Hội chị em văn phòng đầu tư tiền "làm kinh tế": Người chơi chứng người mua vàng, ai "sinh lời" nhanh hơn ai?

Hạ Phong,
Chia sẻ

"Làm kinh tế" là cụm từ mà miêu tả rõ nhất tình hình hội chị em giới văn phòng hiện tại. Ai nấy đều có cho mình một kênh đầu tư với phương châm "tiền phải đẻ ra tiền". Nếu như thị trường chứng khoán từng sốt với trào lưu "làm kinh tế" này thì vàng, bitcoin cũng là một trong những kênh đầu tư được hội chị em văn phòng lựa chọn để "lướt sóng"!

Thị trường chứng khoán bỗng trở nên sôi động hơn khi lượng người gia nhập lĩnh vực này ngày một đông, cơn sốt mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng. Sau cơn đại dịch, người người ai nấy đều đổ xô đi đầu tư và chuyện "làm kinh tế" không còn là chuyện ngoài lề mà đã trở thành chuyện một sớm một chiều với hội chị em. 

Người người - nhà nhà "chơi chứng" 

"Thép dạo này đang hấp hối, hôm qua tôi mới nạp thêm vài mã cho nhà cửa xôm", chị Thu Hương bắt đầu câu chuyện với đồng nghiệp cùng "chơi chứng", văn phòng từ đó cũng rôm rả hơn mọi khi. 

Chẳng riêng gì chị Thu Hương, thời gian gần đây nhiều người cũng tập đầu tư vào chứng khoán một cách có chủ đích, họ gọi tóm tắt là "làm kinh tế". 

"Có hai thứ là tình yêu và chứng khoán, khi phụ nữ đã bước vào rồi thì say hơn điếu đổ", chị Hương tự tin nói. 


Theo chị Hương, trước khi bước chân vào thị trường, chị có khoảng 2 tháng để tìm hiểu vì cơ bản chuyên ngành của chị không phải là "kinh tế" thậm chí chị Hương còn là cử nhân văn hoá học, nền kiến thức chỉ có chữ chứ không hề có những con số. Thế nhưng mà sau thời gian tìm hiểu, người phụ nữ sinh năm 1992 này lại "say chứng" hơn cả say tình yêu. 

"Ngày nào chị cứ nhìn xanh xanh là thích mê, không phải mệnh mộc nhưng cứ xanh là hôm đấy vui cả ngày", chị Hương nói. 

Cùng với chị Hương, chị Đoàn Phương Trúc cũng gia nhập thị trường chứng khoán đã được hơn nửa năm nay! Thừa nhận mình là F0 bắt đầu từ cách chơi "lướt sóng" chị Trúc không dành toàn thời "chơi chứng" mà chỉ xem đó là một khoản đầu tư nhỏ. 

Hội chị em văn phòng đầu tư tiền "làm kinh tế": Người chơi chứng người mua vàng, ai "sinh lời" nhanh hơn ai?  - Ảnh 3.

Chị Đoàn Phương Trúc cho biết mình bắt đầu là một F0 chơi chứng, sau một năm chị đã có thể tự tin đầu tư lâu dài

"Chị rất là máu kinh doanh nên chị không có tìm hiểu kỹ lưỡng, chị tìm hiểu 1 tháng là nhảy vào mua luôn và theo dõi tình hình. Ban đầu chị chơi theo kiểu "lướt sóng", thấy nó đỏ thì mua vào xanh thì bán ra. Sau khoảng 1 năm chị nghĩ là chị đã có chiến lược để đầu tư nghiêm túc, chị dành thời gian tìm hiểu những cổ phiếu có giá trị và mang tính bền bỉ hơn so với ngày trước". 

"Thị trường chứng ngày càng nhiều người chơi vì sau dịch ai cũng mong muốn kiếm được tiền khi ở nhà nên người ta tìm hiểu tất cả các phương thức như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán,... Nữ hay nam gì với chị không quan trọng, quan trọng là người ta nhìn ra vấn đề phải để tiền đẻ ra tiền kể cả trong lúc mình ngủ", chị Trúc chia sẻ. 

"Mua vàng cho chắc mấy chị ơi" 

Từ xưa đến nay, vàng luôn là tài sản cất giữ an toàn và sinh lời nhất. So với những kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản thì vàng cần ít vốn hơn nhưng lại mang tính ổn định. Chính vì vậy đây cũng là một trong những lựa chọn tối ưu cho hội chị em muốn "làm kinh tế". 

Thay vì chọn chứng khoán, chị B.T (24 tuổi, quận 2, TP.HCM) chọn vàng làm kênh đầu tư chính. Theo chị T. trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại vàng khác nhau. Người chọn đầu tư vàng cần đưa ra các dự đoán về vàng để lựa chọn được loại vàng nên đầu tư. 

