Hy hữu: Lần đầu tiên đặt stent cho bé gái 6 tuổi bị thủng thực quản vì nuốt đồ chơi

Thế Long,
Chia sẻ

Đó là bé Trần Thị Ngọc Anh (6 tuổi - Xóm Ấp Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hưởng, tỉnh Thái Nguyên) và là trường hợp đầu tiên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đặt stent cho trẻ em.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ khi Ngọc Anh mới chỉ 4 tuổi, bé đi nhà trẻ do không cẩn thận nên nuốt phải đồ chơi. Dần dần, bố mẹ thấy bé với các triệu chứng bị ho, không ăn được, bị gầy đi rất nhiều, sụt cân nhanh chóng, sức khỏe yếu nên đã đưa bé đi khám ở bệnh viện huyện Thái Nguyên nhưng chưa phát hiện bé bị hóc dị vật ở thực quản. 

Sau một thời gian điều trị uống thuốc mà sức khỏe bé vẫn yếu đi, gia đình lo lắng quyết định đưa cháu lên bệnh viện Nhi Trung Ương khám thì các bác sĩ nội soi phát hiện cháu bị hóc dị vật ở thực quản và đã tiến hành phẫu thuật gắp dị vật ra. 

tre hoc di vat
Lỗ thủng xơ hoá to hơn cả lòng thực quản.

Sau hơn 2 tháng phục hồi bé phải ăn bằng đường sonde qua mũi, các bác sĩ mới tiếp tục hội chẩn mổ xông dạ dày và bé phải ăn bằng sonde dạ dày từ năm 2015 đến bây giờ.

Tháng 7/2016, các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung Ương đã mời ThS. Chu Nhật Minh – Trưởng khoa Nội soi – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sang hội chẩn. 

Nói về cuộc phẫu thuật nghẹt thở cho bé, BS.  Minh cho biết: "Bé đã được mở thông dạ dày vì thức ăn cứ nuốt là vào phế quản là lại ho, sặc, sốt... Kết quả nội soi thấy có một lỗ rò lớn, đã có tổ chức xơ sẹo ở 15cm cách CRT, bơm cản quang qua catheter thấy thuốc ngấm vào phế quản. Miệng thực quản ở khoảng gần 14cm cách CRT. Tâm vị ở 26cm cách CRT".

tre hoc di vat
Thuốc cản quang qua lỗ rò vào thẳng phế quản phổi.

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn ngoại: phải đưa đại tràng lên, sẽ rất phức tạp và khó khăn, tiên lượng nặng nề, hoặc là đặt 1 stent - SEMS (self expandable metalic stent) cho cháu, hy vọng thức ăn sẽ không qua lỗ rò, tổn thương sẽ dần liền lại, rồi sẽ rút bỏ stent sau.

Ngày 22/8/2016, ThS. Chu Nhật Minh đã tiến hành phẫu thuật đặt Stent. Hiện tại, bé đang được điều trị tại khoa Nhi, sức khỏe đã khởi sắc và trong quá trình hồi phục.

tre hoc di vat
Các mốc đánh dấu chuẩn bị đặt stent.

Qua trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo các bậc phụ huynh cần cẩn trọng, không nên để trẻ em chơi đồ chơi một mình hoặc cho vào miệng vì khi xảy ra sự cố hậu quả để lại sẽ gây tổn thương, để lại di chứng suốt đời hoặc thậm chí làm trẻ tử vong.

Theo các bác sĩ, hóc dị vật đường thở là một tai nạn thường gặp, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi do giai đoạn này trẻ hay tò mò, nuốt ngay đồ vật, thức ăn trong khi phản xạ nuốt chưa tốt, do người chăm sóc cho trẻ ăn uống không đúng phương pháp… Trước một trường hợp trẻ hóc dị vật, cần phải sơ cứu rất nhanh và đúng cách, nếu không dị vật sẽ gây tắc đường thở có thể khiến trẻ tử vong do suy hô hấp.

tre hoc di vat
Đầu xa stent mở tốt.

tre hoc di vat
Đầu trên stent - đầu gần miệng thực quản.

Cách xử trí nhanh khi trẻ bị hóc dị vật

Trước tiên cha mẹ cần phải thật bình tĩnh để đánh giá tình trạng của trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng tống xuất dị vật ra khỏi đường thở của trẻ bằng cách:

Vỗ lưng, ấn ngực (đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi): Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ bằng bàn tay trái. Dùng bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở giữa khoảng hai bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ lại, nếu thấy trẻ còn khó thở, dùng hai ngón tay trái ấn 5 cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối hai vú (lực ấn vừa phải). Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5 - 6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Dùng thủ thuật Heimlich (đối với trẻ lớn): Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ, nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh, nhanh. Có thể lặp lại 6 - 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ chuyên khoa tiến hành cấp cứu lấy bỏ dị vật trong đường thở trẻ hoặc kiểm tra, phát hiện nguy cơ biến chứng như xẹp phổi, viêm phổi… để điều trị kịp thời.

Lưu ý: Khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không cố dùng tay móc họng trẻ, vô tình gây kích thích phản xạ co thắt thanh quản, có thể làm dị vật vào sâu hơn, gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn hay có thể làm trầy xước, chấn thương vùng hầu họng của trẻ.
Chia sẻ