Hơn 500 trường chuẩn quốc gia trong vòng 3 năm: Hà Nội đừng thất hứa với con trẻ

Nguyễn Yên/VOV Giao thông,
Chia sẻ

Chủ tịch UBND Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị liên quan đôn đốc bàn giao 7 lô đất bỏ hoang để thành phố xây trường học. Các bước đi tiếp theo ra sao để Thành phố chấm dứt nghịch cảnh có đất quy hoạch làm trường học mà chủ đầu tư lại bỏ hoang, các khu đô thị thiếu trường học?

Ông Nguyễn Văn Tần, một người dân sinh sống lâu năm tại Tổ dân phố số 12, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội không khỏi xót xa khi nhìn nhiều khu đất được ông và bà con nơi đây bàn giao cho chủ đầu tư từ cách đây 20 năm để xây dựng trường học nhưng tới nay con cháu ông đang thiếu chỗ học.

“Những ô đất bỏ hoang đã gần 20 năm rồi, người ta chỉ quây tôn để đấy thôi chứ không xây dựng gì cả. Chúng tôi rất bức xúc, đất thì hoang hóa, các cháu thì không có trường, không có lớp để học. Giờ con em của chúng tôi phải học 2 ca hoặc nghỉ học trong tuần”, ông Tần nói.

Hơn 500 trường chuẩn quốc gia trong vòng 3 năm: Hà Nội đừng thất hứa với con trẻ - Ảnh 1.

Hà Nội thiếu nhiều trường học nhưng vẫn còn nhiều bãi đất trống đang được cho thuê làm bãi trông xe. Ảnh: Công an nhân dân

Mỗi năm, với 1.800 -2000 trẻ được sinh ra trên địa bàn, ông Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc phường Hoàng Liệt cho biết, nếu không xây dựng được thêm trường mới thì có thể năm sau hoặc năm sau nữa, việc bốc thăm để giành suất vào trường sẽ diễn ra với cả khối tiểu học và các cháu lứa tuổi 3-4 sẽ không có cơ hội học trường mầm non công lập do ưu tiên trường lớp cho các cháu 5 tuổi học tiền tiểu học.

Trong bối cảnh thiếu trường học nhưng đất xây trường lại bỏ hoang, ông Nguyễn Tất Thắng cho biết, khi được giao lại 7 lô quy hoạch xây trường ở phường Hoàng Liệt, UBND quận Hoàng Mai sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để xây trường công lập.

“Trên địa bàn phường có nhiều ô đất quy hoạch để xây dựng trường học mà các chủ đầu tư chậm hoặc không triển khai. Từ ý kiến nhân dân, lãnh đạo quận báo cáo Thành phố, nếu chủ đầu tư không triển khai thì thu hồi lại, bàn giao cho quận đầu tư bằng kinh phí nhà nước để xây trường công.

Đề nghị nhanh chóng có hướng giải quyết làm sao nhanh chóng xây dựng thêm trường, đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Nguyễn Tất Thắng cho biết.

Trong khi đó, theo kế hoạch giai đoạn 2022-2025, Hà Nội phấn đấu tăng thêm từ 432 đến 552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Mục tiêu này đang đứng trước thách thức lớn là các địa phương, đặc biệt các quận nội đô rất thiếu quỹ đất để xây trường. Điều này khiến các trường khó đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư xây thêm trường mới lại càng khó hơn.

Trao đổi về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hà Nội đang giải bài toán thiếu quỹ đất xây trường bằng cách ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong nội thành khi di dời trụ sở các bộ, ngành, các trường cao đẳng, đại học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy…và đề nghị cấp phép cho trường học được xây cao tầng hơn.

Đối với các khu đô thị mà tốc độ xây trường học là chậm hơn tốc độ xây dựng nhà ở và gia tăng dân số, theo ông Đào Ngọc Nghiêm cần thanh tra, giám sát để có biện pháp xử lý phù hợp: “Trong thể chế đã quy định, một khu đô thị phải đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội thì mới được khai thác sử dụng.

Vừa rồi Hội đồng Nhân dân Thành phố đã có cơ chế tổ chức các đoàn giám sát và rà soát lại, nếu quá thời hạn mà không thực hiện thì Thành phố có quyền thu hồi để Thành phố dùng vốn ngân sách xây hoặc giao cho chủ đầu tư khác xây dựng. Đây là giải pháp linh hoạt của Hà Nội đối với các khu đã xây dựng nhưng không thực hiện đúng quy hoạch”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, cần phải thanh tra toàn bộ đất dành cho giáo dục tại các khu đô thị khi mà nhiều khu đô thị ở Hà Nội đang “bỏ quên” trường học. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan thanh tra vào cuộc, xử lý rõ trách nhiệm của địa phương và các chủ đầu tư không hoàn thành trách nhiệm xây dựng hạ tầng xã hội nhưng đã bán nhà cho người dân.

