Hy Lạp: Người vô gia cư thêm phần khốn đốn trong cuộc khủng hoảng

Vân Anh/ Theo Yahoo,
Chia sẻ

Ước mơ của người vô gia cư tại Hy Lạp bây giờ là có thời gian “vào nhà bếp sạch đẹp và nấu một nồi súp ngon”.

Trên chiếc ghế dài trước cửa Nhà thờ, hai người vô gia cư đang nói về cuộc khủng hoảng tài chính đang tàn phá đất nước Hy Lạp. “Tôi biết nói gì đây.” – Andreas, 45 tuổi, từng là một công nhân xây dựng. Tuy nhiên, hiện giờ anh đã thất nghiệp và phải lang thang ngủ ngoài đường phố Athens suốt sáu tháng qua. “Hy Lạp sẽ không chết. Nhưng người Hy Lạp sẽ chết. Đó là điều sẽ xảy ra nếu tình trạng này tiếp diễn.” – Andreas nói thêm. “Không có nhà ở, không có nhà tắm, không có sự sống” – Michalis, người vô gia cư bên cạnh nói thêm. Michalis, 43 tuổi, từng là một công nhân thuộc da. Anh đã mất nhà cửa từ ba năm trước. Tài sản của anh bây giờ là một cuốn sách của nhà thơ Giorgos Seferis, người từng đạt giải Nobel, được đựng trong balo anh luôn mang theo người.
 
Khủng hoảng kinh tế khiến người dân Hy Lạp khó khăn hơn rất nhiều. Trong ảnh: Một người phụ nữ rút tiền tại ATM, bên cạnh là người ăn xin với dòng chữ graffiti trên tường: “Đừng sợ hãi!”

Đó là những gì đang diễn ra tại Hy Lạp. 5 năm thắt lưng buộc bụng khiến tiền lương giảm, lương hưu giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng 26%, trong đó, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao tới 50%. Số người Hy Lạp có nguy cơ nghèo đói tăng gấp đôi từ năm 2008 đến năm 2013. Tuy nhiên, tình trạng đó sẽ còn tiếp diễn khi Chính phủ quyết định tăng thuế, cắt giảm chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ từ EU.

Trong khi nhiều người có thể dựa vào gia đình, Andreas và Michalis chẳng còn ai để giúp. Họ quá nghèo, họ vô gia cư, họ không có gia đình. Những người vô gia cư bây giờ chỉ biết dựa vào nhau.

Tại Quảng trường Monistiraki, một nhóm tình nguyện viên – trong đó có cả người vô gia cư – đang cùng nhau làm một nồi spaghetti khổng lồ. Đây là một hoạt động đã tồn tại suốt bốn năm qua mang tên “bếp xã hội”. Hoạt động không chỉ mang lại đồ ăn mà còn mang lại hy vọng cho những người nghèo khó.


“Hy Lạp sẽ không chết. Nhưng người Hy Lạp sẽ chết.”

“Tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng nắm tay nhau, cùng đoàn kết lại, chúng ta sẽ thành công.” – Roula, một giám sát viên chuẩn bị bữa ăn, cho biết. Nhà thờ, các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp và nhiều cá nhân đã cùng nhau chung sức giúp đỡ người nghèo trong năm năm qua. 

Dimitris Fouraki, 50 tuổi, đã lang thang trên phố suốt ba năm qua sau khi mất việc làm. Ông tham gia một nhóm vô gia cư sống trong tòa nhà bỏ hang. Có “đồng đội”, cùng nhau vượt qua khó khăn đã giúp có hy vọng hơn vào tương lai. Trong khi đó, ở một tầng lớp xã hội khác, các nhà chính trị vẫn đang tranh cãi về chính sách thắt lưng buộc bụng có thể khiến người nghèo rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn. 


Lúc này, những người vô gia cư tại Hy Lạp chỉ biết nắm tay nhau vượt qua khó khăn.

Kondoyiannakis, người điều hành một trung tâm dịch vụ cho người nghèo, cho biết: Mỗi ngày có khoảng 130 người đến xin trung tâm của ông giúp đỡ. Trước đây, phần lớn người đến xin trợ giúp là người nhập cư. Còn bây giờ, 40 – 50% người xin trợ giúp là người Hy Lạp.

Foteini Kyzouli, 62 tuổi, trước đây từng là người phát tờ rơi cho trung tâm từ thiện giúp đỡ mọi người. Nhưng bà chưa bao giờ nghĩ rằng, sẽ có ngày bà cần đến sự trợ giúp này. “Tôi đã từng ảo tưởng rằng, cuộc khủng hoảng sẽ chẳng ảnh hưởng đến tôi. Nhưng cuối cùng, tôi cũng phải đối mặt với nó.” – Bà Kyzouli nói.

Lúc này đây, những người vô gia cư đang cùng thảo luận những vấn đề thật to tát: Về nền kinh tế, về đồng Euro,…. Nhưng thực ra, trong thâm tâm họ, có một điều còn khiến họ lo lắng hơn: Phải làm sao để họ có thời gian vào nhà bếp sạch đẹp và nấu một nồi súp ngon? Thật khó! Chưa ai thấy hậu quả cuộc khủng hoảng này bởi chính cuộc khủng hoảng cũng chưa có điểm dừng.
Chia sẻ