Kẻ đàng hoàng và tình yêu mù quáng
Rồi theo năm tháng, tôi cũng hiểu ra rằng chẳng có mối tình nào cho không biếu không cả.
Những khi rỗi, cầm tờ báo trên tay, tôi thường xem các mục giải đáp tâm tình, nhỏ to tâm sự, gỡ rối tơ lòng… do các chuyên gia tâm lý và tình yêu phụ trách, hòng bù đắp cho những lỗ hổng kiến thức khổng lồ của mình về lĩnh vực này. Tôi nhận thấy rằng mỗi chuyên gia đều có một giọng riêng, nhưng khi bàn về tình yêu, đặc biệt là mối tình đầu của các cô cậu mới lớn, những kẻ sắp sửa yêu, thì chung quy họ đều có một nhận định gần như nhau, có vẻ như muốn khuyến cáo những kẻ này hãy liệu hồn, “Hãy yêu một cách sáng suốt, chớ nên mù quáng trong tình yêu!”.
Vâng, hãy liệu hồn, chớ nên yêu mù quáng. Đúng rồi! Và cũng đừng vì mù quáng mà yêu. Lại đúng quá xá! Và cũng vì nó đúng chóc như vậy nên nghe hoài tôi có cảm giác như là mình đang nghe, hay đọc, một trong những câu khẩu hiệu kiểu như: “Dù gái hay trai chỉ hai là đủ.”, hay “Hãy trả tiền shopping cho nàng, vì đó là nghĩa vụ của đàn ông” vậy.
Rồi một ngày nọ, tôi đọc được một câu danh ngôn được đóng khung trang trọng trên một tạp chí: “Cách duy nhất để hoàn thiện nhân cách là yêu một cách mù quáng”. Rồi trong đêm Noel tôi lại nghe một người bạn lớn tuổi có tiếng uyên thâm giảng rằng: “Thượng đế yêu con người một cách mù quáng, nhưng con người yêu nhau một cách thông minh.” Chưa hết, trong một truyện ngắn của nhà văn Marquez tôi lại vớ thêm một câu: “Tiếng sét ái tình, nghĩa là yêu ngay trong lần đầu tiên gặp mặt, không đắn đo, không suy nghĩ, mới là yêu thật.” Đến đây thì tôi thật sự hoang mang, hoang mang quá, tôi hoàn toàn mất phương hướng, vì lâu nay tôi cũng đang yêu một cách rất thông minh. Thế này là thế nào đây? Rồi tôi lại đọc một câu được trích từ cuốn sách best-seller nổi danh thế giới, Những điều bí mật của con tim (Secrets Of Heart) của một chuyên gia tâm lý người Mỹ, ông viết rằng: “Chỉ có những người mẹ yêu con một cách mù quáng mới có thể lên tới đỉnh cao nhất của tình mẫu tử”, câu này làm tôi nhớ đến mẹ tôi.
Ngày ấy tôi lên mười. Mẹ tôi là người rất tốt, bà hiền lành và nhã nhặn với tất cả mọi người. Nhưng một hôm nọ, khi chơi với chúng bạn láng giềng, tôi bị một thằng bé kia ném viên đá trúng vào đầu, máu chảy ròng ròng, hai tay ôm đầu máu chạy về nhà. Lúc ấy, mẹ tôi kinh hoàng, bà cuống cuồng băng bó vết thương cho con. Sau khi tôi tạm ổn, bà nắm tay tôi lôi đến nhà đối thủ, gọi cha mẹ nó ra và hét lên: “Thằng con tôi đàng hoàng, hiền lành cả xóm này đều biết, vậy mà con của ông bà tính giết nó như thế này đây. Ông bà ra mà xem này. Ông bà có biết dạy con là gì không? Không dạy nó là khi lớn lên có ngày nó giết người đấy!”. Thật ra, chỉ có mẹ tôi là biết tôi đàng hoàng và ngoan hiền thôi, còn cả xóm đều biết tôi là chúa đảng trong những trò phá xóm phá làng, trèo cây chọc chó…, thằng kia chỉ là một trong những đệ tử của tôi thôi. Chẳng may, hôm ấy đệ tử phản thùng ném đá trúng vào đầu sư phụ!