“Việc giám sát lập và triển khai công tác quy hoạch ở các khu đô thị là quan trọng nhất với nội dung trọng tâm là giám sát quỹ đất dành cho trường học trong khu đô thị triển khai đến đâu. Nếu chủ đầu tư xây dựng nhà trước để bán thu lợi nhuận trước và nại lý do chưa xây trường học thì phải kiểm tra mà quá hạn rồi thì không chỉ thu hồi mà còn phải xử phạt.

Thực hiện nghiêm chế tài về quy hoạch và xây dựng để các chủ đầu tư khác thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội”, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

Hơn 500 trường chuẩn quốc gia trong vòng 3 năm: Hà Nội đừng thất hứa với con trẻ - Ảnh 2.

Việc thiếu trường học khiến nhu cầu được cho con học trường công lập của người dân quận Hoàng Mai không được đáp ứng, phụ huynh phải giành suất cho con vào trường bằng cách bốc thăm. Ảnh: Zing

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em.

Trong đó, rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Thực trạng các khu đô thị tại Hà Nội thiếu trường học nhiều năm liền cùng nỗi lo quỹ đất cho giáo dục ngày càng eo hẹp đã được dư luận đề cập tới nhiều nhưng tới nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.

Để Hà Nội có thêm hơn 500 trường chuẩn quốc gia trong vòng 3 năm tới theo kế hoạch thì cần sự vào cuộc từ nhiều phía bởi câu chuyện “đất đâu để xây trường” đang vượt ngoài khả năng của chính quyền địa phương.

“Đòi” đất xây trường bằng cách nào?”

Không chỉ tại “điểm nóng” phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai với 12 tòa chung cư HH Linh Đàm, tại nhiều khu đô thị tại Hà Nội cũng đang có nhiều khu đất bị bỏ hoang. Đặc biệt, ở các quận lõi, nhiều khu đất được quy hoạch để xây trường nhưng chủ đầu tư nhượng lại cho nhà đầu tư thứ cấp hoặc chậm triển khai gây quá tải cho các trường công lập được xây dựng từ trước.

Như huyện Thanh Oai nơi có khu đô thị Thanh Hà ước tính sẽ có khoảng 20 vạn dân sinh sống đã kiến nghị thu hồi 21 điểm trường công lập để địa phương đầu tư công. Còn quận Hà Đông có 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị thì đến nay mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trong khi chủ đầu tư nhiều khu đô thị chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng xã hội, trong đó có trường học phục vụ dân cư, chính quyền địa phương lo ngại sẽ quá tải trường học, gây áp lực cho ngành giáo dục và nhiều lần gửi kiến nghị tìm giải pháp dứt điểm. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, sau những kiến nghị thì mọi thứ vẫn "yên ắng", đất để xây trường vẫn bỏ không để cỏ mọc um tùm.

Để giải bài toán khó về quỹ đất xây trường học, chính quyền TP Hà Nội cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện theo đúng quy hoạch của các chủ đầu tư dự án. Kiên quyết “gạch tên” các dự án thiếu hoặc tìm cách “lách” không xây trường học; thậm chí không cấp phép đi vào hoạt động đối với các khu đô thị chưa hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội trong đó có trường học.

UBND thành phố cần chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các dự án xây dựng trường học trong các khu đô thị; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô; thu hồi các dự án chậm triển khai, để bàn giao cho UBND quận, huyện xây trường.

Đồng thời, hạn chế cấp phép xây dựng các khu đô thị và chung cư cao tầng tại khu vực nội thành để giảm học sinh do tăng dân số cơ học.

Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án được quy hoạch xây dựng trường học thuộc thẩm quyền của các bộ ngành Trung ương; cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan rà soát lại quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Giáo dục bóc tách cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương và từng chủ đầu tư, xử lý trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân trong từng giai đoạn đã để xảy ra tình trạng không thực hiện đúng quy định.

Trong đó, Bộ Xây dựng có vai trò phải kiểm tra, xử lý các vi phạm chuyên ngành và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn; Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ trách nhiệm phần nào thuộc về chính quyền địa phương, phần nào là trách nhiệm của chủ đầu tư để có đề xuất xử lý nghiêm khắc với những cá nhân để xảy ra sai phạm, đồng thời khắc phục hậu quả là bổ sung trường học theo quy định.

Bên cạnh đó, là vai trò của chính quyền các địa phương. Từ chỗ thấy được nguy cơ thiếu chỗ học cho con em trên địa bàn, các địa phương cần chủ động các biện pháp thúc giục, yêu cầu các chủ đầu tư khu đô thị trên địa bàn phải sớm xây dựng đủ hạ tầng thiết yếu, trong đó có trường học.

Mặt khác, kiến nghị thu hồi diện tích đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả hoặc vi phạm Luật Đất đai; sau đó chuyển sang đầu tư công vì chờ đợi nhà đầu tư thực hiện thì không biết đến bao giờ./.

Chia sẻ