Hội chứng đau cơ này nguy hiểm nhưng lại thường xuyên bị mọi người bỏ qua
Đau cơ xơ hóa có thể gây ra rất nhiều đau đớn, căng cứng, mệt mỏi trên toàn bộ cơ thể và khiến người bệnh gặp khó khăn trong những hoạt động thường ngày.
Bệnh lý thấp (thấp khớp và thấp ngoài khớp) được xác định là tình trạng khớp và cơ bị ảnh hưởng. Bệnh lý thấp do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm cả lỗi ở hệ miễn dịch. Nhưng không giống bệnh viêm khớp hay các bệnh lý thấp phổ biến khác, có một chứng bệnh mạn tính nguy hiểm nhưng ít được chú ý tới là hội chứng đau cơ xơ hóa.
Theo MedicineNet, khoảng 4% dân số Mỹ (80% trong số đó là phụ nữ) mắc bệnh này. Nó đặc biệt nguy hiểm cho những người trong độ tuổi 35-55.
Hội chứng đau cơ xơ hóa là gì?
Đó là tình trạng đau mạn tính trong cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm của cơ thể. Người ta thường nghĩ rằng tình trạng này có liên quan tới bệnh viêm khớp. Trên thực tế đau cơ xơ hóa không phải một dạng viêm khớp bởi vì nó không gây viêm hay tổn thương thực sự cho khớp hoặc mô.
Tuy nhiên, nó có thể gây ra rất nhiều đau đớn, căng cứng, mệt mỏi trên toàn bộ cơ thể và gặp khó khăn trong những hoạt động thường ngày.
Cho đến nay, các bác sĩ vẫn đang cố tìm hiểu nguyên nhân thực sự gây ra hội chứng đau cơ xơ hóa.
Nguyên nhân dẫn đến đau cơ xơ hóa
Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác của hội chứng đau cơ xơ hóa nhưng các bác sĩ cũng cho rằng bệnh có thể do một vài nguyên nhân sau gây nên:
- Yếu tố di truyền: Hội chứng đau cơ xơ hóa có liên quan đến nhiều vị trí gen trong hệ thống serotonine, dopamine và catecholamine...
- Stress: Stress có thể làm thay đổi chức năng của axit HPA và làm thay đổi hàm lượng cortisone trong cơ thể dẫn đến đau lan toả toàn thân và kéo dài.
- Rối loạn giấc ngủ: Những nghiên cứu điện não đồ cho thấy người bệnh đau cơ xơ hóa bị thiếu sóng chậm của giấc ngủ, do đó ảnh hưởng đến giai đoạn 4 của giấc ngủ.
- Bất thường về Dopamine: Hàm lượng Dopamine bị giảm sút ở bệnh nhân FMS do giảm quá trình tổng hợp cũng như giải phóng dopamine liên quan đến các bệnh lý thần kinh khác như Parkinson...
- Giảm sút lượng hormone tăng trưởng: Hàm lượng hormone tăng trưởng ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa bị giảm sút do stress có thể gây những biến động ở vùng dưới đồi ảnh hưởng đến giấc ngủ và giảm các sản phẩm của hormone tăng trưởng trong sóng chậm của giấc ngủ.
Một số yếu tố khác như suy giảm hàm lượng serotonine, nhiễm virus (Epstein Barr Virus), bất thường miễn dịch (bệnh lý tự miễn...) cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh này.
Triệu chứng của chứng đau cơ xơ hóa
Theo WebMD, triệu chứng của đau cơ xơ hóa có thể biểu hiện trong nhiều khoảng thời gian của một ngày. Triệu chứng được cho là tồi tệ nhất vào buổi sáng và đầu giờ tối.
