"HƯỚNG DẪN F0 TỰ QUẢN LÝ, CHĂM SÓC TẠI NHÀ" - chủ đề nóng được nhiều người quan tâm: Livestream của BV ĐH Y HN ghi nhận 614 nghìn lượt xem sau 1 giờ phát sóng
Không chỉ giảm áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19, việc điều trị F0 không triệu chứng tại nhà phải được xem là hình thức phổ biến khi chúng ta thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giải pháp điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, nơi cư trú đang được xem là mô hình điều trị phù hợp khi tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 đạt mức cao.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, cả nước hiện đang có 16.377 bệnh nhân Covid-19, riêng thủ đô Hà Nội (tính đến ngày 15/12) có gần 11.000 ca, trong đó hầu hết các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và không có triệu chứng chiếm khoảng 50%, chủ yếu điều trị tại nhà và trạm y tế lưu động.
Dựa vào tình hình đó, bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tổ chức Talkshow “TRUYỀN HÌNH TRỰC TUYẾN: HƯỚNG DẪN F0 TỰ QUẢN LÝ, CHĂM SÓC TẠI NHÀ” hướng dẫn F0 với mục tiêu chủ động điều trị tại nhà, giảm thiểu tối đa gánh nặng cho các cơ sở y tế địa phương, bệnh viện để tránh tình trạng quá tải như hiện nay. Bên cạnh đó, người bệnh còn được trang bị kiến thức cần thiết để phòng tránh Covid-19 cho chính mình và người thân phòng trường hợp sau này.
Chương trình được chủ trì bởi PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm YHGĐ & CSSKCĐ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tư vấn trực tuyến "Hướng dẫn F0 tự quản lý, điều trị tại nhà"
Chia sẻ trong buổi livestream về cách thực hiện việc tự quản lý, điều trị F0 tại nhà ở các địa phương, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu nói: "Chúng tôi nhận thấy sự lúng túng rất rõ rệt của các bệnh viện cũng như trạm y tế lưu động ở những tỉnh dịch đang bùng phát. Hiện nay, số lượng F0 theo dõi tại nhà ở tỉnh Bình Dương lên đến 70 nghìn F0, các trạm y tế lưu động hiện nay chủ yếu chỉ có nhiệm vụ là nhập dữ liệu, ra quyết định cách ly/hết cách ly... nhưng không có khả năng để thực sự theo dõi bệnh nhân F0 tại nhà.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, F0 tại nhà hầu như không có triệu chứng lâm sàng, và chính vì không có triệu chứng lâm sàng nên người bệnh không biết bản thân mình phải làm gì, uống thuốc gì! Và những người bác sĩ cũng đang phải trả lời quá nhiều câu hỏi như vậy, điều này khiến cho những người thực sự cần chăm sóc, đánh giá tình trạng suy hô hấp, chuyển viện không nhận được sự theo dõi một cách chu đáo".
Giãi bày những trăn trở của mình, PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh cho biết: "Virus SARS-CoV-2 không phân biệt bất cứ ai và người mắc Covid-19 không có nghĩa là họ đã làm gì sai. Đừng nên phân biệt đối xử với họ, mà chúng ta cần đoàn kết, đồng lòng cùng nhau chống đại dịch. Hãy là tấm gương cho người khác thấy tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang nơi công cộng, vệ sinh tay, gập khuỷu tay áo che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, duy trì khoảng cách an toàn với người khác, thường xuyên vệ sinh các vật/bề mặt hay được chạm vào.
Sắp tới đây, chúng ta sẽ có rất nhiều thời gian nghỉ lễ, hãy dành thời gian đó để chăm sóc bản thân và gia đình, luôn thực hiện biện pháp 5K mọi lúc, mọi nơi để đại dịch không bùng phát trở lại".
Chương trình được phát sóng tại các kênh truyền thông chính thức của Bệnh viện Đại học Y Hà nội và trên hệ thống website, fanpage, các trang tin báo điện tử lớn: Soha, Afamily, CafeF, Cafebiz, Kenh14 đã nhận được sự thu hút quan tâm của đông đảo khán giả trên khắp cả nước chỉ trong hơn 1h livestream đã có 236.156 người xem, 613.954 lượt xem, 2.173 lượt tương tác.
Nội dung chương trình chủ yếu chia sẻ kiến thức, hướng dẫn F0 để tự quản lý, điều trị tại nhà, bao gồm:
- Điều kiện để F0 theo dõi tại nhà.
- Điều F0 cần làm khi theo dõi tại nhà.
- Những điểm người chăm sóc F0 tại nhà cần chú ý.
- Cách theo dõi sức khoẻ tại nhà theo các chỉ số sinh tồn và cách ứng phó.
- Các gói thuốc thiết yếu cần dùng cho F0 khi điều trị tại nhà.
Quý vị có thể xem lại talkshow tại đây.
Nếu có câu hỏi cần giải đáp, vui lòng liên hệ Hotline: 𝟏𝟗𝟎𝟎𝟔𝟒𝟐𝟐