Hơn 100 phụ nữ miền Tây nghèo bị bệnh “ra khỏi nhà là té” được bác sĩ Sài Gòn đến cứu
Có người vì hoàn cảnh quá khó khăn phải chịu đựng căn bệnh hơn 10 năm trời, gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Việc bị vấp té khi bước ra khỏi nhà đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực với họ.
"Tôi bị căn bệnh cườm đá hơn 20 năm rồi. Lúc trước vì xốn mắt và khó chịu quá nên tôi gom tiền tích lũy và mượn thêm đi mổ hết một chỉ vàng.
Giờ bên mắt trái thì tái phát lại, cứ chảy nước hoài, còn mắt phải thì bắt đầu mờ. Tôi đi ra đường giờ cứ thấy tối đen nhưng hết tiền mổ rồi…" – bà Trần Ngọc Em (74 tuổi, quê huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ.
Hai bệnh viện ở Sài Gòn phối hợp mổ mắt cho bà con Cà Mau, Bạc Liêu.
Đó là một trong 110 bệnh nhân Cà Mau bị cườm đá, hay còn gọi là đục thủy tinh thể vừa được đoàn BS Bệnh viện (BV) Quận 2 phối hợp với BV Mắt TP.HCM vượt hàng trăm cây số đến phẫu thuật miễn phí trong ngày 27/10.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2 trong buổi khai mạc chương trình mổ mắt từ thiện.
Trước đó một ngày, đoàn cũng đã dừng lại ở Trung tâm y tế huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) để lấy lại ánh sáng cho 93 trường hợp mang bệnh này từ lâu nhưng vì nhiều lý do phải cam chịu bệnh kéo dài.
Trong tổng số 203 trường hợp vừa nêu, có hơn 50% lượng bệnh nhân là chị em phụ nữ.
Một số bệnh nhân phải chịu cảnh tối tăm trong nhiều năm.
Có trường hợp bị đục thủy tinh thể rất nặng.
Một mình đến BV, cô Đặng Thị Liên cho biết, trước đây cô sống với mẹ già và không lập gia đình. Sau khi mẹ mất, một mình cô chui rúc trong căn chòi rách, ai kêu gì làm đó sống qua ngày.
Cháu nội và con dâu chị Lý Thị Nguyên đến động viên mẹ trước khi mổ mắt.
"8 năm nay tôi bị cườm mắt, ngứa ngáy chảy nước hoài rất khó chịu, cứ như có vật gì bị rớt vào. Lên BV tỉnh, người ta nói tôi phải mổ nhưng cần đến 7 triệu đồng. Bản thân tôi ăn ngày nào lo ngày đó thì sao mà lo nổi. Tôi cũng không có bảo hiểm. Để hoài nên giờ nặng rồi, con mắt bên kia cũng không thấy đường. Cứ bước ra khỏi nhà là vấp té hoài…" – bệnh nhân tâm sự.
Mọi trang thiết bị, máy móc cho đợt mổ lần này được các BS đem từ TP.HCM đến.
Còn ông Nguyễn Văn Nở (80 tuổi) cũng cam chịu bệnh này hơn 10 năm. Ông kể, có 5 đứa con nhưng nhà toàn nghèo, không có ruộng đất nên không lo được cho cha. Ông cũng nghĩ mình đã già, sống không được bao lâu nên ráng chịu đựng đau đớn.
Bệnh nhân sau khi khám xong có chút lo lắng.
"Mấy ngày trước bên xã qua thông báo sẽ có đoàn BS mổ mắt miễn phí, tôi liền đăng ký ngay. Hết bệnh là một chuyện, nhưng mình khỏe để không làm phiền con cái cũng tốt" – ông nói.
BS Lê Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết, hoạt động mổ mắt từ thiện đã được phía BV, chính quyền địa phương cùng Ban liên lạc Hội đồng hương Cà Mau – Bạc Liêu tiến hành vài năm nay.
Trước khi mổ, các BS sẽ thực hiện gây tê nhãn cầu.
Cụ thể, mỗi năm địa phương sẽ tiến hành sàng lọc bệnh nhân nghèo ở các xã, khám tầm soát trước và chia làm 2 đợt để tiến hành phẫu thuật. Hậu phẫu, bệnh nhân gần như sẽ lấy lại thị lực mà không cần phải theo dõi gì thêm.
Hai bệnh nhân đang chờ đến lượt mổ.
Theo BS Phong, địa phương vẫn còn nhiều trường hợp dù biết mình bệnh nhưng vì nhiều lý do vẫn không điều trị dứt điểm.
Hậu quả là một số bệnh nhân đã để mắt viêm nhiễm nặng, phải theo dõi điều trị kéo dài.
Đục thủy tinh thể nếu để quá nặng cũng có nguy cơ mù lòa.
Mỗi ca mổ mắt rất nhanh, chỉ tính bằng phút.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2 chia sẻ, hoạt động mổ mắt từ thiện này nhằm giúp bà con vùng sâu, xa không có điều kiện tiếp cận với y học chất lượng cao nhanh chóng sáng mắt để ổn định sức khỏe, cuộc sống.
Trong 2 ngày, hơn 200 ca mổ mắt miễn phí được thực hiện.
Chi phí cho mỗi ca mổ khoảng 5 triệu đồng, phía bảo hiểm đã chi trả 80%. Tổng kinh phí thực hiện mổ từ thiện lần này theo dự kiến ban đầu là 200 triệu đồng (tương đương 200 bệnh nhân). Dù số lượng người dân mong được mổ mắt bất ngờ tăng lên nhưng đoàn vẫn quyết định tiếp nhận hết và cố vận động thêm các nhà tài trợ.
Các bệnh nhân nghỉ ngơi sau khi mổ.
Ngoài ra, đoàn cũng tiến hành trao hai căn nhà tình nghĩa (tổng trị giá 100 triệu đồng) cho 2 hộ gia đình nghèo, tặng 1 cây cầu đến xã vùng sâu tại huyện Phước Long, Bạc Liêu từ tiền đóng góp của một mạnh thường quân.
Nụ cười hớn hở trên gương mặt bà Hồng sau khi phẫu thuật.
Ngay sau khi được phẫu thuật, nụ cười đã nở trên môi của nhiều bà con cô bác. Chỉ vài phút trong phòng mổ, các BS Sài Gòn đã thay đổi cuộc sống tối tăm mà nhiều người đã phải chịu đựng rất lâu.