Hotgirl "vùi" tuổi thanh xuân ở trại giam vì ma túy
Ham chơi, thích hưởng thụ, nhiều cô gái trẻ đã phải trả một cái giá quá đắt, khi đang ở độ tuổi trẻ nhất, đẹp nhất của mình trong 4 bước tường trại giam.
Với tư tưởng thích hưởng thụ, muốn có nhiều tiền ăn chơi, mua sắm, làm đẹp nhưng lười lao động, nhiều cô gái trẻ đã phải "chôn vùi" tuổi thanh xuân của mình sau 4 bức tường trại giam vì buôn bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng tiếc, trong số những cô gái ấy, có người chỉ mới 17-18 tuổi.
Lần đầu đi giao ma túy đã bị bắt ngay cửa khách sạn
Sinh năm 2004, H.P.T, quê Phú Thọ, nữ phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Thanh Phong, Thanh Hóa chia sẻ: T. đã chấp hành án tại giam này được hơn 2 năm vì tội “mua bán trái phép chất ma túy” với mức án 2,5 năm tù.
Thảo cho biết, mình bị bắt khi đi giao ma túy kiếm tiền dịp Tết năm 2022. Theo lời nữ phạm nhân này, gia đình cô ở Phú Thọ, bố mẹ có trang trại chăn nuôi lớn với thu nhập tốt, nhưng học đến lớp 10 cô bỏ học giữa chừng do mải chơi.
Trong thời gian ở nhà, T. nhập quần áo từ chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), hàng gia dụng,… bán online kiếm thêm thu nhập. Bán được hơn 1 năm, thì cô gái trẻ này bỏ gia đình xuống Hà Nội, mở shop bán hàng. Trong thời gian này, một số chị gái xinh đẹp đến mua hàng và gạ gẫm T. đi chơi.
“Lúc bán quần áo, các chị đến mua, rồi mời đi sinh nhật. Lúc đến quán hát, các chị cho kẹo, ma túy vào nước ngọt, mình uống mà ko biết. Dần dần thành quen, các chị rủ đi giao ma túy. Các chị bảo, giao ma túy dễ kiếm lời, lại nhanh có tiền mà rất nhàn nhã”- T. kể.
Theo lời chia sẻ của T, mỗi đơn giao thành công, các "chị ấy" sẽ chia đôi lợi nhuận trên giá trị của đơn hàng. Nếu đơn hàng đó 10 triệu, T. sẽ được lấy 5 triệu đồng tiền công ship.
Sau nhiều lần dụ dỗ, gần Tết năm 2022, T. đồng ý đi giao thử một đơn hàng đầu tiên, với giá trị hơn 5 triệu đồng, nếu trót lọt T. có 2,5 triệu đồng tiền ship với 1 quãng đường ngắn từ quận Hai Bà Trưng lên quận Ba Đình, Hà Nội.
“Em cứ nghĩ đi giao ma túy đơn giản thôi vì đã có các chị bảo kê. Hôm đó, chị ấy bảo giao cho 1 khách hàng ở khách sạn. Chỉ cần giao lên phòng, rồi cầm tiền về. Lúc vừa đến sảnh, chuẩn bị bấm thang máy đi lên thì em bị công an đến còng tay. Em sợ quá, vì quá bất ngờ nên òa khóc rất to. Trên người em lúc này có 6 viên kẹo, 1 chỉ ke. Thời điểm này em mới 17 tuổi”- T. kể lại.
Theo lời chia sẻ của nữ phạm nhân này, sau khi bị bắt 1 giờ đồng hồ thì bố mẹ biết vụ việc do công an xã gọi về: “Lúc gặp em, bố mẹ giận tím người, nhưng động viên em khai báo hết vụ việc, cố gắng cải tạo rồi về gia đình. Nhưng bố mẹ cũng không quên dặn dò, nếu còn lần sau tái phạm sẽ từ mặt em luôn”.
Ngày 30/4/2024, T. sẽ chấp hành xong án phạt tù, trở về nhà khi mới tròn 20 tuổi. Khuôn mặt còn ngây thơ, vẫn hồn nhiên kể lại vụ việc T. cho biết, mãn hạn tù sẽ đi học ngoại ngữ, rồi đi xuất khẩu lao động.
Nhân viên quán bar, lâu lâu rảnh lại rủ bạn về phòng chơi ma túy
Khuôn mặt xinh đẹp, cũng chấp hành án ở trại giam Thanh Phong hơn 14 tháng về tội “tổ chức sử dụng trái phép ma túy” với mức án hơn 7 năm, L.T.T (SN 1990, quê Tiền Giang) chua xót kể lại con đường phạm tội của mình.
T. cho biết, mình bị bắt năm 2022, sau hơn 4 năm ra Hà Nội “lập nghiệp” tại một quán bar trên địa bàn phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm.
“Vào một buổi sáng, sau khi hết ca làm đêm tại quán bar về, 4 chị em cùng làm (3 nữ, 1 nam) rủ nhau về phòng trọ của mình chơi ma túy thì bị công an bắt”- T. kể.
Theo lời kể của nữ phạm nhân này, gia đình chỉ có hai mẹ con, nhà nghèo, nhưng do ham chơi nên sau khi học hết cấp 3 T.lên Sài Gòn làm thuê. Đến năm 2018 T. ra Hà Nội làm nhân viên quán bar. Lý do chọn Hà Nội “lập nghiệp”, theo T. là để xa gia đình, thoải mái ăn chơi mà không ai biết.
Tại quán bar, công việc chính của T. là đặt bàn cho khách. Trong thời gian làm việc tại đây, cô hay được khách rủ đi chơi và cả "chơi" ma túy. Ban đầu chơi thấy vui, sau này muốn tránh xa nhưng không được vì nhiều cám dỗ. Cùng với đó, theo lời kể của T, công việc ở quán bar thu nhập tương đối tốt, mỗi tháng T. kiếm được khoảng 30-40 triệu đồng. Số tiền này, T. gửi về cho mẹ 20 triệu, còn lại chủ yếu phục vụ cho mục đích cá nhân.
“Số tiền kiếm được, mình đã xây cho mẹ một ngôi nhà ở quê. Mình muốn làm thêm một thời gian nữa để kiếm thêm chút vốn sau này lập nghiệp, thì bị công an bắt. Để vướng vào con đường này, chủ yếu do mình thích ăn chơi, hưởng thụ, chứ không hẳn do hoàn cảnh”- T. nói.
Mới chấp hành án được 14 tháng, nếu cải tạo tốt, thì đến năm 39 tuổi T. được ra tù. Thời gian trong trại giam, T. cho biết, mình rất hối hận, chỉ vì ham chơi, mà đến giờ tài sản duy nhất của cô có là “án tù” vì tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Hối hận, nhưng nữ phạm nhân này cho biết, để làm lại cuộc đời với một cô gái “với thành tích đặc biệt” này là vô cùng khó khăn. Tương lai chưa biết làm gì, hiện tại chỉ biết cố gắng.
Cũng tại Trại giam Thanh Phong, Phạm nhân L.T.T (SN 1995, trú tại TP.HCM) nhận mức án 4 năm tù về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
T. cho biết, cũng do ham chơi, học xong cấp 3 cô ở nhà bán hoa quả và làm thêm nghề nối mi. Đến năm 2015, vừa đủ 20 tuổi cô lập gia đình. Năm 2017 cô ly hôn. Năm 2018 cô để lại con cho mẹ đẻ nuôi, rồi ra Thanh Hóa làm nhân viên quán hát.
Làm được 3 năm, đến tháng 7/2020 cô bị bắt vì tổ chức cho khách sử dụng ma túy tại phòng hát. Tạm giam 9 ngày để điều tra, được tại ngoại, T. về lại TP.HCM, đầu năm 2021 tiếp tục lập gia đình, sinh thêm một người con nữa. Đến đầu năm 2023 T. ra Thanh Hóa chấp hành án, con thứ 2 T. lại tiếp tục gửi lại cho bà ngoại (mẹ đẻ T).
“Lúc thuê phòng cho khách, để ngoại giao, tôi cũng sử dụng ma túy. Tôi sử dụng ma túy được hơn 1 năm. Lúc bị bắt, tôi suy nghĩ chưa chín chắn, tôi nghĩ thuê phòng cho khách chơi ma túy, chứ mình không chơi thì không vi phạm pháp luật. Trong nhà tạm giam 9 ngày, mẹ từ trong TP.HCM ra bảo lãnh tại ngoại. Mẹ biết hoàn cảnh của tôi khó khăn, một mình nuôi con, mẹ không trách, nhưng khuyên tôi thôi lỡ rồi cố gắng cải tạo”- T. kể.
Nhiều phạm nhân nhận mức án 7 năm tù khi chưa 18 tuổi
Thượng uý Lê Văn Hậu- cán bộ giáo dục, Trại giam Thanh Phong, Thanh Hóa cho biết, hiện trại đang quản lý 967 phạm nhân nữ, trong đó có hơn 70% số phạm nhân phạm tội về ma tuý, đặc biệt là số phạm nhân tàng trữ, tổ chức sử dụng ma tuý. Trong số đó, có nhiều bạn tuổi đời rất trẻ, sinh năm 2000 trở lại đây.
Theo Thượng úy Hậu, để xảy ra trình trạng này, xuất phát từ việc suy nghĩ lệch lạc trong nhận thức, thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như đua đòi bạn bè dẫn đến vi phạm pháp luật.
“Những phạm nhân đang độ tuổi lao động, rất trẻ, khi phải vào trại cải tạo là tổn thất rất lớn cho nguồn lực của xã hội, cho sự phát triển đất nước. Có những phạm nhân vào đây, sinh năm 2005-2006 với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Nhiều bạn nhận mức án 7 năm tù, khi chưa đủ 18 tuổi. Những hoàn cảnh đó khiến chúng tôi rất băn khoăn, suy nghĩ về việc chúng ta giáo dục thế hệ trẻ, thế hệ thanh niên cần phải có sự đổi mới hơn”- Thượng úy Hậu nói.
Khi phạm nhân đến trại giam Thanh Phong cải tạo, Thượng úy Hậu cho hay, cán bộ trại giam phải giáo dục rất nhiều thứ.... Từ giáo dục về đạo đức, pháp luật, văn hóa, đến học nghề… giúp cho phạm nhân có nhận thức đúng về pháp luật, cũng như ý thức chấp hành pháp luật.
“Phạm nhân vào trại giam bắt buộc phải chấp hành nghiêm kỷ luật, nếp sống văn hóa, trật tự trong trại giam, giúp phạm nhân rèn luyện thay đổi tính cách. Từ đó, hình thành nên nhận thức đúng, tốt, “gạn đục khơi trong”,….khiến cho những phạm nhân trước đây là những con người lầm đường, lạc lối trở về con đường lương thiện. Sau khi ra trại có nghề nghiệp ổn định, không vi phạm pháp luật”- Thượng uý Lê Văn Hậu nói.
Ma tuý là tội phạm của những tội phạm khác, gây ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, kìm hãm sự phát triển, khiến xã hội phải thêm chi phí để giải quyết hậu quả. Vì vậy, theo các cán bộ trại giam Thanh Phong, mỗi người, đặc biệt là người trẻ, cần nâng cao cảnh giác, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều không nên thử ma túy dù chỉ một lần.