"Hư hỏng" gặp "chính chuyên"
Có những cuộc hôn nhân người ta tưởng rằng nó quá vô lý và không thể tồn tại được. Nhưng rồi bằng tình yêu, người ta đã biết cách tìm ra được “nét son” hạnh phúc.
Thân phận hoa nhài...
Tôi có một cô bạn là con gái cưng trong gia đình giàu có. Vào tuổi trưởng thành, bố mẹ luôn sợ con gái chơi với bạn xấu.
Vào tuổi lập gia đình, bố mẹ luôn nghĩ cô ấy còn rất trẻ con. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng cô ấy chỉ biết đường “từ nhà đến trường”, “từ nhà đến ông bà ngoại”, “từ nhà đến cơ quan”...
Mọi mối quan hệ với bên ngoài của cô ấy hầu như bị “cắt”. Có người hỏi “Như bị cấm cung vậy, có khó chịu không?” cô ấy cười hiền lành “Thấy bình thường. Mình có ngoan thì bố mẹ mới vui”.
Và quả mãi đến gần 30 tuổi, cô gái ngoan ấy vẫn chưa mảnh tình vắt vai. Bẵng đi một thời gian, đột nhiên thấy thiệp mời từ cô ấy.
Từ ngạc nhiên, mọi người đi tìm hiểu căn nguyên thì được biết họ quen nhau trong một lần anh ấy đua xe và đâm vào cô ấy. Khoảng thời gian diễn ra kể từ khi gặp gỡ đến ngày làm đám cưới là chẵn 1 năm.
Bố mẹ cô ấy từ sốc đến giận dữ, oán trách, tuyệt vọng và sau cùng là chặc lưỡi đồng ý trong đau đớn. Cô ấy thì từ giấu giếm, sợ hãi và sau cùng là “vùng dậy”, khẳng định “Không phải là bỏ bùa mê thuốc lú. Chúng con hiểu nhau và yêu nhau”.
Đa số người thân không ai tin lời cô ấy. Ai cũng thương cho phận gái nhà lành, phận bông hoa nhài không may mắn...
Còn với anh bạn tên Quân 34 tuổi, một họa sĩ kiêm giảng viên đại học thì cũng đã luôn nổi tiếng là “Quý ông chỉn chu” từ tính tình đến hình thức.
Quân làm gì cũng nghĩ trước, tính sau, cẩn trọng, lịch sự và nghiêm trang. Nhiều lần bố mẹ còn phải kêu là “Khó tính quá thì làm sao vợ chịu nổi”. Vậy mà lần ấy, khi Quân dẫn bạn gái về nhà, anh làm tất cả đều ngỡ ngàng.
Đấy là một cô gái khá điệu đà, mới học hết cấp 2, từng làm thợ may, đang nuôi một đứa con riêng và đang làm ở quán rượu.
Mẹ Quân sau một hồi tăng huyết áp thì bảo cô ta là Hồ ly tinh, quyến rũ con trai bà. Bố Quân thì nhìn thẳng vào mặt con trai, hỏi đanh thép: “Đầu óc con có vấn đề, phải không?”. Các anh chị em Quân thì hết lời chế giễu, ngăn cản. Ai cũng bảo cô ấy không hề hợp với anh...
Ngọc trong đá...
Người ta gọi những cuộc hôn nhân của các đối tượng trên là sự gặp gỡ giữa “hư hỏng” và “chính chuyên”.
Cô bạn tôi, sau một thời gian im hơi lặng tiếng để mặc mọi người trách móc, xót xa, nghi ngờ. Một ngày, cô ấy bỗng xuất hiện trở lại trong buổi họp lớp. Nhìn cô ấy vẫn ngoan, hiền và thậm chí còn baby hơn xưa. Còn chồng cô, những nét bặm trợn của ngày trước bay đi đâu hết cả. Thay vào đó là một ông bố ra dáng ông bố khi luôn đảm nhiệm việc bế, nựng, vỗ về, ru con ngủ một cách dịu dàng.
Anh ta còn ra dáng ông chồng khi luôn để mắt, quan tâm đến vợ, lịch sự đưa ra các yêu cầu với nhà hàng để đặt riêng những món ăn mà vợ thích.
Khi hỏi riêng “Sao “cải tạo” chồng giỏi thế?”, cô ấy tâm sự: “Ai cũng bảo anh ấy không ra gì. Mình thì nghĩ đơn giản là dù có ai xấu thế nào thì thể nào đằng sau họ vẫn có nét gì đó “tốt”. Ý nghĩ đấy là chìa khoá để chúng mình có được sự ổn thoả khi bên nhau”.
Với vợ chồng anh bạn Quân, vì sự phản đối kịch liệt của gia đình, anh đã phải chuyển ra ngoài, thuê nhà trọ ở cùng với cô gái ấy. Gần 2 năm sau, họ mới bế con chung cùng con riêng quay trở lại chào và xin lỗi gia đình.
Kể từ đó, mọi người dần nhận ra tuy cô Hồ ly tinh vẫn ăn mặc rất diện, những lời nói, hành động vẫn còn bốp chát nhưng Quân thì có nhiều cái khác. Anh mặc đồ trẻ trung, phóng khoáng và nhìn phong độ hơn. Về tính tình, Quân vui vẻ, cởi mở và biết kể chuyện một cách hài hước.
Khi bố Quân hỏi: “Con thực sự cảm thấy cuộc sống gia đình thế nào?” thì Quân đã không nhìn thẳng vào mắt bố mà cúi đầu, nói ngượng nghịu: “Cô ấy tuy bề ngoài vậy nhưng con biết cô ấy là cô gái tốt, là người vợ tốt bố ạ. Con xin mọi người trong nhà đừng nên quá khắt khe với vợ con”...
Những trường hợp trên quả là đúng như trong một nghiên cứu mới đây công bố trên Psychological Medicine.