Ngoài cảm giác đau, nhức lan tỏa, âm ỉ khắp cơ thể, một số triệu chứng tiêu biểu khác khi mắc hội chứng này bao gồm:
- Mệt mỏi cực độ, người uể oải, rã rời
- Mất ngủ
- Bị căng cơ khi ngồi hay đứng
- Khó khăn trong việc ghi nhớ và tập trung vào các nhiệm vụ cần làm
- Nhạy cảm với mùi mạnh và âm thanh chói
- Lo lắng, bồn chồn, căng thẳng
- Đau quặn vùng bụng dưới, đầy hơi và buồn nôn
- Tiểu tiện thường xuyên
Có một số điểm đau nhất định của hội chứng đau cơ xơ hóa trên cơ thể. Cảm giác đau đặc biệt rõ rệt khi ấn tay vào. Những điểm đau này thường nằm ở vai, khuỷu tay, đầu gối, xương ức, gáy và hông. Các điểm đau này không nhất thiết phải chạm vào mới phát lộ cơn đau. Thay vào đó, chúng là nguồn tập trung cảm giác đau nhức thường xuyên.
Hội chứng đau cơ xơ hóa có thể rất khó điều trị vì không phải mọi bác sĩ đều nắm rõ tình trạng này.
Cách điều trị giúp giảm đau cơ xơ hóa
1. Liệu pháp vận động
Có nhiều liệu pháp thay thế giúp làm giảm đau và căng thẳng trên cơ thể. Yoga và thiền là một gợi ý hay bởi chúng đã được chứng minh là giúp con người chữa trị nhiều chứng bệnh mạn tính. Theo Mayo Clinic, thái cực quyền là một liệu pháp vận động tuyệt vời khác mà người bị đau cơ xơ hóa có thể áp dụng. Nó kết hợp cả thiền với thở sâu và chậm cùng những động tác nhẹ nhàng giúp kiểm soát triệu chứng của đau cơ xơ hóa.
2. Massage
Liệu pháp này được biết tới là cách để làm giảm đau cơ và căng cơ ở những người mắc bệnh lý thấp. Theo WebMD, massage giúp cải thiện tuần hoàn và thúc đẩy sản sinh serotonin, một chất giảm đau tự nhiên có trong cơ thể.
3. Châm cứu
Liệu pháp thay thế này đã được tin cậy áp dụng từ hàng thế kỷ qua. Theo phương pháp chữa bệnh cổ đại của Trung Hoa, những cây kim nhỏ xíu dùng để châm vào các huyệt đạo nhất định, giúp giảm đau, giảm căng cơ và cân bằng huyết áp.
4. Cải thiện thói quen ngủ
Theo National Sleep Foundation, đau cơ xơ hóa có liên quan tới các rắc rối về giấc ngủ và tình trạng mệt mỏi cực độ vào ban ngày. Ngủ đủ là rất quan trọng trong việc giảm các triệu chứng gây đau đớn của đau cơ xơ hóa. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn duy trì các thói quen ngủ nghỉ hợp lý như đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Cố gắng hạn chế tối đa các giấc ngủ ngắn trong ngày.
5. Bổ sung acid amino 5-HTP
5-HTP là một acid amino tự nhiên, kích thích sản sinh serotonin – một chất truyền dẫn thần kinh trong não, có vai trò như chất giảm đau tự nhiên của cơ thể. Theo Healthline, acid amino 5-HTP giúp cải thiện triệu chứng đau cơ xơ hóa ở bệnh nhân và giúp họ giảm đau, mệt mỏi và căng cơ toàn thân.
6. Ghi nhật ký dinh dưỡng hàng ngày
Cũng như phần lớn các tình trạng bệnh lý khác, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng của đau cơ xơ hóa.
Mặc dù nghiên cứu chưa thể khẳng định loại thực phẩm nào bệnh nhân đau cơ xơ hóa nên loại bỏ hay bổ sung vào thực đơn, việc cần làm vẫn là xem xét lượng thực phẩm đưa vào cơ thể một cách thận trọng. Ghi chú thành phần bữa ăn hàng ngày sẽ giúp phát hiện phản ứng bất thường của cơ thể (cơn đau tăng thêm) nếu tiêu thụ loại thức ăn cụ thể nào đó.
Bên cạnh đó, cố gắng không dùng rượu hay cà phê ngay trước khi đi ngủ. Như thế, bạn sẽ có một giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn.
(Nguồn: Health)