Hơn 73% vụ cháy ở Hà Nội là do sự cố hệ thống, thiết bị điện
Theo Công an TP Hà Nội, nguyên nhân xảy ra các vụ cháy trên địa bàn thời gian qua do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm đến hơn 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và do vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy.
Chiều 28/6, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội chủ trì giao ban quý II/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.
Hội nghị nghe báo cáo ba nội dung: Công tác chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường năm 2024; kết quả công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố và kết quả thực hiện Chỉ thị số 09 ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về kết quả công tác phòng, chống cháy nổ, Phó Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Thành Long cho biết, 6 tháng năm 2024 đã xảy ra 594 vụ cháy, làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó 4 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng ...
Nguyên nhân vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hơn 10%; do vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) 0,34% và các nguyên nhân khác. Lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trực tiếp triển khai chữa cháy 289 vụ, chiếm hơn 48% tổng số vụ cháy. Còn lại hơn 51% số vụ cháy do lực lượng tại chỗ dập tắt.
Hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy nổ, CHCN bảo đảm thông suốt 24/24h, 100% tin báo cháy, sự cố, tai nạn được tiếp nhận và xử lý theo quy định...
Đáng chú ý, qua rà soát, toàn thành phố còn gần 3.000 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Hầu hết các cơ sở đã cam kết lộ trình thời hạn khắc phục. Đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành kiểm tra đối với 36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn , đạt 100%, xử phạt 3.134 trường hợp, tạm đình chỉ 672 trường hợp, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, yêu cầu 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Ban Cán sự đảng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các chủ cơ sở, hộ gia đình, người dân thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC, như: Tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở; trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC...
Trong phần kết luận hội nghị, liên quan công tác PCCC và CNCH, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, 9 tháng trở lại đây, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ...
Trước diễn biến phức tạp này, thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, công văn về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới.
Tuy nhiên, theo bà Tuyến, vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này chưa được khắc phục, dẫn đến nhiều vụ cháy làm chết nhiều người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã còn có tư tưởng “thoái thác”, “trông chờ” vào lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Thêm vào đó, nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC; còn tư tưởng lơ là, chủ quan, đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà không quan tâm đến đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn PCCC…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung xây dựng , sớm hoàn thiện “ Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030 ”...
Bà Tuyến cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân không thực hiện chỉ đạo của thành phố, trong đó tập trung vào một số chuyên đề, như: Xử lý các công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC và CNCH tại các khu dân cư, các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao…