Hơn 2 tháng giành giật mạng sống cho nam thanh niên bỏng 'thập tử nhất sinh'

NHƯ LOAN/VTC News,
Chia sẻ

Nam thanh niên bỏng 76% diện tích cơ thể, trong đó 40% bỏng sâu và bỏng hô hấp nặng, nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”.

Nam thanh niên 18 tuổi, quê Nam Định được đưa đến Bệnh viện Bỏng Quốc gia cấp cứu trong tình trạng bỏng lửa ga nguy kịch, thở hắt, suy hô hấp, huyết áp tụt, Sp02 (nồng độ oxy máu) không đo được. Người này bỏng 76% diện tích cơ thể, trong đó 40% bỏng sâu và bỏng hô hấp nặng.

Tại bệnh viện, các bác sĩ hồi sức chống sốc tích cực. Khi nam sinh qua cơn nguy kịch, ê kíp tiếp tục phẫu thuật cắt lọc, loại bỏ lớp da thịt hoại tử sớm, sau đó che phủ vùng da tổn thương bằng da tự thân, da đồng loại và các vật liệu khác. Bệnh nhân bỏng sau đó được băng ép trắng quấn kín người, nhằm giảm phù nề và cải thiện quá trình lành vết thương.

“Lúc mới nhập viện, không ai nghĩ bệnh nhân sống được, song đến nay sau hơn 2 tháng điều trị tích cực, vết bỏng gần như khỏi”, Đại tá,tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Hùng, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia nói.

Hơn 2 tháng giành giật mạng sống cho nam thanh niên bỏng 'thập tử nhất sinh' - Ảnh 1.

Bác sĩ Hùng thăm hỏi sức khoẻ người bệnh bị bỏng. (Ảnh: Như Loan)

Theo bác sĩ Hùng, đặc trưng của bệnh nhân nằm khoa Hồi sức đều trẻ, bị tai nạn bỏng đột ngột, tình trạng thập tử nhất sinh. Thông thường, ca bỏng nặng phải điều trị khoảng 2-3 tháng, đối mặt với rất nhiều biến chứng, có thể tử vong.

Bác sĩ luôn căng não, theo sát bệnh nhân, giải quyết mọi vấn đề để cứu mạng người bệnh. Các biến chứng thường gặp là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, suy thận, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Trường hợp nam sinh kể trên bị nhiễm khuẩn huyết 3 lần, trong đó hai lần nhiễm vi khuẩn và một lần nhiễm nấm. “May mắn người bệnh đã hồi phục, chỉ cần chờ ghép phần da hở là có thể tập phục hồi chức năng”, bác sĩ Hùng nói.

Điều trị bệnh nhân bỏng sâu diện rộng rất khó khăn, tốn kém chi phí, thời gian kéo dài. Bác sĩ phải theo sát người bệnh từ khi vào viện đến lúc họ về nhà. Thậm chí, bệnh nhân bỏng ra viện vẫn phải điều trị di chứng, bác sĩ tiếp tục hướng dẫn và tiếp tục đồng hành cùng người bệnh.

Hiện, điều trị bỏng ở Việt Nam phát triển ngang hàng với các nước trong khu vực. Nhiều phương pháp điều trị bỏng tiên tiến như cắt hoại tử ghép da sớm, ghép da tự thân kết hợp đồng loại trong một lần phẫu thuật, thông khí nhân tạo bảo vệ phổi và khí dung điều trị bỏng hô hấp, nuôi cấy tế bào da tự thân điều trị người bỏng sâu diện rộng giúp tỷ lệ bệnh nhân hồi phục cao.

Chia sẻ