Học sinh vào rạp xem phim 18+ như Mai của Trấn Thành có bị phạt?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Thời gian gần đây, không thiếu phim được gắn mác 18+ (T18) nhưng vẫn có học sinh vào rạp xem phim. Vậy trong trường hợp, học sinh vào rạp xem phim 18+ có bị phạt không?

Học sinh vào rạp xem phim 18+ có bị phạt không?

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video lực lượng chức năng vào rạp kiểm tra độ tuổi khán giả xem phim Mai - tác phẩm gắn nhãn T18 (dành cho khán giả trên 18 tuổi).

Đoạn video ngay sau khi được chia sẻ đã lập tức nhận về nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, đa phần đều tán đồng bởi không ít người cho rằng trong bộ phim có cảnh "nóng" và việc kiểm tra độ tuổi xem phim là điều cần thiết bởi có nhiều khán giả không chấp hành quy định. Trước đó cũng đã có những phản ánh thực tế về hiện trạng này.

Học sinh vào rạp xem phim 18+ như Mai của Trấn Thành có bị phạt?- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra một rạp đang chiếu phim "Mai" tại TPHCM

Bên cạnh những vấn đề việc các rạp "thả cửa" không chấp hành đúng quy định nhiều người cũng thắc mắc, những người chưa đủ tuổi vào rạp xem phim có dãn nhãn 18+ có bị xử phạt hay không?

Hiện nay, các bộ phim được chiếu rạp đều được phân loại theo độ tuổi để xác định chính xác đối tượng được phép xem bộ phim đó.

Căn cứ khoản 4 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP, các rạp chiếu phim phải đảm bảo khán giả xem phim đúng đối tượng, độ tuổi. Nếu không bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim thì rạp chiếu phim sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi không thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, đảm bảo trẻ em xem phim trên mạng phù hợp độ tuổi xem phim thì sẽ bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng.

Học sinh vào rạp xem phim 18+ như Mai của Trấn Thành có bị phạt?- Ảnh 2.

Quy định về phân loại phim theo độ tuổi được các rạp thông báo đến người xem.

Tuy nhiên về hành vi khách hàng cố tình khai gian độ tuổi để được vào rạp xem phim gắn mác 18+ thì hiện nay chưa có chế tài xử lý với khán giả cũng như rạp chiếu phim.

Thực tế, các rạp đang thực hiện việc kiểm soát độ tuổi của khán giả căn cứ vào giấy tờ tùy thân của người xem có ảnh nhận diện và ngày tháng năm sinh để đảm bảo tuân thủ quy định như:

Thẻ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/hộ chiếu Thẻ học sinh/thẻ sinh viên/Giấy khai sinh Giấy tờ tùy thân khác…

Năm 2024 phim chiếu rạp được phân loại như thế nào?

Việc phân loại phim theo độ tuổi được xếp theo thứ tự từ thấp đến cao tại Điều 2 Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL như sau:

Phim loại P: Những bộ phim được phép chiếu cho tất cả mọi người ở mọi độ tuổi đều xem được.

Phim loại K: Những bộ phim được chiếu cho khán giả dưới 13 tuổi với điều kiện người này phải xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Loại T13 (13+): Chỉ những người xem từ đủ 13 tuổi trở lên mới được đến rạp để xem.

Loại T16 (16+): Phân loại phim dành cho người xem từ đủ 16 tuổi trở lên.

Loại T18 (18+): Những bộ phim được phổ biến đến người xem có độ tuổi từ đủ 18 trở lên.

Phim loại C: Phim không được phép phổ biến.

Học sinh vào rạp xem phim 18+ như Mai của Trấn Thành có bị phạt?- Ảnh 3.

Quy định về phân loại phim theo độ tuổi được các rạp thông báo đến người xem.

Có thể thấy, việc phân loại phim như trên được thực hiện dựa theo các nguyên tắc:

- Bảo vệ đối tượng là trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với các nội dung không phù hợp hoặc các nội dung có thể tác động tiêu cực đến các đối tượng đó.

- Phải ưu tiên căn cứ vào bối cảnh, mức độ tác động đến người xem để phân loại phim. Ngoài ra, còn căn cứ vào tình huống, bối cảnh cụ thể và cách thể hiện của nội dung phim, tính tương tác, tần suất, thời lượng, mức độ chi tiết của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, lời thoại của bộ phim với người xem.

- Có thể cân nhắc phân loại ở mức thấp hơn khi có các tình tiết được miêu tả bằng lời nói thay vì thể hiện bằng hình ảnh hoặc hình ảnh thể hiện chỉ có mức độ tác động thấp.

- Có thể cân nhắc phân loại phim ở mức độ cao hơn khi các tình tiết:

+ Chứa nhiều chi tiết hơn trong đó có cả quay cận cảnh, quay chậm;

+ Dùng kỹ thuật tạo điểm nhấn như ánh sáng, phối cảnh, độ phân giải;

+ Dùng hiệu ứng đặc biệt như âm thanh, ánh sáng, màu sắc, độ phân giải, kích thước của hình ảnh, đặc điểm và tông màu;

+ Sử dụng biện pháp tả thực thay vì cách điệu;

+ Khuyến khích tương tác và mức độ tác động cộng hưởng của nhiều tiêu chí phân loại;

Đặc biệt, nếu phim có thể được phân loại ở giữa các mức độ thì dựa vào cách xử lý tình huống, kết quả thể hiện thông điệp có mang tính giáo dục, nhân văn, ca ngợi giá trị đạo đức, xã hội, tác động có tích cực tới người xem hay không để xem xét phân loại phim ở mức độ thấp hơn.

Chia sẻ