Hợp long cây cầu hơn 5.000 tỷ do người Việt thi công 100%, thiết kế ở miền Tây

Bửu Ngọc ,
Chia sẻ

Cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu lớn nhất do 100% người Việt thi công, thiết kế ở ĐBSCL. Sau khi hoàn thành, cầu sẽ nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long là một trong những dự án trọng điểm của quốc gia. 

Ngày 14/10, đơn vị thi công sẽ tiến hành hợp long nhịp chính, hoàn tất các công đoạn cuối cùng trước khi đưa vào khai thác kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cầu Mỹ Thuận 2 được xây dựng song song với cầu Mỹ Thuận, đường dẫn lên cầu đã được hoàn thành 100%.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án 7 - đơn vị đại diện chủ đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại toàn bộ dự án đã hoàn thành hơn 92% khối lượng, trong đó hạng mục đường dẫn cầu đã về đích 100%.

Riêng các hạng mục chiếu sáng, phòng cháy, kè gia cố bờ sông, đơn vị thi công đang tiếp tục tập trung triển khai để hoàn thành toàn bộ hạng mục trong tháng 12, thông xe đưa vào khai thác cuối năm 2023 theo đúng kế hoạch ban đầu.

Đơn vị thi công kiểm tra các hạng mục trước ngày hợp long.

Tổng chiều dài toàn dự án là 6,61km, riêng cầu Mỹ Thuận 1,906km, đường dẫn và cầu trên tuyến dài 4,704km.

Cầu Mỹ Thuận 2 được đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe, bề rộng mặt cầu phần xe chạy là 25m. Dự án được đầu tư với tổng kinh phí là 5.003,064 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Chia sẻ niềm tự hào là một trong những đơn vị thi công cầu Mỹ Thuận 2, ông Nguyễn Trường Thịnh nói: "Từ công tác thiết kế, thi công cầu hoàn toàn do người Việt đảm trách. Tôi cho rằng đây là niềm tự hào của người Việt nói chung và của đơn vị thi công nói riêng".

 Hôm nay, hợp long cây cầu hơn 5.000 tỷ do 100% người Việt thi công, thiết kế ở miền Tây  - Ảnh 3.

Công nhân thi công khẩn trương trước ngày hợp long nhịp chính cầu Mỹ Thuận 2.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu sẽ kết nối 2 tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh về khu vực ĐBSCL.

Anh Lê Trí Thiện (Cà Mau, 36 tuổi) cho biết, do tính chất công việc nên anh thường xuyên di chuyển từ Cà Mau lên TP.HCM và ngược lại, mỗi lần đi mất khoảng 7 - 8 tiếng nếu không kẹt xe. Khi có cầu Mỹ Thuận 2, thời gian từ Cà Mau đi TP.HCM sẽ được rút ngắn so với thông thường.

"Nếu có cầu đi lên cao tốc sẽ thoáng hơn, đường sá cũng dễ chạy hơn. Thông thường đi Quốc lộ 1A dịp lễ Tết sẽ bị kẹt xe", anh Thiện nói.

Cũng theo anh Thiện, cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành sớm ngoài việc "chia lửa" với cầu Mỹ Thuận còn có tác động tích cực đến việc giao thương của người dân địa phương vào thời điểm nhu cầu đi lại tăng cao vào dịp giáp Tết Nguyên đán 2024.  

Chia sẻ