Hỏng "giống" vì nước uống nhiễm hóa chất
Cơn khủng hoảng chất tạo đục DEHP chưa qua, Đài Loan lại phát hiện thêm chất DINP trong đồ uống.
Độc hơn cả Melamine
Thông tin từ Bệnh viện K cũng cho hay, hóa chất DEHP, DINP (di- isononyl phthalate) được dùng thay cho dầu cọ để chế tạo một loại phụ gia có chức năng tạo đục cho đồ uống để thực phẩm đặc, dính kết và đẹp mắt hơn. Nhưng hóa chất này sẽ gây hại cho gan, thận, trẻ gái dậy thì sớm, trẻ trai bị ảnh hưởng khả năng sinh sản, thậm chí gây ung thư. Chỉ cần DEHP vào cơ thể với một lượng nhất định là sẽ phá vỡ tuyến nội tiết, làm thay đổi lượng hormone, lâu dài sẽ nguy hại đến sức khỏe.
Tại Pháp từ 1999 - 2000, đồ chơi nhựa nếu kiểm tra thấy chứa trên 0,1% các dẫn xuất của phtalate (DINP, DIDP, DEHP, DBP, DNOP, BBP), nhất là DINP, DEHP sẽ bị cấm đưa ra thị trường. Các nhà khoa học ĐH Rochester (Mỹ) còn phát hiện chỉ cần bị phơi nhiễm với DINP, DEHP đã tăng nguy cơ dị tật cơ quan sinh dục, tổn thương quá trình sinh sản của nam giới, tiêu diệt và làm biến dạng tinh trùng, kích thích trẻ gái 2 - 8 tuổi có thể có kinh nguyệt...
Theo Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật thực phẩm Đài Loan, DEHP độc hơn nhiều so với Melamine vì tồn tại rất lâu trong cơ thể người, đã bị liệt vào danh sách chất có độc tố thứ 4 ở Đài Loan. Chất này chỉ được phát hiện qua kiểm nghiệm ở nơi hội đủ điều kiện kỹ thuật (có máy phân tích sắc khí) với xét nghiệm ra DEHP, thời gian xác định chất khoảng 4 giờ.
Chưa xuất hiện sản phẩm độc hại
Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), ngay sau khi được Đài Loan thông báo phát hiện có hóa chất độc hại trong các loại nước ép, thạch, sữa... Cục ATVSTP đã tổ chức rà soát, kiểm tra danh mục sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam (các loại nước giải khát, phụ gia tạo đục...) có nguồn gốc từ Đài Loan.
Chất tạo đục DEHP được tìm thấy trong nước giải khát ở Đài Loan.
Hiện Cục ATVSTP chưa phát hiện ra doanh nghiệp nào nhập sản phẩm chất tạo đục có chứa DEHP. Khảo sát một số khu vực bày bán các loại hàng khô trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, phố bánh kẹo Hàng Buồm... cũng chưa thấy. Với đồ uống giải khát, Cục chưa phát hiện thấy có nước tăng lực, nước chanh, đồ uống dạng gói pha... nằm trong danh sách 50 loại đồ uống có chất tạo đục chứa DEHP mà báo chí nước ngoài công bố.
Theo Cục Quản lý ATTP quốc gia Trung Quốc, người lớn chỉ cần uống 500 CC đồ uống có hàm lượng DEHP (khoảng 30 ppm trở lên) mỗi ngày đã vượt chuẩn cho phép 2 lần.
Viện Nghiên cứu y tế Đài Loan cho rằng, người trưởng thành thường xuyên uống một chai nước nhiễm chất hóa dẻo/ngày sẽ tổn thương khả năng sinh sản cao 3-4 lần, trẻ em tăng 6-8 lần. Thời gian bài tiết chất hóa dẻo trong cơ thể kéo dài 5-12 giờ. Nên uống nhiều nước lọc để hỗ trợ bài tiết chất DEHP ra khỏi cơ thể.
|