Hơn 100 triệu người trên thế giới phải di dời chỗ ở do xung đột và bạo lực
Số người phải di dời chỗ ở trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng thêm 13,6 triệu người, tương đương 15% so với 6 tháng cuối năm 2021.
Ngày 28/10, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, trong nửa đầu năm nay, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bạo lực và mất an ninh trên toàn cầu đã tăng lên 103 triệu người, có nghĩa là cứ 77 người trên thế giới thì có 1 người buộc phải di dời chỗ ở.
Báo cáo mới nhất của UNHCR cho thấy, số người phải di dời chỗ ở trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng thêm 13,6 triệu người, tương đương 15%, so với 6 tháng cuối năm 2021. Con số này lớn hơn dân số của Bỉ, Burundi hoặc Cuba.
UNHCR cũng cho biết, tổng số người tị nạn và người cần được hỗ trợ và bảo vệ trên toàn thế giới đã tăng 24%, từ 25,7 triệu người vào cuối năm 2021 lên 32 triệu người vào giữa năm 2022. Tính đến cuối tháng 6 vừa qua, 56% số người tị nạn là người Syria, Venezuela hoặc Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận 3,7 triệu người tị nạn, con số cao nhất trên toàn thế giới. Tiếp đến là Colombia với 2,5 triệu người, Đức với 2,2 triệu người, Pakistan và Uganda mỗi nước 1,5 triệu người.
Cũng trong nửa đầu năm nay, đã có thêm 9,6 triệu người phải di dời do xung đột và bạo lực, phần lớn ở Ukraine (chiếm 74%). Ngoài ra, ở châu Phi, hơn 3,4 triệu người ở Nigeria, Chad, Niger, Burkina Faso, Mali và Cameroon đã phải di dời chỗ do lũ lụt.