Indonesia: Lộ diện cổ vật 7.000 năm "độc đáo và chết người"

Anh Thư,
Chia sẻ

"Độc đáo" và "chết người" là những gì mà các nhà khảo cổ mô tả về những hiện vật đặc biệt vừa được khai quật trên đảo Sulawesi ở Indonesia.

Theo bài công bố trên tạp chí Antiquity, đó là những lưỡi dao hết sức đặc biệt được làm từ răng cá mập hổ và là bằng chứng lâu đời nhất thế giới về việc sử dụng răng cá mập làm vũ khí.

Với niên đại và cách chế tác đặc biệt, hai lưỡi dao là những báu vật vô giá.

Indonesia: Lộ diện cổ vật 7.000 năm độc đáo và chết người - Ảnh 1.

Hai lưỡi dao răng cá mập hổ được tìm thấy ở Indonesia và các vũ khí cổ từ Hawaii dùng để gợi ý cho khả năng mà nó có thể được ứng dụng - Ảnh: THE CONVERSATION/BẢO TÀNG ANH

Các hiện vật được phát hiện trong cuộc nghiên cứu phối hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu tiến hóa con người, Đại học Griffith (Úc), Đại học Hasanuddin và Trung tâm Nghiên cứu và đổi mới quốc gia - BRIN (Indonesia).

Chúng đã giúp vén màn một xã hội bí ẩn sống ở phía Tây Nam đảo Sulawesi từ khoảng 8.000 năm trước. Người ta chỉ biết có một cộng đồng như vậy ở Indonesia nhưng họ sinh sống thế nào, kiếm ăn ra sao và biến mất khi nào vẫn chưa có lời giải.

Một chiếc răng hoàn chỉnh được tìm thấy tại hang Leang Panninge, có 2 lỗ được xuyên qua chân răng. Cái còn lại được tìm thấy tại hang Leang Bulu'Sipong 1, có một lỗ, bị vỡ một phần nên các nhà khoa học cho rằng nó có thể cũng từng có 2 lỗ.

Theo The Conversation, kết quả kiểm tra các cạnh răng cho thấy chúng được dùng để đâm, cắt thịt và cạo thịt, xương. Thiệt hại lớn hơn nhiều so với độ mài mòn tự nhiên ở răng cá mập khi chúng ăn trong tự nhiên, cho thấy các hành vi đâm, cắt, cạo được thực hiện bởi con người.

Những chiếc lỗ và các dấu tích ở chân răng cũng cho thấy những người dân cổ đại ở đây dùng răng cá mập hổ như lưỡi dao, gắn vào một thứ gì đó khác.

Nó gợi ý đến một số vũ khí có niên đại gần hơn được tìm thấy ở các cộng đồng ven biển khác, ví dụ ở Hawaii - Mỹ, nơi một hoặc nhiều răng được gắn vào cán. Dù vậy, cách chế tác được áp dụng vào răng cá mập hổ ở Indonesia vẫn là độc nhất vô nhị.

Kết hợp nhiều yếu tố khác, các nhà khoa học tin rằng lưỡi dao răng cá mập ở Indonesia đã được sử dụng trong một dụng cụ nghi lễ hoặc trong xung đột, tức không loại trừ khả năng những dấu vết tác động khủng khiếp trên các lưỡi dao là lên con người chứ không phải thịt động vật.

Các phát hiện từ khắp nơi trên thế giới cho thấy cá mập đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nhiều cộng đồng. Chúng bị săn bắt không chỉ để làm thức ăn mà còn cung cấp nguyên liệu để chế tác vũ khí, trang sức, các công cụ nghi lễ.

Các báu vật khảo cổ ở Indonesia có niên đại kỷ lục là 7.000 năm, trong khi các hiện vật khác từng được quan sát trên thế giới có niên đại lâu nhất là 5.000 năm.

Ngoài Indonesia và Hawaii, công cụ răng cá mập từng được khai quật tại một số đảo ở Papua New Guinea và Brazil.

Chia sẻ