"Giống như chứng khoán, nhiều người thấy vàng cao thì bán, xuống thì mua thêm để dành, đó cũng là một cách truyền thống của những người ở quê, nhưng nếu tính đường đầu tư lâu dài thì mình phải nghiên cứu, phân tích thị trường, đọc báo mỗi ngày. Gì thì gì không giỏi kinh tế nên mình chọn vàng cho chắc", chị T. nói. 

Theo chị T. không chỉ riêng vàng mà khi bỏ tiền vào đầu tư bất kỳ kênh nào cũng cần thời gian nghiên cứu, học hỏi, với vàng thì mất ít thời gian hơn chứng khoán. Ngoài ra nếu là một người đầu tư nghiêm túc cần mỗi ngày đọc và nắm những thông tin về thị trường một cách nghiêm túc. 

"Giá vàng còn bị ảnh hưởng bởi sự tăng giảm của đô la. Dân tài chính đều biết một điều là nếu đồng đô tăng thì vàng sẽ giảm và ngược lại. Hoặc khi theo dõi các tin tức, biến động thị trường hằng ngày, mình nhận thấy cơ hội tốt nhất là khi một nơi nào đó phát hiện ra những mỏ vàng mới, lúc này sẽ có nhiều đơn vị khai thác. Thời điểm này giá vàng sẽ giảm để kích cầu. Đó là một số mẹo mình biết được khi chọn đầu tư vàng", chị T. phân tích. 

"So với vàng trang sức thì vàng miếng, vàng chỉ có giá ổn định hơn rất nhiều. Nếu bạn mua vàng đầu tư chứ không phải để đeo thì nên mua theo chỉ hoặc theo miếng, loại vàng mình chọn đầu tư là vàng nguyên chất 9999 (vàng 24K). Vàng 24K ít mất giá", chị T. nói thêm. 

Vàng và "Chứng" tiền đi đâu sẽ đẻ ra tiền nhiều hơn? 

Theo tìm hiểu, cách đây 2 năm (2019) giá vàng rơi vào khoảng 40 triệu đồng một lượng. Riêng năm 2020, thị trường vàng Việt Nam trở nên "nóng sốt" khi giá vàng vượt ngưỡng 50 và "chốt trần" ở đỉnh 58 triệu đồng một lượng. Sau đó không lâu, giá vàng lại quay về mốc 55 triệu đồng một lượng và duy trì ổn định cho đến nay. Có thể thấy, giá vàng trong một năm dao động ở biên độ không cao, không thấp và dường như không có rủi ro khi giá vàng ở thời điểm hiện tại dù lên hay xuống vẫn không thể nào quay về mốc 40 triệu đồng một lượng. 

Riêng chứng khoán, theo những nhà đầu tư "lướt sóng" dù tham gia trong vòng vỏn vẹn 3 - 4 tháng nhưng họ cũng đã "lên xuống" cũng với bảng điện tử, giá cổ phiếu khi thì lên trần "tím ngắt" khi thì xuống đáy "đỏ lòm". 

Hội chị em văn phòng đầu tư tiền "làm kinh tế": Người chơi chứng người mua vàng, ai "sinh lời" nhanh hơn ai?  - Ảnh 5.

Hội chị em văn phòng đang mặn mà với màn đầu tư sinh lời từ việc chơi chứng khoán

Theo bạn Phương Bùi (27 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) bày tỏ quan điểm: "Giá vàng hạ do nhiều người khó khăn do dịch mang vàng ra bán, vàng hạ nhưng không bao giờ về mức ban đầu, riêng chứng khoán rủi ro cao hơn, chứng khoán càng nhiều người chơi rủi ro càng cao, chứng khoán tăng nhờ dòng tiền đầu cơ, nhà đầu tư không biết bỏ tiền vào đâu. Mua vàng có lỗ cũng chút ít nhé, còn chứng khóan có lúc mất sạch".  

Theo Phương, khi có một khoản tiền dư không cần dùng đến người đầu tư cần phải biết thời hạn đầu tư của mình sẽ kéo dài trong bao lâu. 

"Khi đầu tư vàng cần cân nhắc thời gian bạn đầu tư là bao lâu, dài hạn hay ngắn hạn. Nếu như trong vòng 2 - 3 năm, thì đừng nghĩ đến chuyện mua vàng vì vàng là kênh đầu tư lâu dài, nhất là ở thời điểm hiện tại sau dịch, giá vàng trong nước sẽ rất bấp bênh, riêng mình mình mua ngoại tệ cất, vàng giảm thì mình bán ngoại tệ mua vàng cất, khi nào đất giảm thì mình bán vàng và ngoại tệ mua đất". 

Chia sẻ