Học sinh vật vã trong 'chảo lửa'
Nắng nóng gay gắt, kéo dài nhiều ngày khiến học sinh, giáo viên tại TPHCM điêu đứng, nhất là trong các lớp học chật chội, đông đúc, thiếu trang thiết bị.
Dù lớp học có máy lạnh, học sinh của một lớp 9, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) luôn cảm thấy nóng nực và ngột ngạt vì máy lạnh không đủ làm mát cho một lớp có trên 50 em. Em MT., một thành viên của lớp này, cho biết, từ vài tuần qua, bạn nào cũng uể oải. “Vừa nóng vừa mệt nên em khó tập trung học”, MT. cho hay. Tình trạng học sinh bị ảnh hưởng sức khỏe diễn ra ở hầu hết các trường học tại TPHCM.
Để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, nhiều trường đã thực hiện hàng loạt biện pháp. Mỗi giờ ra chơi, loa phát thanh tại Trường Tiểu học Phước Thạnh (thành phố Thủ Đức) lại vang lên, nhắc nhở học sinh uống đủ nước, vệ sinh tay chân, tránh chơi các trò chơi vận động mạnh ở sân trường.
Bà Lê Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, những tuần gần đây, trường không tổ chức các hoạt động tập thể; tiết học thể chất có thời khóa biểu cuối buổi sáng hoặc đầu buổi chiều cũng được giáo viên giảng dạy trong lớp để tránh việc tập luyện ngoài trời.
“Với không gian trong lớp thì không thể thoải mái như ngoài trời, đặc biệt với môn giáo dục thể chất. Nhưng vì đảm bảo sức khỏe của học sinh , nhà trường phải linh động sắp xếp”, bà Ngân nói.
Theo bà Ngân, trường không có máy lạnh, với sĩ số học sinh luôn trên 40 em mỗi lớp nên không thể tránh khỏi nắng nóng .
Tại khu trung tâm TPHCM với diện tích có hạn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đã lắp thêm ô (dù) dưới sân, kéo dài thời gian sử dụng điều hòa, quạt để làm giảm nhiệt trong phòng học. Nhà trường cũng yêu cầu giáo viên không dạy các môn giáo dục quốc phòng, thể chất ở chỗ nắng, không cho học sinh tập những động tác nặng hay chạy, nhảy… để đảm bảo sức khỏe .
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường đề nghị phụ huynh nhắc con em đi học cần mang theo mũ (nón), thoa kem chống nắng, uống nhiều nước, hạn chế ra chỗ nắng lâu. “Học sinh thận trọng khi ăn uống vì thời tiết này dễ làm thức ăn ôi thiu dẫn đến ngộ độc thực phẩm”, ông Phú lưu ý.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho hay, đơn vị đã lưu ý các trường học điều chỉnh thời gian học, lượng hoạt động trong giáo dục thể chất, quốc phòng - an ninh và các hoạt động ngoài trời, ngoại khóa cho phù hợp. Sở yêu cầu các trường hạn chế các hoạt động (xếp hàng điểm danh, xếp hàng lên lớp…) tại thời điểm nắng nóng để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh.
Bác sĩ CKI Trương Thị Ngọc Phú, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyên, nên hạn chế cho trẻ chơi quá lâu dưới thời tiết nắng nóng vì dễ gây mất nước, suy kiệt và dễ nhiễm bệnh.
Nếu phải hoạt động ngoài trời, nên hướng dẫn che chắn cho trẻ cẩn thận (đội mũ, áo dài tay, nơi hoạt động có mái che…). Tránh hoạt động vào những thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao và tia cực tím hoạt động mạnh trong ngày (khung giờ từ 10 - 14 giờ). Thời gian hoạt động ngoài trời không quá 60 phút/ngày đối với trẻ em trong thời tiết nắng nóng.
Ngoài ra, cần tăng cường lượng nước cho cơ thể, đặc biệt là loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, cam tươi, dừa tươi, nước sôi để nguội… giúp cơ thể trẻ không bị mất nước và tăng cường sức đề kháng.