Hôn nhân là quá trình dịch thơ tình ra... văn xuôi?
Nhiều người cho rằng giai đoạn trước hôn nhân là trăng, hoa, thơ, nhạc. Cưới nhau rồi, chất “diễm tình” dần phai.
Chẳng thế mà một nhà văn đã nói: “Lấy nhau là dịch một bài thơ tình ra văn xuôi”. Nhưng yêu là phải cưới để cùng nhau đi trọn đường đời. Vậy chuyện “thơ tình” thành “văn xuôi” là do may rủi hay do chính cách xử sự của những người trong cuộc?
“Bài thơ tình” bị xé nát
Những ngày chớm yêu, Kim A., chủ tiệm thẩm mỹ, chết mê chết mệt về những lời có cánh của người tình tên P., bầu dàn nhạc đám cưới. Đi đâu xa vài hôm, P. âu yếm bảo: “Em nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, em đã thuộc về anh chứ không còn là của riêng em đâu đấy”. P. chăm sóc Kim A. đến “tận răng”. Từ lọ nước hoa, cái quần jeans, đến thỏi son môi, đôi giày cao gót... tất thảy đều có bàn tay chăm chút của anh.
Một lần thấy vợ cười nói với bạn trai học cùng thời phổ thông trước cửa tiệm, P. về nhà hằn học: “Ê, cô đang hóng hớt với thằng đểu nào vậy? Hết việc thì về ngay, đứng đó mà “tám” thì coi chừng tui đó...”. Vợ đi làm về hơi tối, P. lườm lườm: “Cô buôn dưa lê vừa thôi nghe. Nhà tôi không có loại người như vậy. Làm cơm mau, tôi còn đi chơi nhạc”. Đang có mang, lại phải nghe những mệnh lệnh lạnh lùng, những lời chì chiết mỗi ngày, Kim A. gầy guộc và xanh xao hẳn. Những đêm khóc thầm, Kim A. đã tiễn đưa một thời hoa mộng, để mỗi ngày phải chứng kiến cảnh P. biến những áng “thơ tình” thành những câu “văn” nghe không xuôi tí nào.
Đâu rồi nét đẹp ngày xưa?
Những ngày tươi hồng, bay bổng cho tình yêu đã thật sự chấm dứt đối với L. dù chị đang là “gái một con trông mòn con mắt”. Gia đình chồng không khá giả, L. đeo nặng trong đầu ý nghĩ: đã có chồng có con, hằng ngày phải chạy chợ kiếm sống thì gương lược, phấn son, quần trơn áo mỏng làm chi nữa. L. dần trở nên dễ dãi trong cách ăn mặc.
Vẻ đẹp tươi giòn, trẻ trung, mặn mà, nhuần nhị của người phụ nữ 25 tuổi này đi qua rất nhanh, thay vào đó là một người đàn bà đầu bù, tóc rối. Chồng chị, anh N., giáo viên tiểu học, tỏ ý không thích, chị xẵng giọng: “Người phụ nữ chỉ cần yêu chồng, thương con, vun xới cho cuộc sống gia đình là đủ, cần chi phải lụa là, nhung gấm. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Anh muốn má phấn môi hường thì cứ việc”.
Chưa kể L. thường vô cớ gây gổ với chồng, hay có những bước chân nặng nề, tạo ra những tiếng động “khác thường” dưới bếp hoặc “tác động” để cho con quấy khóc mỗi khi anh N. tiếp khách hơi khuya. Anh buồn bực lắm, nhưng nói ra thì chắc chắn là vợ tự ái, rồi nói mỉa nói mai, không khí gia đình thêm nặng nề. Nhiều đêm khó ngủ, anh hay tiếc nhớ những lời lẽ ngọt ngào, những cư xử đúng mực, những hình ảnh xinh xắn của vợ mình một thuở chưa xa. N. cay đắng nhận ra rằng “bài thơ tình” của hai vợ chồng đã dần dần mỗi ngày bị chuyển sang “thể loại”... văn xuôi châm biếm.
Rất cần “hai trong một”
Vợ chồng anh Hoàng Ngọc Lân và chị Vũ Thị Minh Hà (Đức Phổ, Quảng Ngãi) đang sống trong ngôi nhà có ngọn lửa ấm. Anh là giáo viên toán, chị bán hàng mỹ phẩm. Những buổi tối thư giãn cùng bạn thân bên cốc bia, vợ chồng anh hay khuyến khích mọi người “nhâm nhi” đến độ... thăng hoa để có thể dễ dàng ngân lên tiếng hát. Riêng anh chị, bao giờ đến “phiên” cũng song ca bài Thu hát cho người, bài hát mà theo cặp vợ chồng không còn trẻ này, đã ghi dấu ấn phút giây rung động thuở ban đầu để từ đó ràng buộc đời nhau.
Anh búng guitar, cùng hát với chị, mơ màng, say sưa, thanh thoát như đưa nhau về lại một thời son trẻ. Chị Hà cười rạng rỡ, bộc bạch rõ hơn về “lai lịch” bài hát: “Đó là bài tui nhờ ảnh chép giùm, sau đó là tập cho tui hát. Hát chưa rành thì lửa tình đã bén rồi... dính luôn. Cho nên vợ chồng tui không thể nào quên được bài ca ấy”.
Hàng xóm và bạn bè có cùng nhận xét về anh chị: “Đó là cặp vợ chồng vừa “nghệ sĩ” vừa rất đời thường. Họ chăm chút cho nhau từng li từng tý. Chạng vạng, chút mưa chiều vừa đủ ướt lá cây, anh đã hối con: “Xuống chợ chở má về mau. Nhớ mang theo áo mưa. Má con thường hay cảm lạnh lắm đó”. Những săn sóc nho nhỏ mà chân tình với nhau, lâu lâu gợi trong nhau những kỷ niệm êm đềm, tự nó đã khơi lên ngọn lửa nồng nàn và nuôi dưỡng tình yêu bền vững.