Ðiểm chuẩn đại học sẽ biến động

Nghiêm Huê,
Chia sẻ

Phổ điểm các tổ hợp truyền thống đẹp hơn năm 2020 nên các chuyên gia tuyển sinh cho rằng trong khung 23-26 điểm, điểm chuẩn các trường đại học năm nay sẽ có biến động.

Những ngành điểm chuẩn cao biến động ít

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, năm 2020, điểm chuẩn các ngành của trường đã ở ngưỡng cao, từ 24,5-28 điểm. Vì thế, điểm chuẩn các ngành của trường năm nay khả năng sẽ không tăng nhiều, chỉ dao động từ 0,25-1 điểm. 

Ông Triệu nói rằng, nhóm ngành có mức điểm chuẩn năm ngoái vào diện cao nhất của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân như logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế, kinh tế quốc tế, kiểm toán, marketing, thương mại điện tử, năm nay có thể tăng từ 0,25-0,5 điểm. Nhóm ngành có mức điểm chuẩn năm ngoái vào diện thấp thì năm nay có thể tăng từ 0,5-1 điểm. Ông dự báo, những ngành năm ngoái có điểm chuẩn càng thấp thì khả năng năm nay điểm chuẩn tăng sẽ càng cao. Ví dụ, ngành năm ngoái có điểm chuẩn 24,5 thì năm nay chắc chắn phải trên 25 điểm.

Ðiểm chuẩn đại học sẽ biến động - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, năm 2021 trường dự kiến tuyển khoảng 7.400 chỉ tiêu, với gần 60 chương trình đào tạo thuộc 3 lĩnh vực: kỹ thuật - công nghệ, ngôn ngữ Anh, kinh tế - quản lý. Trường đã tuyển được khoảng 1.800 thí sinh theo phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển tài năng. 

Do dịch COVID-19, trường đã phải hủy kỳ thi kiểm tra tư duy, dồn toàn bộ chỉ tiêu định dành cho phương thức này cho xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, tổng cộng khoảng 5.600 chỉ tiêu. Đây cũng là một yếu tố tác động tới điểm chuẩn vào trường này năm nay. Ông Điền cho rằng, những ngành trong khung điểm chuẩn từ 23 đến cận 26 của năm ngoái có khả năng sẽ tăng thêm 1 điểm trong năm nay. Những ngành, chương trình có điểm chuẩn từ 26 trở lên sẽ giữ ổn định như năm 2020. Những ngành tuyển tổ hợp có yếu tố tiếng Anh như A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh) có thể có một chút lợi thế nhưng không quá nhiều.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, năm 2021, ĐH này sẽ xét tuyển 11.250 chỉ tiêu qua các phương thức khác nhau, trong đó hơn 50% là theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hiện có khoảng 130.000 lượt nguyện vọng đăng ký vào ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, con số này sẽ thay đổi trong thời gian tới, sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. 

Mặc dù vậy, dựa vào kết quả phân tích phổ điểm THPT, ông Thảo có thể phán đoán sơ bộ những ngành năm ngoái có điểm chuẩn dưới 26 thì năm nay có khả năng tăng từ 1-1,5 điểm. Trong đó, các ngành sử dụng các tổ hợp có yếu tố tiếng Anh (A01, D01) sẽ tăng khoảng 1,5 điểm; các ngành sử dụng các tổ hợp A00, B00 hoặc C00 từ 0,5-1 điểm. “Những ngành năm 2020 có điểm chuẩn từ 18-22 thì năm nay dự báo nhích lên khoảng 1 điểm; từ 22-26 điểm, dự báo nhích từ 1-1,5 điểm. Với tất cả các tổ hợp, những ngành năm ngoái có điểm chuẩn từ 27,5 trở lên thì khả năng tăng rất thấp”, ông Thảo nhận định.

Ðiểm chuẩn các tổ hợp không có môn Tiếng Anh ổn định

PGS.TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, phân tích, trong 3 tổ hợp chính mà trường sử dụng để xét tuyển là A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A01, tổ hợp A00 tổng điểm có nhiều thí sinh nhất là 23 điểm, tương tự năm 2020. Mặc dù điểm trung bình năm nay giảm so với năm 2020, nhưng số thí sinh đạt mức điểm 17-25 cao hơn so với năm 2020. 

Với tổ hợp B00, số thí sinh đạt mức điểm 17-23 cũng tăng so với năm 2020. Biến động lớn nhất xảy ra ở tổ hợp A01, số lượng thí sinh được 21-27 điểm tăng hơn hẳn so với năm 2020. “Vì thế, dự đoán điểm chuẩn các ngành khoa học tự nhiên sẽ như năm ngoái, một số ngành có điểm chuẩn năm 2020 ở mức 20-23 điểm có thể tăng nhẹ”, ông Linh dự đoán.

Trường ÐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ÐH Quốc gia Hà Nội đang rà soát hồ sơ và kiểm tra dữ liệu tốt nghiệp để cho thí sinh xác nhận nhập học. Dự kiến, số lượng sinh viên diện tuyển thẳng sẽ không đột biến so với năm 2020; dự đoán chỉ chiếm khoảng 15% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Như vậy, phần lớn số chỉ tiêu sẽ dành cho xét tuyển từ nguồn thí sinh sử dụng kết quả thi THPT 2021.

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đối với các tổ hợp thuộc khối C và D truyền thống, dự kiến điểm chuẩn vào các trường khối ngành này nói chung sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào, nếu có thì tăng nhẹ 0,5-1,5 điểm, chủ yếu vào các tổ hợp khối D. 

“Nhìn vào điểm trung bình của các môn cấu thành các tổ hợp khối C và D cho thấy, nếu như điểm giảm nhẹ từ 0,1-0,2 điểm đối với các môn Văn và Sử, thì môn Địa tăng nhẹ 0,2 điểm; môn Toán giảm nhẹ 0,1, trong khi môn Tiếng Anh có sự tăng đột biến hơn khi điểm trung bình tăng tới 1,2 điểm. Do đó, điểm chuẩn năm 2021 đối với 31 chương trình tuyển sinh của trường về căn bản sẽ như năm 2020”, ông Tuấn phân tích. Năm 2020, ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn có điểm chuẩn tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cao nhất cả nước với 30 điểm. Năm nay, điểm chuẩn ngành này tuy không ở mức tuyệt đối nhưng vẫn cao, ông Tuấn nói.

Chia sẻ