Hủ tục đau lòng: Đốt cô dâu vì của hồi môn

Theo ione,
Chia sẻ

Nhiều phụ nữ ở Ấn Độ đang sống trong nơm nớp lo sợ vì bị chồng thiêu để lấy của... hồi môn.

Cứ gần 2 giờ lại một phụ nữ Ấn Độ bị thiêu. Hằng ngày, phụ nữ Ấn Độ luôn nơm nớp sống trong sợ hãi rằng một ngày nào đó, người ấy sẽ là mình. Đó chính là hủ tục “đốt cô dâu” vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay ở Ấn Độ và một số quốc gia khác như Pakistan.

Vậy nên bất kỳ thiếu nữ Ấn Độ nào cũng luôn ám ảnh hủ tục “đốt cô dâu” thương tâm này. Nhắc tới hủ tục này, cảnh tượng quen thuộc là người chồng và gia đình thẳng tay đổ dầu ăn lên người cô dâu, quẹt diêm rồi hơ vào người trong khi họ hả hê nhìn cô dâu bất lực đau đớn trong những ngọn lửa đang cháy bùng.
 

“Đốt cô dâu” chỉ là một trong những nghi thức “trừng phạt” cô dâu trẻ vì của hồi môn trong xã hội Ấn Độ xưa. Cũng vì của hồi môn ít ỏi, các cô gái có thể bị nhà chống mắng nhiếc, lăng mạ bất cứ khi nào và cuối cùng bị treo trong căn phòng với 4 bức tường cho tới khi chết. Hơn nữa, các bà mẹ chồng còn tung “quái chiêu” tẩm thuốc độc vào bữa cơm cho con dâu ăn hay mở bình gas rồi nhốt con dâu trong nhà bếp trước khi cô ra bật bếp để nấu trà cho cả nhà.

Với người Ấn Độ, của hồi môn mà gia đình cô dâu phải cống nạp cho gia đình chú rể thường là tiền và hàng hóa, coi đó như là vật trao đổi cho đám cưới của con gái họ. Của hồi môn bao gồm cả tiền bạc và hàng hóa có giá trị như nữ trang, tủ lạnh, tivi, ô tô hay thậm chí cả nhà cửa. Giá trị của của hồi môn thường gấp 7 lần số tiền lương trong 1 năm của một người thành đạt ở Ấn Độ. Xưa kia, nhà gái có thể trao của hồi môn hoặc không, nhưng đến giờ nghi thức này là bắt buộc nếu như một gia đình muốn cho con gái họ kết hôn.

Vấn đề của hồi môn khiến cho các cặp vợ chồng Ấn Độ rất áp lực và thất vọng khi sinh hạ con gái. Bố mẹ thậm chí có tâm lý lo sợ tiền của hồi môn nên tìm cách không cho đứa con của mình tồn tại.
 


Chính lòng ham muốn tiền bạc và giá trị của người phụ nữ bị hạ thấp khiến cho số lượng những “kẻ sát nhân” vì của hồi môn ngày một gia tăng. Khi bố mẹ không cống nạp đầy đủ, mọi sự tức giận sẽ trút lên đầu người con gái. Thậm chí, có những bố mẹ chồng nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu giải thoát cho con dâu để con trai họ có thể tái hôn, như vậy sẽ nhận thêm nhiều của hồi môn khác, và rồi dồn con dâu đến mức phải tự tử.

Những tàn tích sót lại của vụ đốt cô dâu dã man ở Ấn Độ. Cô dâu có thể không tử vong, nhưng toàn bộ da bị bỏng rất nặng và mang những vệt sẹo đau đớn suốt đời.

Thông thường, hủ tục “đốt cô dâu” thường diễn ra trong ngay tại nhà bếp khi cô dâu bị đổ dầu ăn lên khắp người. Việc đốt cô dâu trở nên phổ biến hơn các hình phạt khác là do giá dầu ăn ở Ấn Độ khá rẻ và sẵn có. Hơn nữa, trang phục xari truyền thống của người Hindu mà các cô gái hay mặc lại rất dễ bắt lửa.

Tỷ lệ sống sót sau những nghi thức “đốt cô dâu” là rất thấp và ít người trong số họ dám đứng lên khởi tố gia đình chồng. Ly hôn cũng được cho phép, nhưng ít cô dâu dám chọn vì như vậy sẽ làm tổn hại tới thanh danh của gia đình.

Hiện nay, Ấn Độ cũng có những quy định luật pháp nhất định về hành động sát hại cô dâu vì của hồi môn tuy nhiên chúng không mấy hiệu lực. Cảnh sát và tòa án cũng chỉ là sản phẩm của xã hội, mà ở đó con người luôn gán ghép thân phận thấp kém cho người phụ nữ, một số khác lại tin rằng “đốt cô dâu” chỉ là vấn đề riêng của các gia đình mà thôi.

Chia sẻ