"Joy": Câu chuyện người phụ nữ và... cây chổi lau nhà

La La,
Chia sẻ

Có lẽ chưa bao giờ một câu chuyện về phụ nữ và... cái chổi lại trở nên hấp dẫn như thế trên màn ảnh...

Thời điểm cuối năm ngoái, khán giả vừa mới tạm biệt Jennifer Lawrence cùng vai diễn đã trở thành biểu tượng của nữ quyền trên màn ảnh rộng - Katniss Everdeen trong series The Hunger Games. Đầu năm nay, nữ diễn viên sinh năm 1990 lại tái ngộ khán giả bằng một vai diễn khác cũng phảng phất hình bóng Katniss. Thế nhưng đây không phải là nàng Katniss của một tác phẩm giả tưởng, đấu tranh cho một quốc gia giả tưởng, "nàng Katniss" mới mà Jennifer Lawrence thể hiện là một nàng Katniss hiện hữu ngoài đời thực, nàng Katniss đấu tranh cho chính cuộc đời mình, đấu tranh để tìm lại bản ngã, để chiến thắng những khó khăn bủa vây cuộc sống của mình. "Nàng Katniss" mới ấy chính là Joy, trong bộ phim cùng tên của đạo diễn David O. Russell.

joy

Trailer phim "Joy"

Joy mở màn với những hình ảnh đẹp đẽ về tuổi thơ của cô bé mang tên niềm vui - Joy. Joy là một cô bé say mê sáng tạo, say mê tưởng tượng và say mê với việc làm ra những thứ mới mẻ. Thế giới của Joy sống không phải là căn nhà với những bức tường, đó là thế giới của những giấc mơ, với một đôi cánh trên vai...

Thế nhưng những hồi ức tuyệt đẹp ấy nhanh chóng kết thúc để đến với hiện thực, Joy lúc này là một bà mẹ của 2 con, ly dị chồng, với một gia đình "không thể phức tạp hơn", một công việc bấp bênh và luôn trong tình trạng túng thiếu. Thế giới của Joy lúc này còn tệ hơn cả 4 bức tường. Cô bị vây quanh bởi hàng loạt những rắc rối của cuộc sống. 

Joy có một người chồng "nghệ sĩ vườn" đã ly dị sống dưới tầng hầm nhà mình, chẳng quan tâm gì ngoài chuyện hát hò; Joy có một bà mẹ cũng đã ly dị cả năm trời không rời khỏi phòng, chìm trong thế giới của những bộ phim trên TV; Joy còn có một ông bố vừa mới bị mẹ kế... trả lại và không có chỗ ở (nên phải chuyển đến ở dưới tầng hầm với... con rể cũ); Joy cũng có một bà chị cùng cha khác mẹ tính khí cộc cằn và thường xuyên xung khắc với cô; Joy có 2 đứa con nhỏ quấy khóc, Joy có hàng đống hóa đơn phải trả, Joy có hàng loạt vấn đề phải giải quyết... Joy không còn đôi cánh tuổi thơ cô từng có. Trí tưởng tượng của cô bị vùi lấp trong hàng loạt khó khăn chồng chất của đời người.

Joy

Có lẽ Joy sẽ chết chìm trong thế giới mình đang sống nếu không có một ngày, một ý tưởng thú vị chợt nảy sinh khi cô phải thu dọn những mảnh vỡ của ly rượu vang trên sàn. Cô bé Joy thích sáng tạo, ham phát minh năm nào đã trở lại. Joy có ý tưởng sản xuất một cây chổi lau nhà "chưa từng có". Đó là một cây chổi lau nhà có khả năng tự vắt, với đầu chổi có thể tháo rời mang đi giặt, một cây chổi giống như cuộc đại cách mạng giúp đỡ chị em phụ nữ trong "cuộc chiến" lau dọn nhà cửa.

Từ đây, bộ phim tái hiện hành trình nhiều gian khó của Joy khi cô tìm cách phát triển và kinh doanh ý tưởng của mình, cũng là tìm cách lấy lại đôi cánh trước đây để thoát ra khỏi thế giới bí bách đầy rẫy khó khăn và rắc rối mà mình đang đối mặt.

Joy

Có thể nói vui rằng Joy là câu chuyện về một phụ nữ và một cây chổi lau nhà, với chiều dài hơn 2 tiếng. Và có lẽ chưa bao giờ một câu chuyện về phụ nữ và... cái chổi lại trở nên hấp dẫn như thế. Bởi cái chổi với Joy không đơn giản chỉ là cái chổi, đó là cuộc đời, là thế giới, là sinh nhai, là hy vọng, là đôi cánh của cô. Hành trình người phụ nữ đưa cái chổi của cô đến với thế giới vừa thú vị, vừa hồi hộp, vừa kịch tính, vừa hài hước lại vừa cảm xúc không kém bất kỳ một câu chuyện nào.

Ở đó có những khoảnh khắc khiến người xem phải nổi da gà, có những khoảnh khắc khiến họ ôm bụng cười, có cả những khoảnh khắc khiến trái tim họ thắt lại. Lần thứ 3 hợp tác với đạo diễn David O. Russell, Jennifer Lawrence tiếp tục chứng tỏ tài năng xuất sắc của mình và những khả năng tiềm ẩn mà có lẽ chỉ những người làm việc đã quá thấu hiểu nhau mới có thể nhìn ra. Có lẽ đạo diễn Russell luôn thấy ở Lawrence những điều mà người khác không nhìn thấy. Thế nên ông luôn đặt cô vào những vai trò mà thoạt nhìn, người khác sẽ không thấy phù hợp với cô. 

Joy

Với Joy, nếu đó không phải Lawrence, có lẽ tác phẩm sẽ không được như nó đã được. Ngôi sao 9X dẫn dắt khán giả chìm đắm vào câu chuyện và cảm xúc của cô. Thế nên người xem cũng có cảm giác muốn rơi nước mắt khi Joy thất bại và mất phương hướng, cũng muốn hân hoan đến mức dâng trào khi cô được đón nhận và thành công.

Nhờ có Lawrence, Joy mới đẹp đến vậy trên màn ảnh rộng. Người phụ nữ ấy đẹp dù chẳng ăn mặc thời thượng, dù cô chỉ mặc sơ mi trắng và quần tây, cầm chổi lau nhà và thao thao nói về những thứ mình đã tạo ra. Người phụ nữ ấy đẹp dù cô thường xuyên đầu bù tóc rối, gương mặt mệt mỏi và căng thẳng. Và khoảnh khắc đẹp nhất của Joy, có lẽ chính là khi cô gái mang tên niềm vui sải bước đi trên con phố với mái tóc vàng lấp lánh lòa xòa trên gương mặt, đeo kính râm với khuôn miệng cười mỉm, sau khi vừa hoàn thành "thương vụ" của mình. Hình ảnh ấy đẹp lộng lẫy như một tượng đài, một tuyên ngôn bất khuất của nữ quyền.

Joy

Joy được khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 19/2/2016.
Chia sẻ