Khi còn bé, chữ tôi rất xấu (tuy rằng có đỡ hơn bây giờ, tôi mổ cò bàn phím máy tính bằng hai ngón và chẳng mấy khi viết bằng bút). Bố mẹ tôi là nhà giáo, ông bà rất lấy làm khổ tâm về điều này. Bố tôi bắt tôi tập viết mỗi ngày bốn trang giấy. Có hôm, tôi không làm xong bổn phận, đến bữa cơm ông phạt tôi ăn cơm lạt. Nghĩa là chỉ ăn cơm không thôi, không có đồ ăn, và phải quay mặt vào tường bưng tô cơm mà ăn để sám hối về sự lười biếng của mình. Tôi vừa thút thít vừa cố nuốt muỗng cơm đầu tiên nhạt thếch. Đến muỗng thứ hai, thì, ô cái gì thế này? Dưới mặt tô cơm trắng là cả một “kho tàng”. Nào thịt kho, nào tôm rim, nào đậu hũ, được chôn giấu và “ngụy trang” cẩn thận. Tôi ngưng khóc, lấm lét vừa ăn vừa thủ tiêu tang vật. Chắc các bạn biết kẻ nào là thủ phạm của hành vi mờ ám, thông đồng với tội phạm này rồi. Quả là mẹ tôi yêu tôi, một tình mẫu tử mù quáng.
Người đàn bà yêu tôi mù quáng ấy bây giờ không còn nữa. Từ khi lớn lên, khi những người đàn bà khác yêu tôi, họ đều yêu một cách rất sáng suốt và thông minh. Nhưng yêu sáng suốt và thông minh là yêu như thế nào? Tôi đoán mò là họ cũng giống tôi, cũng cấm ngặt mình không được yêu và định nghĩa tình yêu theo kiểu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa…” (lòa cũng gần với quáng, phải không nào?), mà phải yêu tỉnh táo, yêu sáng suốt, yêu với con tim được bỏ trong ngăn đá tủ lạnh, yêu với cái đầu cũng chườm nước đá lạnh không kém, lạnh như đôi mắt gườm gườm của võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp bước vào trận đấu tranh giải vô địch. Nghĩa là phải thăm dò đối phương thật kĩ: Cửa nhà thân thế ra sao? Vợ (chồng) con gì chưa? Li dị mấy lần? Thiệt lòng hay ba xạo? Công ăn việc làm ra sao? Coi chừng hắn có phải là một trong bọn thi sĩ đang mơ theo giăng và vơ vẩn cùng mây hay không? Thu nhập bao nhiêu? Có hi vọng được chia gia tài hay đã khai phá sản? …vân vân…
Phải truy hỏi rạch ròi, chứ đừng mơ mòng ngớ ngẩn rồi băn khoăn kiểu như “Nơi em về ngày vui không em? Nơi em về trời xanh không em?…”(*) mà khốn. Và cương quyết không để lòng mình thổn thức vì những lời đường mật để rồi thương nhớ, để rồi đợi chờ, để rồi làm thơ, để rồi đem thơ về ghép nhạc… thành khúc tình ca, mà mang ra đứng dưới hiên nhà nàng hát, cho dế nó nghe.
Rồi theo năm tháng, tôi cũng hiểu ra rằng chẳng có mối tình nào cho không biếu không cả. Sau cùng, nàng của tôi cũng ra điều kiện, chỉ một điều kiện thôi: “Em chỉ yêu mình anh thôi, nếu anh là người đàng hoàng”. Giời ạ, vụ này thì quá kẹt. Giá mà nàng đòi xe hơi, nhà lầu thì tôi sẽ nhịn ăn xôi và uống cà phê sáng để mua vé số, bởi niềm hi vọng dù có mong manh thì cũng là một niềm hi vọng. Giá mà mẹ tôi còn tại thế thì tôi đã có một người sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho cái sự đàng hoàng của tôi, tiếc thay! Nhìn lại đời mình, những khi mà tôi đàng hoàng thì chỉ có mình mẹ tôi chứng kiến mà thôi, nay bà đã qua đời thì lấy ai làm chứng bây giờ?
Tôi đành nhắm mắt đưa chân theo lời thơ trong sách cũ vậy, “Thôi cứ để mặc con người yêu nhau với những kiểu cách của họ. Đêm xuống rồi, tôi hối hả băng mình theo tiếng em gọi…” (**) để làm người đàng hoàng.
(*) : Ca từ của Trịnh Công Sơn
(**) Thơ R. Tagore
Nam Đan