Hương trà quý

,
Chia sẻ

Bên cạnh các loại trà: ô long Cầu Đất, trà xanh Thái Nguyên, trà sói, trà ngâu… người Việt còn có những loại trà quý đặc sắc, không chỉ thơm hương, ngon vị, mà còn là những phương thuốc quý.

Có loại đang rộ lên như một phong trào thức uống mới hiện nay, có giống đang được phục hồi sau thời gian dài ngủ quên, lại có thứ trà chỉ chuyên dùng xuất khẩu hoặc mới được phát triển dựa trên công thức dân gian nên còn ít người biết đến.

Uống trà là truyền thống lâu đời của người Việt

Từng có những loại trà thượng hạng của Việt Nam như Tước Thiệt (lưỡi sẻ) ở Quảng Trị, trà Mỏ Quạ thời Tây Sơn, trà Bích Loa Xuân do Quốc công Nguyễn Khản thời Chúa Trịnh đặc chế hay trà Phú Hội (Đồng Nai). Tiếc rằng chúng bị mai một dần. Giữ gìn và phát triển những hương vị trà lạ và đặc sắc xem ra cũng là việc nên làm.

Trà đắng Cao Bằng
Trà đắng

Vùng đất Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng cho cây trà đắng, vừa để uống giải khát vừa là phương thuốc quý. Trà đắng có những búp non màu hồng tía và theo nghệ nhân trà Viên Trân (Hiện Quán trà đạo), cây này được gọi là tử đinh, không hẳn đã có quan hệ gì với cây trà.

Theo y học, trà đắng Cao Bằng hấp dẫn nhờ có đến 16 loại axít amin (thuộc nhóm chất saponin) có nhiều công dụng chữa bệnh như điều hòa khí huyết, mát gan, trợ tim, thông mật, bổ thận, tiêu viêm, giải độc, trừ say, kích thích tiêu hóa, thanh nhiệt, an thần… Nhờ đó, trà đắng đang trở thành một thức uống thời thượng cho nhiều người trong thời gian gần đây, dù kiếm được trà đắng thứ thiệt không phải dễ dàng.

Trước khi thưởng thức được hương thơm và vị mát ngọt hậu đọng lại rất lâu trong cổ họng, người uống trà phải nếm qua vị đắng đặc thù đến khó quên của trà. Khi đã làm quen và vượt qua được ngưỡng đắng ấy thì vị trà này có sức quyến rũ không kém gì vị đắng của cà phê.

Trà trầm

Lá trầm hương được dùng để sản xuất trà

Một loại trà hiện đại và độc đáo khác cần được nhắc đến là trà trầm, được sản xuất bằng lá trầm hương. Trà trầm vốn là một sản phẩm thuộc hàng tuyệt phẩm ở Nhật, có tên gọi là jinkoucha. Để thu hoạch, người ta phải mất trên mười năm trồng cây trầm, do đó nguồn nguyên liệu trà trầm hương hiện nay rất khan hiếm. Có nơi trên thế giới, do thiếu lá trầm hương, người sản xuất đã trộn chung với các nguyên liệu khác để làm nên trà trầm bị hạ cấp.

Nhận thấy nguồn lợi từ loại trà đặc biệt này, Thái Lan, Việt Nam và Lào đang đẩy mạnh trồng trầm hương để lấy lá chế biến trà. Tuy nhiên, ngay cả trà trầm hương thuần chất cũng không phải loại nào cũng giống nhau về phẩm chất hay hương vị.

Theo bà Mỹ Duyên (Công ty GSE, 22-22bis Lê Thánh Tôn, quận 1 - đơn vị đang phân phối trà trầm Tiến Phước của Việt Nam tại hai thị trường Mỹ, Nhật) thì trà trầm Việt hiện chủ yếu dùng để xuất khẩu. Cách sản xuất bằng lá non của cây trầm hương, hái bằng tay và chế biến theo một quy trình khép kín không dùng hóa chất, giúp trà có hương thơm và vị ngọt đặc biệt, được người Nhật rất ưa chuộng. Vì lý do đó, trà trầm chất lượng cao bán trong nước không nhiều.

Gần đây, khi trà trầm xuất khẩu đẩy mạnh bán lẻ tại thị trường nội địa thì trà trầm mới được nhiều người biết đến hơn. Không chỉ là một loại nước giải khát độc đáo, trà trầm hương còn có công dụng chống táo bón, trị các bệnh đường hô hấp, làm chậm quá trình lão hóa và thư giãn tinh thần.

Trà gạo

Trà gạo hiện đại

Trà gạo lại mang một hương vị khác, dân dã và thanh thoát hơn. Theo dân gian, trà gạo (có nơi là trà cơm cháy) làm theo cách cổ truyền là dùng gạo rang hoặc cơm cháy nấu lấy nước để uống, trị đầy bụng, rối loạn tiêu hóa… Gọi là trà nhưng trong thành phần không có chút trà nào, mà đậm hương gạo rang hăng hắc, duy chỉ có màu nước ngả vàng như nước trà.

Bây giờ, trà gạo hiện đại không còn đơn giản như thế. Chẳng hạn như trà gạo của Royal Tea House (Tiến Đạt, 26-27 Hồ Xuân Hương, quận 3) làm từ giống trà asam Bảo Lâm, được lựa những búp non kết hợp với gạo nếp lức và sao theo phương thức chế biến trà xanh (không lên men).

Trà gạo làm theo phương pháp hiện đại không còn đậm mùi hăng của gạo rang, chỉ nghe thoảng hương thơm của gạo nếp lức. Trà gạo nên thưởng thức qua ít nhất hai nước. Uống nước đầu là để cảm nhận hương trước khi cảm nhận vị ở các nước tiếp theo. Vị trà thanh tao trở nên lạ miệng hơn nhờ vị ngọt dịu của gạo lức ngon, tạo nên một phong cách trà rất riêng.

Trà tiên

Một trong những loại trà độc đáo ít phổ biến là loại trà tiên. Thực chất đây là trà xanh ướp bằng lá trà tiên - một giống cây không họ hàng gì với cây trà, nhưng vẫn được gọi là trà, tương tự trà đắng Cao Bằng vậy. Loại cây mọc ở vùng ôn đới ấy chỉ ưa khí hậu mát mẻ nên được hiện được phát triển nhiều tại vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Lá trà tiên có mùi thơm và ấm, thoang thoảng mát nhẹ, nửa như hương lá dứa, nửa như mùi hoa đồng nội, thường được người dân ướp vào trà để tạo nên một loại trà hảo hạng có hương riêng, đượm thơm không kém gì trà ngâu, trà lài, lại cũng là một vị thuốc mát có lợi cho sức khỏe.

Người mê trà Việt lại ít có cơ hội thưởng thức vì loại trà này sản xuất có giới hạn. Từng có thời gian, loại lá trà tiên đã tưởng chừng bị mai một, nay đang được khôi phục và dần xuất hiện trên thị trường. Âu cũng là một hương vị lạ đáng để thưởng thức trong thế giới trà Việt.

 
Theo Hải Yến
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Chia sẻ