Hơn 1.000 tỷ con côn trùng này đội đất chui lên khiến nước Mỹ rơi vào "thảm họa" lớn nhất trong 221 năm
Kể từ năm 1803, đây sẽ là lần đầu tiên những con côn trùng thuộc 2 lứa này cùng lúc xuất hiện ở Mỹ.
Sự kiện hiếm có trong 221 năm của Mỹ
New York Times đánh giá đây sẽ là sự kiện hiếm có xảy ra ở nước Mỹ bắt đầu từ đầu cho tới cuối tháng 4 này. Hơn 1.000 tỷ con ve sầu thuộc 2 lứa ve sầu khác nhau sẽ cùng lúc xuất hiện ở khoảng 16 tiểu bang của Mỹ. Nhiều người ví von rằng sự kiện này là "thảm họa" lớn nhất của nước Mỹ trong 221 năm.
Tiến sĩ Jonathan Larson tại Đại học Kentucky (Mỹ) cho biết, chúng là những con ve sầu định kỳ (Magicicada) là một trong số những loài côn trùng có vòng đời dài nhất trong tự nhiên. Chúng được chia thành 2 nhóm chính là Brood XIX, hay Great Southern Brood – loài ve sầu 13 năm mới xuất hiện định kỳ và Brood North Illinois, hay Brood XIII, xuất hiện cứ sau 17 năm.
Hai loài ve sầu này dành phần lớn cuộc đời sống trong lòng đất và phát triển bằng cách hút nhựa từ rễ cây. Sau định kỳ 13 hoặc 17 năm, chúng sẽ sử dụng chân trước để đào, chui ra từ lòng đất. Vài ngày sau khi xuất hiện và lột xác, những con đực sẽ bắt đầu phát ra tiếng ồn để tìm kiếm bạn tình giao phối, đẻ trứng và chết trong vòng vài tuần, như vậy chúng có thể hoàn tất quá trình trưởng thành.
Floyd W. Shockley – một nhà côn trùng học chia sẻ với Smithsonian Magazine rằng vì 13 và 17 đều là số nguyên tố nên hai loại ve sầu này chỉ có thể xuất hiện cùng một lúc sau 221 năm. Lần cuối cùng 2 nhóm ve sầu này cùng xuất hiện là lúc Thomas Jefferson làm tổng thống Mỹ. Và sự kiện này còn có một tên gọi là khác là sự xuất hiện kép, người dân Mỹ sẽ được chứng kiến cảnh hơn 1.000 tỷ con ve sầu cùng có mặt ở nhiều nơi.
Ve sầu là loài côn trùng thế nào?
Ve sầu hay còn gọi là kim thiền là một siêu họ côn trùng có đầu to, hai cánh có nhiều vân. Có khoảng 2.500 loài ve sầu trên thế giới, trong vùng ôn đới lẫn nhiệt đới. Ve sầu là các loài sâu bọ được nhiều người biết nhất vì kích thước to lớn hơn, hình dáng đặc biệt có đầu lớn và khả năng tạo âm thanh rỉ rả, inh ỏi, suốt mùa hè. Ở khu vực dãy núi Appalachian, dân Mỹ gọi ve sầu là ruồi khô (tiếng Anh: dry flies) vì xác ve sau khi lột còn nguyên hình và khô. Ve sầu không chích, không cắn và vô hại đối với con người.
Sau khi giao phối, ve cái đào những rãnh nhỏ lên vỏ các cành cây và đẻ trứng vào đó. Ve cái có thể làm nhiều lần như vậy cho đến khi nó đẻ hết vài trăm trứng. Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống và đào sâu vào trong đất. Khi đến giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng để kết thúc thời kỳ ấu trùng, những ấu trùng ve đào một đường hầm lên mặt đất và chui lên. Sau đó, chúng lột xác lần cuối trên một cái cây gần đó và trở thành ve trưởng thành. Xác ve vẫn còn nằm đó và gắn vào vỏ cây.
Khác với các loài côn trùng khác, như dế, tạo âm thanh bằng cách cọ xát hai cánh vào nhau, ve sầu đực tạo âm thanh bằng cách rung hai cái "loa" làm bằng màng mỏng, phát triển từ lồng ngực, có sườn bên trong. Những vòng sườn được co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo sóng âm thanh. Bụng ve rỗng nên có thể khuếch đại thành tiếng ve kêu rất to. Ve lắc mình và dùng cánh để tạo nhịp lên xuống cho "bài hát" của mình. Mỗi giống ve có một thứ tiếng, cường độ, cao độ khác nhau - để mời gọi ve sầu cái cùng giống.
Một số loài ve có khả năng tạo âm thanh đến 120 dB, tiếng kêu to nhất nhì trong loài côn trùng.
4 tác hại của ve sầu xuất hiện số lượng lớn ở Mỹ
Tuy nhiên, việc số lượng lớn ve sầu cùng xuất hiện ở Mỹ có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho quốc gia này.
Thứ nhất, tiếng ồn của chúng quá lớn, thậm chí còn lớn hơn cả tiếng máy bay và có thể tạo ra sức tàn phá khủng khiếp.
Thứ hai, những con ve sầu này chỉ sống được khoảng từ 4 đến 6 tuần và chúng chết ở trên vỉa hè và đường phố, nơi chúng có thể bị người hoặc ôtô giẫm bẹp, đồng thời khiến mọi thứ trở nên bẩn thỉu và trơn trượt.
Thứ ba, những con ve sầu này sẽ hút nhựa cây, đục lỗ khắp nơi để đẻ trứng có thể gây thiệt hại nặng nề cho cây cối và đất đai, lên tới hàng triệu USD.
Thứ tư, những loài chim thường dựa vào sâu bướm ăn lá làm thức ăn sẽ chuyển sang săn ve sầu. Thế nhưng, điều này lại khiến số lượng sâu bướm tăng lên, chúng cũng sẽ ăn lá non của cây và gây tổn thất lớn.
Ve sầu thực sự chỉ gây hại mà không có lợi?
Theo giáo sư côn trùng học May Berenbaum từ Đại học Illinois, Mỹ, trên thực tế, con người đang sợ nhầm loài côn trùng. Sự trỗi dậy của ve sầu không đáng sợ như chúng ta tưởng. Ngoài tiếng ồn, ve sầu không cắn, không đốt và không mang theo bệnh tật nào. Trái lại, lỗ chúng đào giúp cho đất thông thoáng, nước mưa dễ thấm xuống lòng đất giúp nuôi dưỡng rễ cây.
Khe mà chúng đào trên cây sẽ khiến cành bị gãy nhưng việc này giống như một cách cắt tỉa tự nhiên giúp cành và quả sau khi mọc lại to hơn trước.
Ngoài ra, xác của ve sầu thay vì dọn dẹp thì con người có thể lấy làm phân bón tự nhiên cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Chính vì vậy, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và một số nhà khoa học đã kêu gọi người dân Mỹ đừng tìm cách giết chết những con ve sầu theo cách cực đoan. Thay vào đó, hãy đón nhận nó như một sự kiện kỳ diệu của thiên nhiên chỉ xuất hiện tạm thời mà thôi.
*Nguồn: CNN, New York Times, Smithsonian Magazine