậu quả rất lớn. Hành vi của đối tượng H. thể hiện sự nhỏ mọn, ích kỷ và bất chấp, coi thường pháp luật. Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi làm chết 11 người và gây thiệt hại lớn về tài sản, nghi phạm cần bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Cơ quan chức năng đã khởi tố C.V.H. với tội danh "Giết người" quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trường hợp một người cố ý phóng hỏa đốt nhà người khác thì có thể bị truy cứu thêm “Tội huỷ hoại tài sản” quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể, trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi đốt nhà tước đoạt tính mạng nhiều người, hoặc chỉ vì lý do ghen tuông, mâu thuẫn, níu kéo tình cảm,… thì bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng như “Giết 02 người trở lên; Phạm tội vì động cơ đê hèn; Giết người dưới 16 tuổi; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định khung hình phạt là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Kẻ nhẫn tâm phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết ở Hà Nội đối diện mức án nào?- Ảnh 3.

Các nạn nhân được đưa về quê làm thủ tục mai táng.

Đối với hành vi đốt nhà hủy hoại tài sản của người khác được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội huỷ hoại tài sản”, tùy theo giá trị tài sản bị hủy hoại, mức xử phạt quy định tại điều luật là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, mức cao nhất có thể phạt tù từ 10 đến 20 năm.

Nếu người phạm tội bị kết án hình sự ở cả 02 tội danh nêu trên thì Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với từng tội và tiến hành tổng hợp hình phạt theo quy định Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại được quy định tại các Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm các chi phí như: Tài sản bị thiệt hại trong vụ cháy; chi phí khám chữa bệnh; chi phí mai táng; chi phí cấp dưỡng cho người phụ thuộc của người chết; tổn thất về tinh thần do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

Từng có 2 tiền án, áp dụng tình tiết tăng nặng?

Trước khi gây ra vụ hoả hoạn đau lòng, C.V.H.từng có 2 tiền án về tội Cướp tài sản và Trộm cắp tài sản.

Theo khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm được coi là một trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Trong đó, theo Điều 53 Bộ luật này, các khái niệm trên được giải thích như sau:

Tái phạm là trường hợp người đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Kẻ nhẫn tâm phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết ở Hà Nội đối diện mức án nào?- Ảnh 4.

Đối với trường hợp của C.V.H., để xác định đối tượng có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không, trước tiên cần làm rõ việc đối tượng H. đã được xóa án tích hay chưa. Tiếp đó, cần xác định tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của H. đối với 2 tội danh từng bị xử lý, kết hợp với tội danh có thể bị xử lý theo vụ việc mới nhất để đánh giá đối tượng thuộc trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm hay không, từ đó đưa ra chế tài xử lý phù hợp.

Có tình tiết giảm nhẹ?

Như đã đưa tin, sau khi gây án, đối tượng tới Công an phường Cổ Nhuế 2 để đầu thú. Đây có được xem là tình tiết giảm nhẹ?

Theo điểm r, khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện, còn đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Trong trường hợp của C.V.H., cần xác định tại thời điểm H. tới trụ sở Công an phường Cổ Nhuế 2, hành vi của nghi phạm đã bị lực lượng chức năng phát hiện hay chưa. Nếu chưa bị phát hiện, đây có thể thuộc trường hợp người phạm tội tự thú và được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hành vi của C.V.H. đã bị phát hiện và đối tượng chủ động tới cơ quan công an trình diện, đây thuộc trường hợp người phạm tội đầu thú. Khi đó, căn cứ khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét ghi nhận tình tiết giảm nhẹ đối với nghi phạm.

Chia sẻ