Hội chứng lo lắng trước lễ: Chuẩn bị năm mới, có điều gì khiến bạn không về nhà đón Tết không?
Không biết từ bao giờ, những cuộc thăm hỏi, chúc Tết họ hàng gần xa lại nhiều đến thế, khiến người đi xa trở về cảm thấy nhất thời không thể thích ứng được.
Kéo vali về đến cửa nhà, bố mẹ chờ sẵn với vẻ mặt mừng rỡ: “Về rồi hả con, nhanh cất đồ đạc rồi ra ăn cơm”. Khoảnh khắc trùng phùng sau một thời gian xa cách thật sự khiến người ta khó cầm lòng.
“Ăn nhiều vô con. Bố thấy con hơi gầy. Cả nhà chỉ chờ con về rồi ăn bữa cơm đoàn viên thôi đấy”, bố nói với vẻ mặt đầy tự hào.
Năm mới về nhà có lẽ ai cũng phấn khởi, háo hức, nhưng xen với đó là loại cảm giác lo lắng, hồi hộp vì những vấn đề chuẩn bị đối mặt.
Sợ lời hỏi thăm và những buổi tụ tập
“Khi nào cưới?”, “Tiền lương bao nhiêu?”, “Làm việc ở đâu?”, “Tính khi nào có con?”, “Có người yêu chưa?”, “Năm rồi để dành được bao nhiêu?”...
Những câu hỏi dường như chỉ mang tính chất hỏi thăm xã giao thân tình, nhưng đối với người chưa đủ tự tin với cuộc sống của mình thì lại trở thành điều đáng bận tâm, khiến họ nặng lòng và cảm thấy không vui trong không khí năm mới sôi nổi.
Đại gia đình quây quần bên mâm cơm ngày Tết, người đi xa trở về tự nhiên trở thành tâm điểm của sự chú ý. Đặc biệt là với nhóm người độ tuổi 30 trở lên, vấn đề kinh tế tài chính và sinh con đẻ cái lại càng nhạy cảm hơn.
Rối rắm với hàng loạt câu hỏi ở nhà chưa hết, đi tụ tập với bạn học cũ còn có thể đáng sợ hơn.
Ai cũng trưởng thành và có cuộc sống riêng, mỗi người lại ở một nơi khác nhau, làm việc trong lĩnh vực khác nhau. Mỗi năm chỉ tụ họp một lần, vốn dĩ là để trân quý những khoảnh khắc bạn cũ gặp lại, nhưng đôi khi lại trở thành nơi để “thể hiện và so bì” lẫn nhau.
“Tôi mới vừa đi châu Âu về”, “Tôi mở cửa hàng kinh doanh, tự làm chủ mới tự do tự tại, sống là chính mình”, “Chồng mới tặng tôi cái túi hiệu, đẹp không?”, “Thị trường năm nay không ổn lắm, chỉ lời được bao nhiêu đây thôi”, “Con nhà tôi vừa mới thi giải quốc tế về, giỏi không?”...
Với những người vững vàng kinh tế và tự tin vào bản thân thì không sao, nhưng nó lại là những áp lực vô hình đè nặng với nhóm người còn loay hoay với cuộc sống.
Không biết từ bao giờ, những cuộc thăm hỏi, chúc Tết họ hàng gần xa lại nhiều đến thế, khiến người đi xa trở về cảm thấy nhất thời không thể thích ứng được.
Mặc cảm về kinh tế và thành công là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến không ít người chọn không về nhà đón Tết. Có thể vì hổ thẹn, cũng có thể vì xa mặt cách lòng, không dám đối mặt với người thân và bạn bè...
Có lẽ vì đi xa làm việc quá lâu, nhiều người chỉ muốn có một kỳ nghỉ yên tĩnh, ở bên cạnh vui vẻ với bố mẹ. Nhưng thực tế lại đi ngược với nguyện vọng đó. Điều này khiến họ tiến vào trạng thái lo lắng trước thềm năm mới với nhiều loại biểu hiện như tính tình cộc cằn, mất ngủ, cảm xúc tiêu cực, giấc ngủ nông…
Năm mới vốn dĩ là khoảng thời gian mong chờ nhất trong năm, tại sao nhiều người lại lo lắng như vậy?
Hội chứng lo lắng trước lễ là hiện tượng không thích nghi với ngày lễ, biểu hiện chủ yếu là buông bỏ, lo lắng triền miên, trong lòng bồn chồn, kiệt sức, năng suất làm việc thấp và tính tình thất thường.
Dân văn phòng có nhịp sống căng thẳng, khối lượng công việc nhiều vào các ngày trong tuần. Những ngày nghỉ lễ kéo dài, khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi khiến họ có quá nhiều kỳ vọng hoặc lo sợ những vấn đề sẽ phát sinh, dẫn đến hiện tượng hoang mang trước ngày lễ.
Vậy làm thế nào điều chỉnh trạng thái, để sẵn sàng trải qua mùa Tết thật đúng nghĩa và vui vẻ nhất?
1. Nếu xung quanh có những người tiêu cực như bạn, cách tốt nhất là không nên tụ tập cùng họ, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng "cùng nhau kể khổ, than vãn".
2. Đừng nên ép bản thân quá tập trung vào công việc, vì đôi khi thúc ép lại phản tác dụng. Hãy để nhịp độ cuộc sống bình thường điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc, bạn sẽ nhanh chóng hòa nhập vào không khí mùa lễ rất nhanh.
3. Nếu quá nhớ nhà, hãy dũng cảm gọi điện cho bố mẹ hoặc anh chị em nhiều hơn. Sự ủng hộ và khích lệ của họ sẽ an ủi tâm hồn đang bất ổn của bạn, giúp bạn có mong muốn về nhà đón Tết hơn, mọi lo lắng tạm thời được gác qua một bên.
4. Mạnh dạn đối mặt với những vấn đề có thể phát sinh trong mùa Tết. Họ hàng hỏi thăm, nếu có thể trả lời thì khéo léo ứng xử, nếu không thì có thể cười trừ cho qua. Với những cuộc tụ tập với bạn bè, nếu bản thân cảm thấy không vui thì dứt khoát từ chối, vì chung vui trong sự miễn cưỡng là một kiểu giày vò. Điều này thật sự không đáng cho những ngày lễ đáng lẽ ra phải tận hưởng vui vẻ.
Một năm sắp qua, có người ăn nên làm ra, có người còn chật vật và lạc lối. Song bất kể trải qua bao chông chênh gập ghềnh, luôn hy vọng và kiên trì mới có ngày nếm được vị ngọt của hạnh phúc. Bỏ ngoài tai lời nói của người khác, sống tốt cho cuộc đời của mình, đừng vì cuộc sống tốt đẹp của bất cứ ai mà buồn bã, bởi lẽ mọi thứ bạn thấy có thể chỉ là bề nổi.
Năm nay, bạn đã cố gắng rất nhiều. Để đi đến tận bây giờ quả thật không hề tầm thường. Hãy tin tưởng vào chính mình, thời gian sẽ trả lời cho tất cả. Về nhà và dành thời gian với người thân thương mới là quan trọng nhất. Chúc bạn có một mùa Tết thật an vui!