Họp phụ huynh về tôi không biết phải đối mặt với con mình thế nào, điểm nó kém nhưng người "sợ hãi" lại là tôi
Tôi cảm thấy mặt nóng bừng lên...
Tôi từng nghĩ con trai tôi học dốt vì lười. Nhưng buổi họp phụ huynh khiến tôi phải nhìn lại chính mình không chỉ trong vai trò một người bố.
Tôi là bố đơn thân, nuôi con trai học lớp 6. Mẹ thằng bé bỏ đi khi con mới vào lớp 1. Cô ấy phải lòng người khác, chê tôi nghèo nhưng tôi luôn phải nói dối con rằng mẹ nó có nỗi khổ, vẫn hỏi thăm nó. Tôi không muốn con hận mẹ. Từ đó, tôi gồng lên làm đủ nghề để lo cho con. Tôi luôn nghĩ chỉ cần kiếm đủ tiền, cho con ăn học đầy đủ, thì coi như đã làm tròn trách nhiệm. Nhưng sự thật không đơn giản như tôi tưởng.
Buổi họp phụ huynh cuối năm, tôi đến lớp trong tâm thế của một người bố chẳng mấy quan tâm đến điểm số, vì nghĩ "biết rồi, thằng bé năm nay chắc cũng không khá hơn năm ngoái là bao". Nhưng khi cô giáo phát phiếu điểm, đến tên con tôi – Phong, cả lớp có tiếng xì xào.
Điểm Toán: 4. Tiếng Anh: 3. Văn: 9. Tôi cảm thấy mặt nóng bừng lên, tại sao Văn nó lại được 9 điểm? Cô giáo không nặng lời, chỉ khẽ nói: "Phong là học sinh ít nói, hay lặng lẽ trong lớp. Em có năng khiếu hội hoạ nhưng gần như không tham gia bài giảng. Nhưng kết quả thi lần này cô khen bạn là 1 trong rất ít bạn ở lớp được điểm 9 Văn. Cô rất xúc động khi đọc bài văn của con".

Ảnh minh họa
Tôi chết lặng. Trước nay tôi luôn cáu gắt mỗi khi thấy con vẽ vời. Tôi từng giật bức tranh nó đang tô dở rồi quát: "Học thì không lo học, chỉ suốt ngày vẽ vời! Có giỏi thì bỏ học đi mà làm hoạ sĩ!". Bài văn lần này, nó viết "Tôi muốn viết tiếp giấc mơ của bố tôi - 1 họa sĩ tài năng".
Tối hôm đó về nhà, tôi không nói gì. Hai bố con ăn cơm trong im lặng. Khi tôi định lên giường đi ngủ thì Phong chạy lại, dúi vào tay tôi một mảnh giấy gấp làm tư, cũ kỹ.
Đó là một bức thư, viết bằng tay.
"Bố ơi,
Con xin lỗi vì điểm con thấp. Con không hiểu bài, con học mãi mà không vào. Con ngại hỏi cô vì sợ bạn cười. Con nhớ mẹ. Con hay vẽ mẹ, vì mỗi lần vẽ mẹ là con thấy mẹ cười với con.
Con chỉ muốn bố nhìn tranh con một lần, vẽ cùng con một buổi. Nhưng lần nào con rủ, bố cũng bận. Nếu con chỉ vẽ giỏi mà học kém, bố có còn thương con nữa không?".
Tôi đọc mà nghẹn hết cả cổ. Hoá ra bấy lâu nay, thằng bé không lười, nó chỉ cô đơn. Nực cười là nó còn biết giấc mơ của tôi - thứ giấc mơ xa xỉ bị cơm áo gạo tiền chôn vùi đến chính tôi còn chẳng nhớ. Tôi cứ lao vào kiếm tiền, nghĩ rằng miễn có cơm ăn áo mặc là đủ. Nhưng con tôi đâu chỉ cần tiền?
Hôm sau, tôi xin nghỉ làm. Tôi và Phong ra công viên gần nhà, hai bố con ngồi vẽ cả buổi sáng. Nó cười suốt – một nụ cười mà tôi đã quên mất bao lâu rồi chưa thấy.
Từ hôm đó, tôi thay đổi. Tôi không còn ép con học theo kiểu "con nhà người ta". Tôi để nó vẽ thoải mái mỗi tối. Hè năm nay, tôi đăng ký cho con lớp vẽ thiếu nhi, nơi các cô giáo chỉ hỏi: "Con thấy vui không?".
Nghỉ hè không chỉ là lúc học thêm mà là lúc phụ huynh học lại cách làm bố, làm mẹ.
Tôi mất một buổi họp phụ huynh để hiểu rằng: Điều con cần nhất không phải là điểm số, mà là một người lớn biết lắng nghe ước mơ của con.